| Hotline: 0983.970.780

Nam Trung bộ 'khám sức khỏe' hồ, đập mùa mưa lũ

Thứ Tư 13/09/2017 , 13:35 (GMT+7)

 Để đảm bảo an toàn hồ đập trước mùa mưa lũ sắp tới, hiện các tỉnh Nam Trung bộ đã tổ chức kiểm tra, đánh giá và lên phương án phòng chống, bảo vệ hồ đập, nhất là các hồ đập đang ... ủ bệnh.

07-29-00_2
Các tỉnh Nam Trung bộ đảm bảo an toàn hồ chứa trước mùa mưa lũ

Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, tỉnh hiện có 28 hồ chứa thủy lợi và 2 hồ chứa thủy điện Eakrong Rou và Sông Giang. Trong đó, 6 hồ có dung tích lớn hơn 10 triệu m3, 5 hồ từ 3-10 triệu m3, còn lại các hồ từ 3 triệu m3 trở xuống. Sau khi kiểm tra thực tế các hồ chứa trên địa bàn, nhìn chung đều đảm bảo an toàn vận hành trong mùa mưa lũ năm 2017, tuy nhiên một số hồ chứa nước vẫn chưa thực sự yên tâm.

Cụ thể, hồ Hoa Sơn rãnh tiêu nước của phía tả mái hạ lưu đập bị gãy, hư hỏng; hồ Đá Bàn mái hạ lưu bị sụt lún một số vị trí; hồ Suối Dầu van điều tiết cống lấy nước kênh chính Bắc hư hỏng; hồ Suối Hành tường nhà quản lý bị nứt; hồ Đồng Bò trên tường chắn sóng, đỉnh đập có vết nứt nhỏ, ngưỡng tràn xả lũ bị bong tróc mạch vữa đá xây, có hiện tượng thấm qua đập; hồ Suối Trầu mái thượng lưu đập phụ sạt lở, phần hạ lưu tràn chính, tràn phụ bị xói lở, bong tróc vữa bê tông.

Các hồ Láng Nhớt, Cây Sung có hiện tượng thấm thân đập tại một số vị trí; hồ Sở Quan, Bến Ghe, Đá Mài mái đập bị sạt lở, bong tróc; hồ Đường Đệ kênh thoát lũ phía Tây bị sạt lở. Do đó, các đơn vị quản lý hồ chứa trên cần tổ chức kiểm tra thường xuyên, đồng thời theo dõi các hiện tượng thấm, sụt lún để kịp thời xử lý, gia cố tạm để đảm bảo công trình.

 Còn tại Ninh Thuận, Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Ninh Thuận quản lý 21 hồ chứa nước. Hầu hết các đập, hồ chứa đều hoạt động bình thường, an toàn. Tuy nhiên, theo ông Lê Phạm Hòa Bình, Trưởng phòng Quản lý nước và Công trình (Cty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận), sau nhiều năm khai thác, sử dụng, một số đập bị hư hỏng xuống cấp như đập Sông Sắt, Sông Trâu bị nứt, sạt trượt, xói lở mái hạ lưu đập.

Bên cạnh đó những đập chưa có biện pháp bảo vệ mái hạ lưu như đập Ông Kinh, đập Tà Ranh. Một số đập khả năng mất an toàn trong quá trình khai thác vận hành do thấm và xói lở mái hạ lưu như đập Lanh Ra, đập Sông Biêu. Các hồ chứa này đang được triển khai sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8).

Cũng theo ông Bình, tính đến ngày 11/9, tổng dung tích các hồ đạt 152,23/192,21 triệu m3, đạt 79,18% dung tích thiết kế. Lượng nước chứa tại hồ Đơn Dương hiện đạt 142,36/165,0 triệu m3; lưu lượng nước vào hồ 33,79 m³/s.

Để đảm bảo an toàn hồ đập trước mùa mưa lũ, hiện tất cả các hồ, đập thủy lợi thuộc Cty quản lý đều được lập và cập nhật hiện trạng "sức khỏe", bổ sung để trình đến cơ quan có thẩm quyền phê duyệt bao gồm tờ khai đăng ký an toàn đập, phương án phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn vùng hạ du hồ chứa và phương án bảo vệ an toàn đập.

07-29-00_1
Các tỉnh Nam Trung bộ đảm bảo an toàn hồ chứa trước mùa mưa lũ

Công tác vận hành 20 hồ chứa nước đều được Cty tuân thủ theo quy trình vận hành điều tiết do Bộ NN-PTNT phê duyệt. Trong đó, có 5 hồ chứa có quy trình vận hành chính thức gồm Sông Sắt, Trà Co, Cho Mo, Bà Râu và Sông Biêu. Các hồ chứa nước đang sử dụng quy trình vận hành điều tiết tạm thời gồm Tân Giang, Sông Trâu, Phước Trung, Bầu Zôn và Lanh Ra. Các hồ chứa còn lại sử dụng công trình tháo lũ là tràn tự do, phương thức điều tiết lũ là tự động, hiện tại chưa xây dựng quy trình vận hành điều tiết...

 Tại Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có 78 hệ thống công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác sử dụng. Sau khi đi kiểm tra các hồ chứa, ông Nguyễn Hữu Phước, PGĐ Sở NN-PTNT đánh giá, các đơn vị quản lý và chính quyền địa phương nơi có hồ chứa nước thủy lợi đã phối hợp chặt chẽ trong việc vận hành điều tiết hồ chứa có quy trình vận hành như Lòng Sông, Phan Dũng, Cà Giây, Sông Quao, Đu Đủ và Sông Móng.

 Đơn vị quản lý sử dụng hồ chứa nước cũng đã trang bị đầy đủ các thiết bị dự phòng cần thiết phục vụ cho việc xả lũ tại các hồ chứa. Tuy nhiên, một số công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp, trong đó có 7 hồ chứa nước xuống cấp nghiêm trọng gồm Tà Mon, Tân Lập, Trà Tân, Hộc Tám, Sông Quao, Cẩm Hang, Đá Bạc. Các hồ chứa trên xây dựng trước năm 1990, công tác duy tu, bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức, không có kinh phí sửa chữa, nâng cấp...

 Vì vậy, ông Phước đề nghị Cty TNHH MTV KTCTTL Bình Thuận thực hiện các giải pháp khắc phục. Đối với các công trình hư hỏng, tu sửa đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, nằm ngoài khả năng cân đối nguồn vốn, Cty xây dựng kế hoạch, đề xuất phương án, trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét đầu tư.

Sở NN-PTNT yêu cầu Cty cử cán bộ trực 24/24 giờ/ngày, quy định rõ trách nhiệm của từng thành viên, đảm bảo đủ năng lực điều hành công tác PCLB; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động, ứng phó kịp thời khi có lũ, bão xảy ra.

Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, đối với các hồ như Suối Trầu, Láng Nhớt, Đồng Bò, Đá Mài, Cây Sung, Suối Luồng, Suối Lớn, Bến Ghe do xây dựng lâu năm nên đều xuống cấp, hư hỏng. Vì vậy, tỉnh Khánh Hòa đề xuất các công trình này vào dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8).

Đồng thời đề nghị Bộ NN-PTNT đề xuất các Bộ, ngành Trung ương sớm bố trí kinh phí từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB8) để tỉnh triển khai nâng cấp, sửa chữa các công trình nêu trên.

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm