| Hotline: 0983.970.780

Nấm bệnh đẩy mô hình trồng thanh long vào ngõ cụt

Chủ Nhật 15/09/2024 , 18:21 (GMT+7)

NGHỆ AN Nhiều diện tích thanh long tại xã Tam Quang (huyện Tương Dương, Nghệ An) bị nhiễm bệnh khiến người trồng bất lực, đến nay vẫn loay hoay trong việc tìm giải pháp phòng trừ.

Người trồng thanh long tại xã Tam Quang hoang mang khi nhiều diện tích bị nấm bệnh gây hại, tàn phá. Ảnh: Việt Khánh.

Người trồng thanh long tại xã Tam Quang hoang mang khi nhiều diện tích bị nấm bệnh gây hại, tàn phá. Ảnh: Việt Khánh.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ từng là điểm tựa cho đồng bào vùng cao tại xã Tam Quang (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) trong phát triển kinh tế vườn đồi, dù vậy những năm gần đây cây thanh long bỗng trở thành gánh nặng cho nông dân, người trồng thanh long rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan do nấm bệnh hoành hành.

Theo ghi nhận, lúc đỉnh điểm toàn xã Tam Quang có hơn 80 hộ dân trồng thanh long ruột đỏ, tập trung chủ yếu tại làng Bãi Sở, bản Sơn Hà. Giai đoạn đầu cây thanh long phát triển ổn định, chất lượng sản phẩm tốt, được thương lái và người tiêu dùng đánh giá cao, nhờ đó mang lại cho người trồng nguồn thu khá cao và ổn định. Đặc biệt năm 2021, năng suất bình quân đạt đến 50 tạ/ha, toàn xã Tam Quang thu về tổng sản lượng gần 400 tấn, nhiều nhà vớ bẫm nhờ thanh long.

Từ bước đệm này, số đông tin chắc cây trồng mới mẻ này sẽ bám trụ vững bền trên đất này, từng bước xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, khơi dậy tiềm năng, lợi thế thổ nhưỡng sẵn có, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Niềm tin càng được bồi đắp khi thanh long ruột đỏ của xã Tam Quang được UBND tỉnh Nghệ An công nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2022. Thế nhưng tình thế nhanh chóng đảo chiều khi cây thanh long liên tục bị nấm bệnh tàn phá.

Mầm bệnh xâm nhập và tàn phá cây thanh long. Ảnh: Việt Khánh.

Mầm bệnh xâm nhập và tàn phá cây thanh long. Ảnh: Việt Khánh.

Bà Kha Thị Hiền, Chủ tịch UBND xã Tam Quang thừa nhận thực trạng buồn: “Bệnh hại khiến mô hình trồng thanh long trên địa bàn ngày càng khó khăn. Thời gian đầu mọi thứ không quá đáng ngại, dù bị bệnh hại tác động nhưng cây vẫn đậu quả, sản phẩm vẫn tiêu thụ ổn định. Thế nhưng đến cuối năm 2022, số lượng quả bắt đầu giảm mạnh, lúc này bệnh lây lan nhanh, trước tình hình đó chính quyền địa phương đã chỉ đạo phá bỏ các cây nhiễm bệnh.

Năm 2023, người dân được hỗ trợ bộ giống mới, đồng thời được cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ lưỡng cách xử lý đất và chăm sóc cây con. Ban đầu cơ bản cây phát triển tốt, có điều sau một thời gian lại nhiễm bệnh và chết dần”.

Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết thêm, do không tìm được phương án xử lý tối ưu nên diễn biến bệnh hại cây thanh long ngày càng phức tạp, người trồng rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Trụ không nổi, nhiều hộ chấp nhận buông bỏ, kéo theo diện tích trồng thanh long giảm mạnh, từ 10ha nay chỉ còn khoảng 2 – 3ha.

“Chúng tôi đang tính toán phương án chuyển đổi cây trồng, mục đích để đất có thời gian hồi phục, cách ly nguồn bệnh, chứ cố đấm ăn xôi chỉ làm bệnh hại thêm nghiêm trọng”, bà Hiền bộc bạch.

Qua tìm hiểu được biết, nấm gây hại cây thanh long thường tấn công mạnh vào các chồi non, qua một thời gian sẽ gây xì mủ, kế đó cây xuất hiện các đốm đen, nhiều điểm bị thối rữa, thoạt nhìn giống da tắc kè. Trong điều kiện ẩm ướt, nhất là sau mỗi trận mưa lớn nấm bệnh sẽ phát tán nhanh sang các cây khác. Chúng âm ỉ kí sinh và tàn phá, dần dà khiến cây mất dần sức sống.

Ông Hồ Viết Minh bất lực trước bệnh 'nấm tắc kè' tàn phá thanh long. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Hồ Viết Minh bất lực trước bệnh "nấm tắc kè" tàn phá thanh long. Ảnh: Việt Khánh.

Gia đình ông Hồ Viết Minh ở làng Bãi Sở “khởi nghiệp” bằng cách dựng 140 trụ trên quỹ đất rộng 3 sào để trồng thanh long, cây phát triển tốt, cho quả đẹp, tính ra mỗi vụ thu hoạch khoảng 5 tạ quả. Nhận thấy có tiềm năng nên ông Minh quyết định nhân rộng mô hình lên 300 trụ, tiếc rằng sau đó mọi thứ tuột dốc không phanh.

Bệnh hại bùng phát mạnh, cây trong vườn đồng loạt xuất hiện các dấu hiệu lạ, dần gây thối rữa cành, quả. Nhằm cữu vãn tình hình, gia đình ông Minh đã dùng đủ mọi cách, sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng ngữa nhưng không ăn thua. Lực bất tòng tâm, đến cuối năm 2023 ông Minh phải chặt bỏ toàn bộ diện tích.

“Tôi đam mê làm vườn và chăm sóc vườn thanh long rất kỹ, mỗi lần phá đi trồng lại đã cải tạo đất bằng vôi và phun thuốc khử trùng nhưng không sao trị nổi bệnh nấm tắc kè”, ông Minh ngán ngẩm nói.

Cũng vướng vào tình cảnh dở khóc dở cười là hộ ông Nguyễn Văn Hùng. Từ số giống được cấp, ông Hùng xắn tay triển khai trên diện tích 5 sào. Cũng như số đông, vụ đầu cây phát triển tốt nhưng sau đó bệnh "nấm tắc kè" gây hại nặng nên ông Hùng đã phải quyết định chấm dứt "mối lương duyên" với cây thanh long.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An, nấm bệnh gây hại thanh long tại xã Tam Quang có tên khoa học là bệnh thán thư, mầm bệnh này phát triển nhanh trong điều kiện nắng ấm đặc thù ở xứ Nghệ. Chuyên gia trong ngành khuyến cáo, bệnh này có thể phòng trừ nếu người trồng phát hiện, phun trừ sớm.

Xem thêm
Mavin Feed hỗ trợ nông dân 5.000 chai sát khuẩn khắc phục hậu quả bão Yagi

Mavin Feed thuộc Tập đoàn Mavin tặng 5.000 chai sát khuẩn chuồng trại Formavet hỗ trợ nhà chăn nuôi khắc phục hậu quả sau bão Yagi.

Nỗi niềm cán bộ thú y: [Bài cuối] Nghề 'tâm sự, trò chuyện' cùng vật nuôi

Công việc nhiều, lòng nhiệt tình có thừa, nhưng thu nhập lại... khiêm tốn. Đó là câu chuyện của những nhân viên thú y ở huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

20 giống cà phê của WASI được chuyển giao ra sản xuất

ĐẮK LẮK Hiện WASI đã có 20 giống cà phê được giới thiệu và đưa vào sản xuất, bao gồm 14 giống cà phê vối và 6 giống cà phê chè.