| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao năng lực quản lý hổ nuôi nhốt tại Việt Nam

Thứ Sáu 22/09/2023 , 16:06 (GMT+7)

Ngày 21/9, hơn 60 cán bộ quản lý, chuyên gia trong nước và quốc tế về bảo tồn hổ đã thảo luận các giải pháp quản lý hổ nuôi nhốt tại Việt Nam.

Bà Heather Sohl, Trưởng bộ phận về buôn bán hổ trái phép, WWF trình bày về Vai trò của hổ nuôi nhốt trong hoạt động buôn bán hổ bất hợp pháp trên toàn cầu.

Bà Heather Sohl, Trưởng bộ phận về buôn bán hổ trái phép, WWF trình bày về Vai trò của hổ nuôi nhốt trong hoạt động buôn bán hổ bất hợp pháp trên toàn cầu.

Những ý kiến thảo luận được đưa ra tại Hội thảo tham vấn kỹ thuật "Kế hoạch quản lý cơ sở nuôi nhốt hổ tại Việt Nam". Hội thảo do Cục Kiểm lâm chủ trì và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ, thông qua dự án “Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp” do Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) và WWF đồng phối hợp thực hiện.

Trên toàn cầu, loài hổ đang có nguy cơ cao bị tuyệt chủng và được bảo vệ cả trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES).

CITES yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp hạn chế số lượng quần thể hổ nuôi nhốt ở mức nhất định, để hỗ trợ cho việc bảo tồn hổ hoang dã và ngăn chặn mọi hoạt động sinh sản, sinh trưởng để buôn bán các bộ phận, sản phẩm từ hổ.

Tại Việt Nam, theo Cục Kiểm lâm, hiện có khoảng 388 cá thể hổ nuôi nhốt trong các vườn thú, trung tâm cứu hộ, và các khu nuôi nhốt tư nhân. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN-PTNT tổ chức đánh giá về việc thí điểm và thực trạng nuôi hổ tại 5 cơ sở tư nhân được phép nuôi hổ thí điểm. Dựa trên những đánh giá này, việc xây dựng Khung kế hoạch quản lý hổ nuôi nhốt tại Việt Nam đã được đề xuất.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết: "Triển khai thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, Cục Kiểm lâm đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng nuôi nhốt hổ cũng như công tác quản lý hổ, qua đó nhận thấy còn một số vấn đề khó khăn, thách thức đối với các cơ sở nuôi hổ cũng như công tác quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng.

Qua đó Cục Kiểm lâm đã đề xuất xây dựng dự thảo khung kế hoạch về quản lý hổ nuôi nhốt với một số các giải pháp mới như: Quản lý, giám sát hổ bằng công nghệ ADN, hình ảnh sọc vằn, gắn chíp,… phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc; hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan; tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng buôn bán, nuôi nhốt, sử dụng trái pháp luật hổ và các sản phẩm, dẫn xuất từ hổ,...".

Theo ông Nghĩa, hội thảo sẽ góp phần đóng góp ý kiến để Cục Kiểm lâm hoàn thiện Kế hoạch quản lý hổ trong thời gian tới, đảm bảo phù  hợp với quy định của Công ước CITES, pháp luật Việt Nam và tình hình thực tiễn.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT) phát biểu khai mạc.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT) phát biểu khai mạc.

Ông Đỗ Quang Tùng, Trưởng ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp (MBFP - Bộ NN-PTNT) cho biết: "Hổ là loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng rất cao do tình trạng săn bắt, buôn bán, nuôi sinh trưởng, sinh sản trái pháp luật, nên chúng phải được bảo vệ theo các Công ước quốc tế và Luật pháp của quốc gia. Với sự đóng góp của các chuyên gia trong nước và quốc tế, chúng tôi mong muốn hỗ trợ việc hoàn thiện Kế hoạch quản lý hổ nuôi nhốt tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất".

Hội thảo tham vấn kỹ thuật kéo dài hai ngày đã cung cấp cho các đại biểu thông tin về tình trạng nuôi nhốt hổ ở Việt Nam, cũng như các biện pháp cần thiết để cải thiện công tác quản lý và tuân thủ các quy định của Công ước CITES.

Các ví dụ và thảo luận về hiện trạng cũng như kinh nghiệm thực tế trong việc quản lý hổ nuôi nhốt ở các quốc gia khác cũng được chia sẻ. Tham gia hội thảo, các đại biểu đã tích cực thảo luận và đưa ra các ý kiến chuyên môn nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động nuôi nhốt hổ, giảm thiểu tình trạng buôn lậu, hợp thức hoá nguồn gốc, xuất xứ của hổ tại các cơ sở này.

Một số ý kiến chính được nhiều đại biểu đưa ra bao gồm việc xây dựng hệ thống quản lý hổ quốc gia bằng hồ sơ mã gen và ảnh sọc vằn của từng cá thể, hoàn thiện các quy định pháp luật về nuôi nhốt hổ, kiểm soát hoạt động sinh sản vì mục đích bảo tồn, đảm bảo sức khỏe và phúc lợi cho hổ nuôi nhốt. Sau hội thảo, Khung kế hoạch sẽ được chỉnh sửa và trình Bộ NN-PTNT xem xét.

Bà Michelle Owen, Giám đốc Văn phòng Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp - WWF, phát biểu: "Việc quản lý hổ nuôi nhốt đòi hỏi nỗ lực chung của các cơ quan của Chính phủ, chủ sở hữu cơ sở và đối tác từ các tổ chức quốc tế. Điều này đã được thể hiện rõ qua sự đa dạng của thành phần đại biểu tham dự từ các lĩnh vực khác nhau trong hội thảo này. Chúng tôi hoan nghênh các ý kiến ​​đóng góp của chuyên gia nhằm cải thiện công tác quản lý hổ nuôi nhốt ở Việt Nam".

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất