Hiệu quả của trạm đo mưa tự động lắp đặt trên hồ chứa
Hiện ở Bình Định có 163 hồ chứa nước lớn nhỏ, đến mùa mưa lũ, an toàn hồ đập luôn là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền và ngành chức năng tỉnh này.
Để nâng cao năng lực quản lý hồ đập, bảo đảm an toàn cho các công trình, trong những năm qua, Bình Định chú trọng đầu tư thiết bị công nghệ trong quản lý hồ đập, để vừa cập nhất nhanh nhất diễn biến của mưa lũ, giảm sức lao động của nhân viên quản lý hồ và nhất là giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai.
Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, hiện trên địa bàn tỉnh này đã lắp đặt gần 100 trạm đo mưa tự động, trong đó 30 trạm đo mưa tự động chuyên dùng phục vụ phòng chống thiên tai, 600 trạm quan trắc lũ cộng đồng và các trạm quan trắc mực nước ở các hồ chứa. “Cứ khoảng 10-15 phút, các trạm đo mưa sẽ báo lượng mưa trong lưu vực đó bao nhiêu, ngành chức năng dựa vào đó mà điều tiết nước. Đặc biệt, trong mùa mưa lũ, từ thông số của các trạm đo mưa, ngành chức năng sẽ biết lượng mưa lớn nhỏ cỡ nào để chủ động xả hoặc giữ nước lại trong hồ, việc chủ động này mang đến sự an toàn cho các hồ chứa”, ông Chương cho hay.
Cũng theo ông Chương, về quản lý được mực nước trong các hồ chứa cũng được thiết bị trợ giúp. Trước đây, Sở NN-PTNT muốn biết mực nước trong hồ chứa ấy đang ở mức bao nhiêu phải gọi điện cho nhân viên quản lý hồ để hỏi. Nay, người có trách nhiệm ở Sở NN-PTNT có thể ngồi tại văn phòng, nhưng vẫn có thể biết được mực nước trong từng hồ chứa lớn nhờ dữ liệu tự động truyền về máy chủ, biết luôn so với tuần trước nước trọng hồ chứa tăng hay giảm hơn.
Vào mùa mưa lũ, mực nước trên các sông cũng được ngành chức năng đặt làm mối quan tâm hàng đầu. Hiện nay, nhờ thiết bị báo tự động nên ngành chức năng biết được lượng mưa trong lưu vực ấy là bao nhiêu, mực nước trên sông tăng lên hay giảm xuống; nếu giảm thì giảm nhanh hay chậm, còn tăng thì tăng nhanh hay chậm; mức đạt đỉnh là bao nhiêu nếu giảm là giảm bao nhiêu. Đó là cơ sở để ngành chức năng cảnh báo cho người dân trong vùng thu dọn tài sản để tránh lũ hoặc di dời đến nơi an toàn để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Quan trắc khí tượng thủy văn và giám sát vận hành
Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Định đã trang bị đầy đủ hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dụng và thiết bị giám sát vận hành hồ đập; thực hiện đầy đủ các nội dung quan trắc, chế độ quan trắc, cung cấp thông tin, báo cáo và quản lý lưu trữ tài liệu quan trắc kịp thời đúng theo quy định.
Hiện quan trắc mực nước tự động đã được lắp đặt 8 trạm; quan trắc mưa tự động có 28 trạm, gồm các hồ: Hòn Lập, Hà Nhe, Thuận Ninh, Núi Một, Quang Hiển, Long Mỹ Hội Sơn, Vạn Hội, Trong Thượng, Cẩn Hậu, Thạch Khê, Diêm Tiêu, Hội Khánh, Mỹ Thuận; truyền và xem số liệu đo qua thiết bị có kết nối internet tại địa chỉ http://vrain.vn.
Bình Định đã lắp đặt 3 hệ thống vận hành từ xa tại hồ Định Bình, đập dâng Văn Phong và hồ Núi Một dùng để quan trắc, phục vụ công tác giám sát trạng thái vận hành của công trình. Ngoài ra, Bình Định cũng đã lắp đặt hệ thống giám sát vận hành tại các hồ Định Bình, Núi Một, Thuận Ninh và đập dâng Văn Phong với 22 camera.
Theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH KTCTTL Bình Định, trong quản lý hồ đập, hệ thống vận hành từ xa rất quan trọng. Bởi, hệ thống vận hành từ xa quan trắc mực nước, áp lực trong thân đập và nền đập. Thế nhưng hiện nay hệ thống vận hành từ xa tại hồ Định Bình và đập dâng Văn Phong đã hỏng 100%. Hiện nay cơ quan quản lý không thể biết được công trình đang trong trạng thái nào để báo về cơ quan chức năng. Đặc biệt, trong hệ thống vận hành từ xa có cài đặt phần mềm tự động mở hoặc đóng cửa hồ chứa, nay do đã hư hỏng nên muốn đóng, mở cơ quan quản lý phải gọi điện cho người quản lý hồ, sau đó người này phải ra tận nơi để đóng, mở thủ công như trước đây.
“Hệ thống vận hành từ xa ở hồ Định Bình và đập dâng Văn Phong do qua thời gian sử dụng giờ đã hư hỏng, Công ty TNHH KTCTT Bình Định đã báo cáo về Sở NN-PTNT, Sở đã báo cáo UBND tỉnh và Tổng cục Thủy lợi, thế nhưng hồi âm bảo là chờ kinh phí. Hệ thống ở hồ Định Bình do Bộ NN-PTNT đầu tư, có kinh phí rất cao, nên công ty không có khả năng lắp đặt trở lại”, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH KTCTTL Bình Định nói.