| Hotline: 0983.970.780

Nắng hạn khốc liệt, cây vừng vẫn thắng lớn

Thứ Năm 20/07/2023 , 14:00 (GMT+7)

NGHỆ AN Vụ hè thu năm nay ở Nghệ An nắng hạn khốc liệt, nhưng nhờ khả năng chịu nắng hạn siêu hạng, cây vừng ở xứ Nghệ vẫn được mùa, vui hơn khi còn trúng giá.

Vừng (cây mè) là cây trồng thuộc nhóm nông sản thực phẩm rất được ưa chuộng, dễ tiêu thụ và là sản phẩm được sử dụng nhiều trong bữa ăn hàng ngày, nó còn là nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp thực phẩm, bánh kẹo.

Ưu thế đặc biệt ở cây vừng là ngắn ngày, dễ trồng, đầu tư ít, chống chịu hạn rất tốt, ít bị sâu bệnh, cho thu nhập lên đến hàng chục triệu đồng/ha.

Được mùa, được giá vụ vừng hè thu

Vụ vừng hè thu năm nay toàn tỉnh Nghệ An gieo gần 4.000ha, tập trung ở các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, thị xã Cửa Lò, Hưng Nguyên… Tại thời điểm này, bà con nông dân ở các địa phương đã và đang ra đồng thu hoạch vừng.

Vụ vừng hè thu năm nay ở Diễn Châu đạt năng suất trung bình từ 800 - 900kg/ha. Ảnh: Xuân Hoàng.

Vụ vừng hè thu năm nay ở Diễn Châu đạt năng suất trung bình từ 800 - 900kg/ha. Ảnh: Xuân Hoàng.

Ông Dương Văn Năm - Giám đốc HTX nông nghiệp Đông Thịnh (huyện Diễn Châu) cho biết, vụ vừng hè thu năm nay, HTX gieo được 120ha với các giống vừng đen, vừng vàng và một số diện tích giống vừng V6 (vừng trắng của Nhật Bản). Cây vừng được bà con gieo ngay sau khi thu hoạch lạc và rau màu vụ xuân, lúc đất còn đủ ẩm.

Từ đầu vụ hè thu đến nay ở Nghệ An hầu như không có mưa, nắng nóng kéo dài, lại có thêm gió Tây Nam thổi mạnh nên cây vừng vốn là cây chống chịu hạn hán và nắng nóng rất tốt song vẫn phần nào bị ảnh hưởng tới sinh trưởng phát triển. Vì vậy năng suất vụ vừng hè thu năm nay chỉ đạt bình quân 43 - 45 kg/sào (8,6 - 9 tạ/ha). Nhưng đổi lại, giá vừng bán tại nhà vụ này lại tăng cao, lên đến 45.000 - 50.000 đồng/kg, cao hơn các vụ vừng trước đây từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.

Tính ra, bình quân 1ha vừng hè thu cho thu nhập trên dưới 45 triệu đồng trong thời gian khoảng 60 ngày kể từ khi gieo đến thu hoạch. Đây là mức thu nhập quá tốt, ít cây gì hơn cây vừng, nhất là trong mùa nắng nóng và hạn hán gay gắt như vụ hè thu năm nay.

Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Diễn Châu cho biết, vụ hè thu năm nay toàn huyện gieo được gần 2.000ha vừng, tập trung nhiều ở các xã Diễn Trung (350ha), Diễn Thịnh (300ha), Diễn Hùng (200ha), Diễn Thành (120ha)… Năng suất vừng đạt bình quân từ 40 - 45kg/sào (8 - 9 tạ/ha).

Vừng là cây trồng chống chịu hạn và nắng nóng rất tốt. Vụ hè thu năm nay nắng nóng và hạn hán xảy ra nghiêm trọng nên ngay từ đầu vụ, UBND huyện đã chủ trương khuyến cáo nông dân phát triển mạnh cây vừng trên các vùng đất cao cưỡng, vùng đất cát pha, thịt nhẹ ven biển (gọi là vùng đất bãi ngang).

Bà con nông dân thu hoạch và chuyển vừng về nhà phơi khô lấy hạt trong niềm vui được mùa, trúng giá. Ảnh: Xuân Hoàng.

Bà con nông dân thu hoạch và chuyển vừng về nhà phơi khô lấy hạt trong niềm vui được mùa, trúng giá. Ảnh: Xuân Hoàng.

So với mọi năm, năng suất vụ vừng hè thu năm nay ở Diễn Châu không cao hơn do nắng nóng và hạn hán quá nghiêm trọng, kéo dài nhưng bù lại giá vừng vụ hè thu năm nay cao. Hiện giá vừng thương lái đang thu mua từ 45.000 - 50.000 đồng/kg đối với vừng đen và 55.000 đồng/kg đối với vừng vàng, vừng V6.

Đầu tư cho cây vừng rất thấp, chỉ cần khoảng 10kg vừng giống hết 450.000 đồng, 60kg phân hỗn hợp NPK loại 15-5-20 hết 540.000 đồng..., trừ chi phí, dù là năm thời tiết khắc nghiệt song bà con vẫn có lãi ít nhất 45 triệu đồng/ha. Đúng là cây “làm chơi, ăn thật” như bà con nông dân ở xã Diễn Trung thường nói với nhau.

Tại vùng đất bãi ven sông Lam ở huyện Hưng Nguyên, bà Bá Thị Dung phụ trách Phòng NN-PTNT huyện cho biết, thường các năm trước, trên đất bãi ven sông Lam sau khi thu hoạch xong cây trồng vụ xuân, bà con ở đây tiếp tục gieo trồng chủ yếu cây ngô hoặc cây đậu xanh. Nhưng trước vụ hè thu năm nay, do được dự báo là năm nắng nóng nhiều và hạn hán nghiêm trọng nên UBND huyện đã chủ trương khuyến cáo bà con mở rộng diện tích trồng vừng, bởi vừng vừa là cây có khả năng chống chịu hạn tốt, vừa ngắn ngày để cho thu hoạch sớm, phòng mưa to cuối vụ làm mất mùa.

Vừng là mặt hàng nông sản có thị trường tiêu thụ rất lớn, vừa là cây trồng rất có lợi cho đất. Ảnh: Xuân Hoàng.

Vừng là mặt hàng nông sản có thị trường tiêu thụ rất lớn, vừa là cây trồng rất có lợi cho đất. Ảnh: Xuân Hoàng.

Vụ vừng hè thu năm nay toàn huyện Hưng Nguyên gieo được gần 400ha vừng ở các xã vùng ven sông Lam. Trong đó tập trung nhiều ở xã Châu Nhân 80ha, xã Long Lĩnh 30ha và rải rác ở một số xã khác. Tuy gặp phải nắng nóng gay gắt và hạn hán kéo dài từ khi trồng đến thu hoạch, nhưng vừng ở đây vẫn được mùa, đạt năng suất bình quân từ 9 - 10 tạ/ha.

Từ kết quả này, UBND huyện Hưng Nguyên cho biết vụ hè thu năm sau, sẽ chỉ đạo các HTX mở rộng diện tích vừng.

Sự lựa chọn tối ưu cho vùng hạn

Vừng là cây dễ gieo trồng, thời gian sinh trưởng ngắn (trong vụ hè thu 65 - 70 ngày), chi phí đầu tư thấp, chống chịu nắng nóng và hạn hán có thể nói là số một trong các cây trồng nông nghiệp hiện nay. Vừng cũng chính là cây trồng bảo vệ đất, cải tạo đất rất tốt.

Về hiệu quả kinh tế, vừng đem lại nhiều giá trị về dinh dưỡng cho con người và là cây trồng được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước.

Người trồng vừng ở tất cả các vùng miền trong tỉnh Nghệ An, nhất là các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, thị xã Cửa Lò… đều cho biết, thu nhập từ cây vừng trong các vụ hè thu luôn ở mức trên dưới 40 triệu đồng/ha, chỉ trong thời gian 65 - 70 ngày từ khi gieo trồng đến thu hoạch, rất ít có cây trồng nào đem lại hiệu quả cao như vậy.

Bà con nông dân xã Diễn Thịnh (huyện Diễn Châu) thu hoạch vừng hè thu. Ảnh: Xuân Hoàng.

Bà con nông dân xã Diễn Thịnh (huyện Diễn Châu) thu hoạch vừng hè thu. Ảnh: Xuân Hoàng.

Để cây vừng nhanh chóng trở thành cây trồng có diện tích được gieo trồng với quy mô lớn, mang tính hàng hóa, thực sự đem lại hiệu quả lớn thì ngay sau khi thu hoạch xong vụ vừng hè thu năm nay, thiết nghĩ UBND tỉnh Nghệ An, ngành nông nghiệp tỉnh cũng như các địa phương cần tổng kết, rút bài học kinh nghiệm sản xuất từ nhiều vụ vừng hè thu trước đây và nhất là vụ vừng hè thu năm nay để triển khai tổ chức tốt vụ vừng hè thu năm sau.

Về kinh nghiệm sản xuất cây vừng trong vụ hè thu ở Nghệ An nhiều năm qua cho thấy:

Thứ nhất: Vừng là cây trồng chống chịu nắng nóng và hạn hán tốt nhất. Trong suốt cả mùa hè nắng nóng, cây vừng vẫn sinh trưởng tốt, phát triển khoẻ. Bởi thân, lá, quả, hạt cây vừng có chứa nhiều chất dầu và có nhiều lông tơ mọc phía ngoài thân, lá, hoa, quả. Đây là một ưu thế đặc biệt ở cây vừng, nếu gặp giá rét thì chất dầu co đặc lại làm tăng khả năng chống lại giá rét. Ngược lại khi gặp nắng nóng, nhiệt độ cao thì chất dầu loãng ra, làm giảm phát thải nước trong cây ra ngoài không khí.

Thứ hai: Kinh nghiệm của bà con nông dân ở huyện Diễn Châu cho biết, để cây vừng sau khi gieo hạt xong có thể mọc mầm nhanh và sau đó tiếp tục sinh trưởng, phát triển tốt thì ngay từ đầu vụ gieo trồng, người trồng vừng cần phải thực hiện tốt các biện pháp như: Trước khi đi ra đồng thu hoạch cây trồng vụ xuân (lạc, ngô, rau màu), cần chuẩn bị sẵn cho mỗi sào (500 m2) từ 4 - 5 lạng hạt vừng giống để gieo.

Không chỉ ở Nghệ An, vừng là sự lựa chọn rất tốt cho các địa phương khó khăn về nước tưới. 

Không chỉ ở Nghệ An, vừng là sự lựa chọn rất tốt cho các địa phương khó khăn về nước tưới. 

Toàn bộ các cây trồng vụ xuân thu hoạch xong có thể tạm để ngay trên bờ ruộng. Sau đó lấy hạt giống vừng trộn với đất bột hoặc cát vãi đều lên trên mặt luống vừa thu hoạch xong cây trồng vụ xuân. Tiếp theo dùng bừa, bừa đi, bừa lại dọc luống 2 - 3 lần để vùi lấp hạt vừng vào đất.

Làm được như vậy, vừa đảm bảo thời vụ gieo trồng càng sớm càng tốt, vừa làm ngay sau khi đất còn đủ ẩm để hạt giống dễ mọc mầm. Nếu gieo trồng chậm, gieo khi đất không còn đủ độ ẩm thì hạt giống vừng phải chờ khi nào có mưa xuống, đất có đủ độ ẩm mới mọc mầm được.

Thứ ba: Thu hoạch vừng vụ hè thu tốt nhất khi có 80 - 85% số quả trên cây chín. Thu hoạch bằng cách cắt cả cây từ dưới gốc lên đem về nhà ủ chín sinh lý tiếp 2 - 3 ngày, sau đó đem phơi, đập nhẹ để tách hạt ra. Nếu để vừng chín quá mới thu hoạch thì quả vừng sẽ nứt nẻ, làm hạt rơi xuống đất, năng suất vừng giảm nghiêm trọng.

Thứ tư: Để chủ động mở rộng diện tích gieo trồng cây vừng, vụ hè thu hay vụ xuân trong những năm tới, các địa phương có kế hoạch sản xuất cần tiến hành xác định rõ vùng đất cần được chuyển đổi sang gieo trồng cây vừng là những vùng đất cao cưỡng, vùng đất khó khăn về nguồn nước tưới như các vùng đất cát pha ven biển, ven sông; vùng đất dưới chân núi, đồi vệ…

Xu thế thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên khả năng nắng nóng và hạn hán ngày càng gia tăng. Vì vậy, việc chuyển đổi cây trồng ở vùng đất khô hạn sang các cây trồng chịu hạn, trong đó có cây vừng là hướng đi hợp lý nhất, hiệu quả nhất.

Những năm qua, một số giống vừng mới cho năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt đã được đưa ra sản xuất.

Những năm qua, một số giống vừng mới cho năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt đã được đưa ra sản xuất.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp hiện nay theo hướng sản xuất hàng hóa, sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với biến đổi khí hậu… đang là cuộc cách mạng nhằm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp để đem lại hiệu quả kinh tế lớn hơn, bền vững hơn, việc làm này không hề giản đơn.

Vì vậy, để năm sau cây vừng có thể trở thành cây trồng có quy mô diện tích lớn, sản lượng lớn, hiệu quả lớn, cần phải có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành nông nghiệp và hội nông dân đóng vai trò chủ yếu để vừa tổ chức chỉ đạo thực hiện, vừa vận động bà con nông dân hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả cao nhất.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.