Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết vụ xuân hè, hè thu và vụ mùa năm 2023 ở khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên có nhiệt độ phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 0,5 - 1 độ C. Nắng nóng xuất hiện sớm, cường độ gay gắt và kéo dài ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ. Tình hình khô hạn và thiếu nước khả năng sẽ xảy ra cục bộ ở những vùng không chủ động nguồn nước tưới.
Để chủ động phòng chống các đối tượng sinh vật gây hại cây trồng trong điều kiện biến đổi khí hậu và thời tiết bất thường, Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung (Cục Bảo vệ thực vật) đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh, Chi cục Nông nghiệp TP Đà Nẵng, Chi cục Phát triển nông nghiệp Đắk Nông phân công các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật phối hợp với các trung tâm nông nghiệp, trung tâm kỹ thuật nông nghiệp, trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện bố trí cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn, điều tra phát hiện và dự tính, dự báo các đối tượng sinh vật gây hại trên các loại cây trồng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Những vùng an toàn nguồn nước cho sản xuất tập trung canh tác đúng lịch thời vụ, tăng cường thâm canh. Vùng có nguy cơ hạn hán, không đủ lượng nước cho sản xuất cần tập trung bố trí chuyển từ cơ cấu sản xuất 3 vụ sang 2 vụ, hoặc bố trí lại thời vụ sản xuất phù hợp để né tránh hạn, mặn và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác để hạn chế tác động của hạn, mặn đến sản xuất. Đẩy mạnh chuyển đổi những vùng thiếu nước tưới sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng hiệu quả sản xuất và tiết kiệm nước tưới.
Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật các địa phương căn cứ vào kế hoạch sản xuất, tình hình sinh vật gây hại và cây trồng của từng địa phương, cần chú ý:
Trên cây lúa: Đầu vụ cần chú ý chuột hại giống gieo lúa hè thu chính vụ và lúa giai đoạn làm đòng vụ xuân hè, hè thu sớm vào nửa cuối tháng 5 đến đầu tháng 6. Ốc bươu vàng lây lan gây hại mạnh theo nguồn nước gây thiệt hại nặng khi xuống giống (chủ yếu khu vực đồng bằng).
Giữa vụ, rầy nâu và rầy lưng trắng phát sinh từ giữa vụ, tăng dần về mật độ, diện tích nhiễm và đạt đỉnh cao vào giai đoạn lúa đòng - trổ - chắc xanh. Tùy theo trà lúa, cần chú ý 2 đợt cao điểm là nửa đầu tháng 6 trên lúa xuân hè, hè thu sớm và nửa cuối tháng 7 đến giữa tháng 8 trên lúa hè thu chính vụ. Các tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông và Lâm Đồng chú ý theo dõi rầy di trú từ phía Nam vào cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 khi các tỉnh ĐBSCL thu hoạch lúa xuân hè.
Ngoài ra, bệnh đạo ôn gây hại ở Tây Nguyên, Ninh Thuận, Bình Thuận và các huyện miền núi vùng Duyên hải Nam Trung bộ trong điều kiện nắng mưa xen kẽ, độ ẩm không khí cao. Trong đó, đạo ôn lá gây hại trên lúa ở giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái vào cuối tháng 6 đầu tháng 7. Đạo ôn cổ lá, cổ bông gây hại vào cuối tháng 8 đến giữa tháng 9 ở giai đoạn trổ - ngậm sữa.
Cuối vụ, bệnh khô vằn gây hại nhẹ ở giai đoạn lúa đòng - chắc xanh và bệnh lem lép thối hạt hại nặng trên giống nhiễm ở giai đoạn lúa trổ - ngậm sữa trong điều kiện nắng nóng xen kẽ mưa dông
Trên cây sắn: Bệnh khảm lá virus gia tăng, lây lan mạnh vào các tháng 6 đến tháng 8 khi vào thời điểm trồng mới ở các tỉnh Tây Nguyên. Biểu hiện triệu chứng hại nặng ở các tỉnh đồng bằng trong điều kiện nắng nóng và khô hạn. Ngoài ra, chú ý bọ phấn, rệp sáp bột hồng, rệp sáp, nhện đỏ… gia tăng gây hại trong điều kiện nắng nóng, khô hạn.
Trên cây ngô: Sâu keo mùa thu gây hại chủ yếu trên cây ngô vụ hè thu, vụ mùa ở khu vực Tây Nguyên thời kỳ cây con - phát triển thân lá.
Trên cây tiêu: Trong điều kiện mưa nhiều, cần chú ý theo dõi bệnh chết nhanh, bệnh chết chậm hại hồ tiêu. Ngoài ra, rệp sáp gốc và cành gây hại từ tháng 5 đến tháng 6 (có nắng nóng và mưa xen kẽ).
Trên cây cà phê: Bọ xít muỗi gây hại trên cà phê chè giai đoạn ra lộc non - ra hoa ở Lâm Đồng vào cuối tháng 5 đến tháng 7.
Ngoài ra, các tỉnh cần chú ý bệnh chết héo cây keo lai; bệnh chết rạp cây con sâm Ngọc Linh khi điều kiện khí hậu bất thuận gây mưa lớn kéo dài.
Đề nghị chi cục các tỉnh phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung để chỉ đạo, bảo vệ tốt sản xuất vụ hè thu, vụ mùa 2023.