Trưng thu không đền bù
Những tháng gần đây, xã hội Nam Phi âm ỉ sự bức xúc việc triển khai quá chậm chạp chương trình cải cách điền địa mà Tổng thống Ramaphosa hứa khi lên nắm quyền hồi đầu năm.
Nông dân Nam Phi được chia lại đất, nhưng nhiều nơi chưa phát huy được hiệu quả kinh tế |
“Chúng tôi kêu gọi người dân Nam Phi hợp tác để xây dựng xã hội phát triển kinh tế và ai nấy đều có việc làm”, ông nói trước khi giải nghĩa nội hàm rõ ràng hơn là “việc sửa đổi Hiến pháp vì lợi ích toàn dân” sẽ cho phép nhà nước trưng thu đất đai không cần đền bù để phân chia lại cho những người chủ thực sự nhưng hiện không có đất.
“Điểm quan trọng cốt tử” này - như lời Tổng thống Ramaphosa - đã được Quốc hội thông qua năm 2016. ANC là đảng đưa ra vấn đề này để thu phục sự ủng hộ của đa số cử tri gốc Phi, xuất phát từ thực tế người Nam Phi da trắng dù chiếm tỷ lệ thiểu số nhưng lại nắm phần lớn quyền sở hữu đất đai. Thậm chí, những vùng đất canh tác màu mỡ nhất chỉ nằm trong tay một nhóm nhỏ vài nghìn ông chủ da trắng. Kể từ khi chính sách phân biệt chủng tộc (apartheid) cáo chung ở Nam Phi năm 1994 với cuộc tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên, đến nay mới có khoảng 10% đất đai thuộc sở hữu của người Nam Phi da trắng được đổi chủ cho người Nam Phi da đen, trong khi ANC chủ trương mục tiêu gấp 3 lần như vậy.
“Chúng tôi phải được lấy lại đất đai của mình” vẫn là tâm lý chung của những người Nam Phi da đen. Họ có cả một tổ chức có tên Những chiến binh tự do kinh tế (EFF) để thực hiện nhiệm vụ kể cả phải “lấy lại đất đai bằng vũ lực”. Khẩu hiệu của họ là “Nam Phi là của người da đen”. Điều đó cho thấy cải cách điền địa là vấn đề nóng bỏng trong xã hội. Nhưng làm cách nào để “trưng thu hợp pháp” mà không bị hiểu là “cướp đất” như quyết tâm của Bộ trưởng Cải cách đất đai Maite Nkoana-Mashabane thực sự là nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Vết xe đổ Zimbabwe?
Đã có nhiều chỉ trích và lo ngại chủ trương trưng thu đất đai sẽ dẫn đến làn sóng “cướp đất” giống những gì xảy ra ở quốc gia Zimbabwe láng giềng. Khi điều đó chưa xảy ra, hoặc chí ít chưa xảy ra trên diện rộng thì căng thẳng đã xuất hiện ở nhiều nơi, đặc biệt ở các khu vực canh tác nhỏ hẹp.
Đạo luật Đất đai 1913 của Nam Phi phân chia khu vực theo màu da trắng - đen. Hệ quả là đến nay, phần lớn những khu đất màu mỡ nhất đang do các ông chủ đồn điền da trắng quản lý, sở hữu.
Một trong những trở ngại lớn nhất với Nam Phi hiện nay là nguồn lực tài chính dành cho việc trưng thu đất đai và phân chia lại cho chủ mới. Bên cạnh đó, nhiều chủ nhân mới người da đen sau khi được chia đất lại không có trình độ, kinh nghiệm quản lý để sinh lời, dẫn đến tình trạng có đất nhưng không có hiệu quả. Peter Jacobs - chuyên gia của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học nhân văn báo cáo rằng, chỉ có 167/301 đồn điền được phân chia dạng thí điểm đang canh tác có hiệu quả kinh tế. Một tỷ lệ lớn các đồn điền không sử dụng hết đất được phân chia để canh tác.
Theo thống kê nhân khẩu, Nam Phi hiện có khoảng 8,5 triệu người (tổng dân số khoảng 55 triệu người) sống dựa vào nông nghiệp hoặc các hoạt động sản xuất liên quan đến nông nghiệp. Tỷ lệ đó không lớn, nhưng mối quan hệ trắng - đen lại luôn như “thùng thuốc súng” luôn trực chờ làm nổ tung kết cấu xã hội. Chỉ có cách tìm ra giải pháp đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, không phân biệt màu da mới “đảm bảo được hòa bình cho quốc gia này”, như lời cựu Chủ tịch ANC Whip Mathole Motsekga phát biểu về chính sách đất đai mới đây tại Quốc hội.
Đất đai & trở ngại * Đạo luật Đất đai năm 1913 hạn chế người Nam Phi da đen mua hoặc thuê đất của người Nam Phi da trắng. * Năm 1994, chính sách phân biệt chủng tộc cáo chung. ANC đặt mục tiêu trả lại 30% đất đai cho “những chủ cũ”, tức người da đen trước năm 2014. Đến nay, mới có 7,5% diện tích đất diện này được trưng thu và đổi chủ. * Rất nhiều trang trại, đồn điền sản xuất kém hiệu quả sau khi đổi chủ do thiếu kinh nghiệm và nguồn lực tài chính để đầu tư mới. |