Hiện đang vào đầu mùa mưa, nấm mối mọc len lỏi khắp những vườn cây cao su, điều… giúp người dân ở huyện biên giới tỉnh Gia Lai kiếm hàng triệu đồng mỗi ngày.
Trở lại huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) những ngày đầu mùa mưa, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến hàng trăm hộ dân tấp nập đi hái nấm mối về bán cho thương lái.
Theo nhiều người dân nơi đây cho biết, năm nay nấm mối mọc rất nhiều ở các vườn cây cao su, điều, thậm chí ở cả những vườn cà phê. Nấm mối sinh trưởng rất nhanh, chỉ xuất hiện vào đầu mùa mưa, kéo dài trong 1 tháng. Nấm mối được các thương lái thu mua với giá cao nên người dân đã ồ ạt kéo nhau đi kiếm.
Được biết, nấm mối có nhiều loại nên được các thương lái thu mua với giá cũng khác nhau. Chẳng hạn, nấm dù khoảng 200 ngàn đồng/kg, còn nấm búp khoảng 250 ngàn đồng/kg. Nếu ai may mắn hái được nấm đinh sẽ có giá cao khoảng 300 - 350 ngàn đồng/kg. Với những người chịu khó tìm kiếm, mỗi ngày có thể hái được 4 - 5kg, thậm chí có thể kiếm được hàng chục kg.
Tại xã Ia Dom (huyện Đức Cơ), nhận thấy lợi nhuận từ nấm mối mang lại rất lớn, cả làng Mook Đen đã kéo nhau đi săn lùng. Trước đây nấm mối có ít nên người dân chủ yếu đi kiếm về cho gia đình ăn. Tuy nhiên, năm nay nấm mối mọc nhiều đột biến, cộng với việc nhiều thương lái đến đặt hàng nên người dân có thể kiếm hàng triệu đồng mỗi ngày.
Bà Nguyễn Thị Huệ (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) cho biết, bình quân mỗi ngày kiếm được 4 - 5kg nấm, thu về khoảng hơn 1 triệu đồng, nhiều người kiếm 2 - 3 triệu đồng mỗi ngày là chuyện bình thường. Loại nấm này được nhiều thương lái thu mua, thậm chí đến tận nơi mua cho người dân.
Tại xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ), cũng như nhiều hộ dân khác, 5 giờ sáng, gia đình chị Trần Thị Kim Phương lại len lỏi giữa các vườn điều, cao su để tìm nấm mối. Theo chị Phương, thời điểu sáng sớm, những tai nấm mối chưa nở nên sẽ cho giá trị dinh dưỡng cao và giá bán cũng tốt hơn. Nấm mối phát triển rất nhanh, chỉ cần mọc lên khỏi mặt đất vài tiếng sẽ già đi, giá bán sẽ rất thấp, thậm chí thương lái sẽ không thu mua.
Chị Phương cho biết, mỗi ngày chị tìm nhổ được 2 - 3kg nấm, nếu may mắn có thể kiếm được 10kg, thu nhập vài triệu đồng mỗi ngày. Sở dĩ nói may mắn, bởi theo chị Phương, có nhiều người tìm mãi không thấy, nhưng cũng nơi đó, người khác lại phát hiện ra một ổ nấm, nhổ mãi không hết.
Chị Trần Thị Yến (xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) chuyên thu mua nấm mối của người dân cho biết, năm nay nấm mối có giá thu mua rất cao, có loại lên đến 400 ngàn đồng/kg. Loại nấm này rất được ưa chuộng ở các tỉnh phía Nam nên lượng tiêu thụ cũng tăng rất mạnh.
“Nấm mối năm nay nhiều đột biến, thân to và đẹp nên bán rất chạy. Tuy nhiên, người thu gom nấm phân phối đi các đầu mối cần phải nhanh, nếu chậm thời gian nấm sẽ giảm chất lượng, dẫn đến khó tiêu thụ” chị Yến nói và cho biết, từ đầu mùa mưa đến nay, chị đã thu gom được khoảng 5 tạ đem đi tiêu thụ ở Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM.
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Đức Cơ nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung đã chọn trồng xen canh nhiều loại cây giúp nâng cao giá trị kinh tế, đồng thời cải thiện môi trường sinh thái. Theo đó, nhiều vườn cây trồng theo hướng hữu cơ, để cỏ mọc tự nhiên nên đã tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng và các ổ nấm mối sinh sản và phát triển. Chính vì vậy, những năm gần đây, nấm mối mọc nhiều, tạo cơ hội cho người dân nâng cao thu nhập.
Ông Nguyễn Quốc Tư, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đức Cơ cho biết, nấm mối thường mọc ở các vườn cao su, khu vực rừng có tầng tán nhiều hay những vườn rẫy được canh tác theo hướng hữu cơ. Nơi nào có thảm thực vật dày thì nấm mối mọc rất nhiều, người dân có thể thu hoạch cả tạ nấm mỗi ngày.
“Với sản lượng nấm mối hàng năm khá lớn, chúng tôi đã gửi mẫu vào Trường Đại học Bình Dương để nghiên cứu, tạo ra phôi có thể trồng trong tự nhiên. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được kết quả”, ông Tư cho biết.
Ông Tư cũng khuyến cáo, người dân khi khai thác phải cẩn thận, tránh làm hư hại các bào tử để mùa sau nấm còn mọc lại. Còn với những vườn điều, cà phê thì định hướng người dân nên canh tác theo hướng hữu cơ để tạo điều kiện cho nấm mối mọc, nhằm bảo tồn nguồn đặc sản của địa phương.
Chị Trần Thị Kim Phương cho biết, những năm trước, người dân phải xếp hàng dài tại chợ Đức Cơ để bán nấm. Tuy nhiên, 2 năm gần đây, hình ảnh này không còn thấy nữa. Do lợi nhuận cao từ việc thu mua nấm mối nên ngày càng có nhiều thương lái tham gia.
Các thương lái vào tận các làng, thậm chí còn đến cửa rừng để thu gom nấm về sơ chế rồi xuất bán đi các tỉnh. Giờ nếu ra chợ mua nấm mối có chăng chỉ còn loại nấm già. Do nấm mối vùng Đức Cơ có hương vị ngọt, giòn và ngon hơn các vùng khác nên người dân thích ăn hơn và giá bán cũng cao hơn.