| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, chuyện cũ nhưng giá trị mới

Thứ Tư 22/02/2023 , 08:25 (GMT+7)

NINH BÌNH Với 6.000ha diện tích canh tác lúa kém hiệu quả được chuyển đổi, giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích của nông dân Ninh Bình đã tăng lên rõ rệt.

Những mô hình chuyển đổi cho thu nhập tiền tỷ/năm

Những năm qua, việc triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong lĩnh vực trồng trọt, việc tái cơ cấu được đẩy mạnh theo hướng chuyển dịch sang giá trị gia tăng; chuyển đổi các diện tích đất lúa, đất gò đồi kém hiệu quả sang các loại hình sản xuất nông nghiệp có giá trị cao.

20200920_095520-1433_20200922_507-153949

Từ những cánh đồng chiêm trũng bỏ hoang, cây sen đã giúp trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo khách tham quan tại xã Ninh Thắng, Hoa Lư (Ninh Bình). Ảnh: Lê Bền.

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, trong giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh đã chuyển đổi được khoảng 6.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả. Các hình thức chuyển đổi rất đa dạng như: Chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm (rau các loại như bí xanh, mướp, dưa chuột, cà chua, dưa lê, dưa bở, các loại rau ăn lá...), giá trị sản xuất khoảng 300 - 400 triệu đồng/ha/năm.

Chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm trên chân đất khô hạn, không chủ động nước tưới, trồng 1 vụ tại huyện Nho Quan; đất 2 vụ lúa tại các huyện Hoa Lư, Yên Khánh. Giá trị sản xuất đạt từ 230 - 800 triệu đồng/ha/năm.

Chuyển đổi từ trồng lúa đơn thuần sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản tập trung chủ yếu trên chân đất 2 vụ lúa và đất 1 vụ lúa sâu trũng tại các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Tam Điệp, Hoa Lư. Nuôi thủy sản là các loại cá truyền thống như cá trắm, chép, chạch sụn, giá trị sản xuất đạt 200 - 450 triệu đồng/ha/năm.

Chuyển đổi từ trồng lúa sang các hình thức khác như trồng cây hàng năm kết hợp nuôi thủy sản; cây ăn quả kết hợp nuôi thủy sản; trồng sen phục vụ du lịch kết hợp nuôi thủy sản; nuôi thủy sản ao nổi... Diện tích này chủ yếu trên đất 2 vụ lúa tại các huyện Yên Mô, Kim Sơn, Hoa Lư, TP Tam Điệp. Giá trị sản xuất đạt từ 1 - 1,2 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt 450 - 500 triệu đồng/ha/năm.

Độc đáo mô hình "trên khoai, dưới ốc"

Về Ninh Bình hôm nay, không khó để bắt gặp những mô hình tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi hình thức sản xuất trên chân đất lúa canh tác không hiệu quả, thậm chí để hoang hóa của các hợp tác xã, hộ sản xuất. Từ đó, giúp gia tăng giá trị sản xuất, lợi nhuận, thu nhập, mở ra hướng phát triển nông nghiệp bền vững.

Cánh đồng thôn Yên Thượng, xã Khánh Thịnh (huyện Yên Mô) vốn là phần ruộng trũng, chân đất bùn tro nên người dân trồng lúa không hiệu quả, vụ tốt nhất cũng chỉ cho năng suất khoảng 1,2 - 1,3 tạ/sào, nếu trừ đi các chi phí thì không còn lợi nhuận, thậm chí lỗ. Do đó, nhiều hộ đã không còn mặn mà với ruộng đồng. 

Trước thực tế đó, được sự đồng ý của UBND xã Khánh Thịnh, anh Lã Phú Thuận, thôn Yên Thượng, xã Khánh Thịnh với ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương đã có một quyết định mà nhiều người nói vui là “gàn dở” khi bỏ nghề giáo viên, mặc dù đã có 25 năm công tác trong ngành về thuê lại những diện tích này để phát triển trồng khoai lấy ngó kết hợp nuôi ốc nhồi.

Anh Thuận chia sẻ: Tổng diện tích anh thuê lại của người dân là 4,2ha của gần 40 hộ, với giá thuê 1 triệu đồng/sào/năm. Tháng 6/2021, anh được Sở KH-CN Ninh Bình hỗ trợ 5.000 cây giống khoai lấy ngó. Đây là giống cây trồng mới, có nguồn gốc từ Thái Lan, có đặc điểm sinh trưởng giống các dòng khoai nước của Việt Nam. Tuy nhiên, giống khoai này có thân lá cao to, mập mạp, có nhiều triển vọng về kinh tế khi cho năng suất và chất lượng ngó (dãi khoai) cao hơn nhiều giống khoai truyền thống (ngó ngon, giòn, ngọt và không ngứa).

IMG_9367

Việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng khoai lấy ngó kết hợp nuôi ốc nhồi đã giúp anh Lã Phú Thuận, thôn Yên Thượng, xã Khánh Thịnh ((Yên Mô) có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Trung Quân.

Bên cạnh đó, giống khoai này rất phù hợp với nền ruộng hơi trũng, đất thịt nhẹ, giàu mùn. Cây có khả năng sinh trưởng, phát triển rất khỏe, ít sâu bệnh, chủ yếu là bị sâu khoang ăn lá và bệnh sương mai. Tuy nhiên, hai bệnh này dễ dàng nhận biết và xử lý bằng phương pháp thủ công, tàu lá nào mắc bệnh tiến hành bóc loại bỏ mang ra xa khu vực trồng tiêu hủy. Do đó, công tác bảo vệ thực vật (BVTV) cho khoai lấy ngó tốn ít công, ít chi phí so với các cây rau màu khác.

Năm 2022, mặc dù là năm vừa trồng vừa cải tạo đất, anh đã thu được 30 tấn ngó thô (năng suất cao nhất là 40 - 42 tấn ngó thô/năm), với giá bán ngó thô 20.000 đồng/kg, ngó đã qua sơ chế 35.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, tàu lá anh bán vào Huế và các tỉnh lân cận với giá 5.000 đồng/kg, đồng thời có thể tận dụng những tàu xấu làm thức ăn cho ốc, chăn nuôi… Nếu tính hiệu quả kinh tế so với canh tác lúa trước đây của người dân trên cùng một đơn vị diện tích thì thu nhập của anh đã cao hơn rất nhiều lần.

Không những vậy, trong năm 2022, anh được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm - Khuyến ngư Ninh Bình hỗ trợ 60 vạn ốc nhồi giống để nuôi kết hợp trong ruộng khoai.

Theo anh Nhuận, việc nuôi kết hợp ốc trong ruộng khoai lấy ngó mang lại nhiều lợi ích, vừa tận dụng được diện tích rộng lớn để tăng đàn nhanh chóng (hơn hẳn so với nuôi ốc trong bể), vừa để ốc phát triển tự nhiên, tận dụng được nguồn thức sẵn có, giảm chi phí.

Đặc biệt, việc canh tác khoai và nuôi ốc nhồi không phá vỡ mặt bằng do chủ yếu chỉ tập trung cải tạo đất, đánh luống thấp, có thể trả lại ngay mặt bằng trong trường hợp cần sử dụng đất cấy lúa. Bên cạnh đó, việc kết hợp trồng khoai lấy ngó và nuôi ốc nhồi còn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ. Bởi lẽ, ngó khoai được sử dụng làm rau ăn, phía dưới là ốc và nguồn lợi tự nhiên khác như cua, tôm, tép, chạch... Đây đều là những sinh vật rất “kén” môi trường sinh sống, nếu sử dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học thì không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và sẽ triệt tiêu môi trường sống của những sinh vật này.

Do đó, nguồn nước trước khi được cấp vào khu nuôi trồng đều phải qua bể lắng, xử lý bằng các chế phẩm vi sinh; quá trình chăm sóc chủ yếu dùng phân chuồng ủ hoai mục với men vi sinh, phân bón hữu cơ để chăm sóc.

IMG_9276

Mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi vịt trong nhà lạnh của anh Trần Văn Cảnh, thôn Đường Mười Đông, xã Xuân Chính (Kim Sơn) với quy mô 15.000 con, mang lại lợi nhuận cao gấp chục lần so với trước đây. Ảnh: Trung Quân.

Anh Nhuận tính toán, mặc dù chưa thu hoạch ốc, nhưng với 60 vạn ốc bố mẹ được hỗ trợ, chỉ cần 70% thành công (hiện tại, toàn bộ ốc sinh trưởng phát triển khỏe mạnh) thì năm nay dự kiến thu được 20 tấn ốc thương phẩm và 400 - 500 vạn con giống. Nếu cộng dồn nguồn thu từ việc trồng khoai lấy ngó và nuôi ốc nhồi thì thu nhập của anh sau khi trừ đi các chi phí lên tới cả trăm triệu đồng (cao hơn rất nhiều so với canh tác lúa truyền thống trước đây).

Theo ông Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình, thời gian tới, ngành nông nghiệp Ninh Bình sẽ tập trung triển khai các chương trình như: Liên kết sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ, theo chuỗi giá trị; phát triển và cải tạo tầm vóc đàn gia súc theo hướng chuyên thịt (bò, dê); phát triển thâm canh thủy sản nước ngọt, thủy sản ruộng trũng; phát triển giống nhuyễn thể 2 mảnh vỏ; phát triển nuôi tôm công nghệ cao; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (khoa học công nghệ), công nghệ cao sản xuất rau, quả an toàn; cơ giới hóa trong sản xuất.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả. Đây là một trong những chương trình trọng tâm được ngành nông nghiệp ưu tiên phát triển nhằm gia tăng giá trị sản xuất, lợi nhuận, thu nhập cho người dân; đặt nền móng xây dựng nền nông nghiệp xanh, đa giá trị, phát triển bền vững.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất