| Hotline: 0983.970.780

Đại hồng thủy tàn phá những cánh đồng ở Yên Bái

Cả làng năm nay đói rồi...

Thứ Sáu 13/09/2024 , 15:55 (GMT+7)

YÊN BÁI Cách đây 5 ngày thôi, những cánh đồng ở xã Y Can (huyện Trấn Yên) còn phủ kín màu xanh mướt của lúa, ngô, dâu tằm, đao riềng…, nhưng giờ chỉ còn bùn đất.

LTS: Sông Hồng bao đời vẫn hiền hòa bồi đắp phù sa, tạo nên những cánh đồng màu mỡ kéo dài ven đôi bờ. Năm nay, trận đại hồng thủy đã tàn phá khủng khiếp những cánh đồng trù phú ở Yên Bái và nhiều tỉnh thành.

Những bờ xôi ruộng mật ở xã Y Can, huyện Trấn Yên đã bị trận đại hồng thủy tàn phá nặng nề. Ảnh: Thanh Tiến.

Những bờ xôi ruộng mật ở xã Y Can, huyện Trấn Yên đã bị trận đại hồng thủy tàn phá nặng nề. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhà ngập sâu, hoa màu mất trắng

"Cả làng năm nay đói rồi!", đó là câu nói đầy chua xót của bà Nguyễn Thị Yến ở thôn Quyết Tiến, xã Y Can (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái). Chiều ngày 12/9, trời nắng gay gắt sau đợt mưa thối đất thối cát, một mình bà Yến lầm lũi đi giữa cánh đồng bát ngát chỉ còn một màu xám xịt của bùn đất, cây trồng đổ gãy ngổn ngang. Đất cát, nước đục ngàu phủ kín những ruộng lúa và cánh đồng dâu tằm. Giữa ruộng, những cây gỗ lớn nước lũ tha lôi từ đâu về nằm vắt ngang, đè lên những cây dâu bé nhỏ.

Bà Yến bộc bạch, chưa bao giờ từng thấy mưa lũ ghê gớm như năm nay, nước sông Hồng dâng cao, chảy cuồn cuộn vào đồng, lũ dâng cao chưa từng thấy trong đời. Gia đình bà thiệt hại rất nặng, đàn gia cầm chết gần hết, chỉ sót lại mấy con gà; nhà cửa ngập sâu, bàn ghế, chăn chiếu, quần áo ngổn ngang trong biển nước. Toàn bộ diện tích diện tích trồng cấy bị thiệt hại, trong đó có 4 sào lúa đang trong giai đoạn chín đỏ đuôi; 13 sào dâu tằm bị bùn đất bồi lấp đến 50cm; 3 sào trồng đao riềng cũng gãy đổ, vùi trong bùn đất.

Bà Yến (thôn Quyết Tiến, xã Y Can, Trấn Yên) xót xa bên ruộng dâu bị bão lũ hủy hoại. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Yến (thôn Quyết Tiến, xã Y Can, Trấn Yên) xót xa bên ruộng dâu bị bão lũ hủy hoại. Ảnh: Thanh Tiến.

Với 4 sào lúa, nếu không có trận lũ kinh hoàng sẽ thu hoạch được gần 1 tấn thóc, nhà có 2 vợ chồng đủ ăn cả năm và còn có dư để chăn nuôi. Sau khi đốn, diện tích dâu vừa mới nuôi được 1 lứa tằm, bán kén thu được hơn 5 triệu đồng đủ đổ cái cổng bê tông. Thấy dâu tốt, lứa này bà Yên tăng số lượng nuôi, đàn tằm vừa ăn rỗi ngày thứ nhất thì nước lũ về, chạy ngược chạy xuôi tìm chỗ tránh ngập cho tằm nhưng cuối cùng vẫn phải đổ bỏ vì ruộng dâu ngập hết, không có thức ăn. Tòn bộ diện tích dâu sẽ chết vì úng nước, đất cát vùi lấp, vì vậy từ giờ đến năm sau không thể nuôi tằm nữa.

Diện tích đao riềng sẽ thu hoạch vào cuối năm, dự định để dành tiền tiêu Tết nhưng nay cũng mất trắng. Đến cái nhà nuôi tằm với chuồng gà cũng bị nước lũ làm sập. Chẳng còn gì để thu nên bà Yến tính sẽ đi xa làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Các diện tích đao riềng ở xã Y Can khó có thể gượng dậy sau thiên tai. Ảnh: Thanh Tiến.

Các diện tích đao riềng ở xã Y Can khó có thể gượng dậy sau thiên tai. Ảnh: Thanh Tiến.

Mặc kệ trời nắng gắt, lá dâu bám đầy đất cát, hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Lịch ở thôn Quyết Thắng, xã Y Can đang tranh thủ hái những lá dâu héo để vớt vát mấy nong tằm đang nuôi dở.

Ông Lịch giãi bày, lứa này nuôi ít nên trước lúc lũ về có dự trữ được lá dâu, đàn tằm vừa ăn hết lá sáng nay, tranh thủ nước lũ rút phải đi hái lá gấp cho tằm ăn để không bị chết, chỉ cần nuôi 2 hôm nữa là tằm lên né, sẽ được thu hoạch kén. Ruộng dâu bị đất cát bồi lấp khoảng 60cm, mỗi bước chân thụt sâu nên di chuyển rất khó nhọc, lá dâu bẩn đầy cát, vừa hái vừa phải giũ bụi mù, không biết tằm có ăn nổi không.

Với 8 sào dâu, vụ tằm mùa thu này nếu thời tiết thuận lợi gia đình ông Lịch có thể nuôi được hơn 30 nong tằm, sẽ cho thu khoảng 2,5 tạ kén, sau khi trừ chi phí sẽ thu nhập trên 35 triệu đồng. Dự định đó coi như phá sản, bởi sau vài ngày ngập lụt, nắng lên toàn bộ diện tích dâu sẽ chết. Phải chờ đến vụ xuân gia đình mới trồng lại và mất 1 năm nữa mới mới có thể nuôi tằm.

Ông Nguyễn Văn Lịch (thôn Quyết Thắng, xã Y Can) hái vội những lá dâu héo dính đầy bùn đất để cứu mấy nong tằm đang nuôi dở. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Nguyễn Văn Lịch (thôn Quyết Thắng, xã Y Can) hái vội những lá dâu héo dính đầy bùn đất để cứu mấy nong tằm đang nuôi dở. Ảnh: Thanh Tiến.

“Hai sào lúa đang trong thời kỳ trỗ bông phơi màu vẫn đang chìm nghỉm dưới dòng nước đỏ ngàu kia. Từ giờ đến cuối năm, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình phải trông chờ vào đứa con trai đi làm thuê xa nhà", ông Lịch buồn bã.

Buổi chiều muộn, chứng kiến hai mẹ con chị Nguyễn Thị Nga ở thôn Thắng Lợi, xã Y Can đang rầu rĩ thu gom những nong tằm vào bao bỏ đi làm phân bón khiến tôi nhói lòng. Lứa này gia đình chị Nga nuôi 7 nong tằm giống, tằm ăn rỗi đúng lúc mưa lớn, lũ tràn về, gần 2 mẫu dâu ngập chìm trong biển nước đầy bùn đất. Suốt mấy ngày, chạy ngược chạy xuôi mua lá dâu của những hộ dân có ruộng chưa ngập để cứu vãn nhưng cũng không được.

Chị Nga thở dài ngao ngán: "Bao công sức của cả nhà giờ đổ sông đổ biển, tằm ăn phải lá dâu bị ướt, lá úa nên bủng bệnh hết cả. Gọi người ta lấy về làm thức ăn cho cá hay gia cầm nhưng cũng không ai lấy vì lũ tràn ao, cuốn hết cá, gà rồi, nên đành phải đổ bỏ”.

2 mẹ con chị Nga thu tằm bủng bệnh do thức ăn không đảm bảo để bỏ đi. Ảnh: Thanh Tiến.

2 mẹ con chị Nga thu tằm bủng bệnh do thức ăn không đảm bảo để bỏ đi. Ảnh: Thanh Tiến.

Chỉ còn lại bùn đất

Cơn đại hồng thủy hung dữ vừa qua đã cuốn phăng bao công sức của hàng trăm hộ nông dân ở xã Y Can bởi gần như toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã đều nằm dọc theo dòng sông Hồng. Năm 2008 là một trong những trận lũ lịch sử phá hoại những cánh đồng lúa và rau màu của người dân trong xã, nhưng không khủng khiếp như đợt này.

Năm nay mưa như trút khắp vùng phía Bắc từ mấy tháng trước, các hồ đập no nước, vì vậy khi chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, mọi thứ càng trở nên thảm khốc. Nước sông từ thượng nguồn chảy về cuồn cuộn, dâng cao hơn báo động 3 gần 3 mét, nhà cửa, ruộng vườn của người dân ngập sâu trong nước nhiều ngày nên hầu như sẽ mất trắng, khó có thể khắc phục.

Các cây trồng ở xã Y Can coi như mất trắng sau trận đại hồng thủy. Ảnh: Thanh Tiến.

Các cây trồng ở xã Y Can coi như mất trắng sau trận đại hồng thủy. Ảnh: Thanh Tiến.

Phờ phạc sau gần 1 tuần chống bão lũ, ông Nguyễn Huy Trình, Bí thư Đảng ủy xã Y Can chia sẻ, suốt những ngày qua, anh em cán bộ, công chức xã cùng người dân vật lộn ứng phó với bão lũ, vừa phải chạy lụt ở trụ sở Ủy ban xã, vừa bận giúp dân sơ tán, di chuyển đến nơi an toàn, lo tiếp tế, cứu trợ nên chưa thể tổng hợp, thống kê thiệt hại.

Đời sống của 90% người dân trong xã dựa vào sản xuất nông, lâm nhiệp, với tình trạng này, cuộc sống của bà con trong thời gian tới sẽ rất khăn.

Bí thư Đảng ủy xã Y Can cho biết: "Nước ngập mênh mông hết các cánh đồng suốt 4 ngày trời, cả xã có khoảng 150ha lúa, gần 80ha rau màu và hơn 145ha dâu tằm bị thiệt hại hoàn toàn, một số nơi hiện vẫn còn ngập sâu, những chỗ nước rút thì chỉ còn lại bùn đất đỏ ngàu, cây cối héo úa tím tái, đổ rạp, có thể khẳng định thiệt hại gần như toàn bộ".

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.