| Hotline: 0983.970.780

Nam Định: Phấn đấu năng suất lúa đạt 68 tạ/ha

Thứ Ba 15/01/2019 , 15:50 (GMT+7)

Căn cứ kế hoạch của các địa phương, vụ Xuân 2019, toàn tỉnh Nam Định gieo cấy khoảng 74.215ha lúa. Năng suất bình quân phấn đấu đạt từ 68 tạ/ha trở lên.

06-13-41_nh
Nhờ chỉ đạo sát sao của ngành nông nghiệp, vụ lúa Xuân 2018 tỉnh Nam Định đã giành thắng lợi

Theo Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định, với diện tích gieo cấy như trên, toàn tỉnh cần 2.850 tấn giống, gồm 320 tấn giống lúa lai (Nhị ưu 838, CT16, Thái Xuyên 111…), 2.530 tấn giống lúa thuần (Bắc thơm 7, Nếp 97, TBR225, Thiên ưu 8...). Trong đó, giống lúa Bắc thơm 7 sẽ là giống chủ lực.

Ông Hoàng Đức Hân, Trưởng phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định) cho biết, hiện tại trên địa bàn tỉnh Nam Định có 5 đơn vị SX và kinh doanh giống. Ngoài ra còn có nhiều Cty cung ứng giống trên địa bàn tỉnh, vì vậy trong vụ Xuân 2019, tỉnh Nam Định không sợ lo thiếu hoặc khan hiếm về giống.

Đặc biệt, tỉnh Nam Định đã tiếp nhận đủ 250 tấn lúa giống khắc phục hậu quả thiên tai năm 2017 để gieo cấy trong vụ Xuân 2019. Đến nay, các địa phương đã nhận đủ số lượng và chủng loại hạt giống lúa trên để cấp phát cho bà con nông dân bị thiệt hại mưa úng trong vụ Mùa 2017.

Ông Hân chia sẻ, để đảm bảo có đủ lượng giống và chất lượng giống tốt phục vụ nông dân, Sở NN-PTNT Nam Định đã tổ chức cuộc hội thảo chuyên đề với các huyện, thành phố; các đơn vị cung ứng giống lúa và vật tư nông nghiệp để xây dựng cơ cấu giống, lịch thời vụ gieo trồng.

Căn cứ vào diện tích và cơ cấu giống, các Cty, doanh nghiệp đã đảm bảo cung ứng đủ số lượng, chủng loại các loại giống lúa có chất lượng tốt, năng suất cao theo cơ cấu của tỉnh đã xây dựng để đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân.

“Đến nay, các Cty giống trong và ngoài tỉnh đã chuyển tới các cửa hàng, đại lý, HTX được 2.300 tấn giống các loại, trong đó lúa lai 200 tấn và lúa thuần 2.100 tấn”, ông Hân bộc bạch.

Cũng theo ông Hân, để vụ Xuân 2019 đạt được hiệu quả cao nhất, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương tập trung lực lượng, phương tiện để làm đất ngay sau khi có nước; thực hiện tốt việc vệ sinh đồng ruộng; làm đất kỹ, xử lý vôi bột khi làm đất nhằm hạn chế thấp nhất các nguồn sâu bệnh lây lan.

Tận dụng nguồn phân hữu cơ để bón lót, không lạm dụng phân đạm. Tăng cường sử dụng phân NPK của các doanh nghiệp có uy tín chất lượng. Bón phân cân đối nhằm tạo dàn lúa khỏe, hạn chế sự phát sinh và lây lan của các đối tượng sâu bệnh.

Thực hiện đúng cơ cấu, thời vụ gieo cấy theo hướng dẫn của ngành NN-PTNT, xuống giống, gieo mạ đúng lịch. Chuẩn bị đầy đủ nilon che chống rét bảo vệ mạ. Thực hiện tốt việc lấy nước, điều hoà nước phục vụ làm đất và gieo cấy.

Các địa phương chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các Cty thủy nông bám sát tình hình diễn biến thời tiết, thủy văn; lịch gieo cấy, lịch triều…, tận dụng từng giờ nước triều, khai thác đủ nguồn nước có chất lượng để phục vụ đổ ải, làm đất và gieo cấy.

Huy động cao mọi lực lượng lao động tập trung gieo cấy, phấn đấu cấy gọn xong trước 20/2. Sau cấy, thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo vệ lúa. Thâm canh cân đối, hợp lý để tạo dàn lúa khỏe, hạn chế sự phát sinh và lây lan của các đối tượng sâu bệnh. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, làm tốt công tác dự tính, dự báo phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh theo nguyên tắc “4 đúng”…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Năm, Phó Giám đốc Cty CP Giống cây trồng Nam Định cho biết, Cty đã chuẩn bị khoảng 600 tấn giống lúa (trong đó, khoảng 500 tấn giống lúa thuần, còn lại là giống lúa lai) để cung ứng ra thị trường. Các giống lúa cung ứng ra thị trường là những giống lúa có chất lượng tốt, năng suất cao và ngắn ngày như Bắc thơm 7, Nếp 97…

Theo Sở NN-PTNT Nam Định, sau khi Bộ NN-PTNT gửi thông báo về việc lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2018 - 2019, khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ, đơn vị này đã ban hành công văn số 07/SNN-CCTL ngày 3/1/2019 gửi đến UBND các huyện, thành phố; điện lực các huyện, thành phố; các Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi thực hiện tốt các nhiệm vụ mà trong công văn đã nêu rõ.

 

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.