| Hotline: 0983.970.780

Nâng thương hiệu Khuyến nông Việt Nam lên tầm hội nhập

Thứ Tư 25/10/2023 , 06:30 (GMT+7)

TS Lê Hưng Quốc: Khuyến nông Việt Nam cần xác định đổi mới mình bằng công nghệ, định vị lại thế trận, tạo dấu ấn mới, góp phần đưa nông nghiệp lên đỉnh cao bằng phương thức mới.

Thương hiệu Khuyến nông Việt Nam cần ngang mức khu vực

Năm 1988, do yêu cầu phải đổi mới sản xuất, tỉnh An Giang tiên phong thành lập trung tâm khuyến nông, trở thành bậc “tiên chỉ” của hệ thống khuyến nông cả nước sau khi có Nghị quyết Đổi mới cơ chế sản xuất nông nghiệp năm 1986. Theo đó, một số tỉnh đã tổ chức thành lập tổ chức khuyến nông địa phương. Năm 1993, Bộ NN-PTNT trình Chính phủ ký Nghị định 13 ra đời hệ thống Khuyến nông Việt Nam.

Sản xuất vụ đông ở phía Bắc là một trong những phong trào có dấu ấn lớn của khuyến nông. Ảnh: Lê Bền.

Sản xuất vụ đông ở phía Bắc là một trong những phong trào có dấu ấn lớn của khuyến nông. Ảnh: Lê Bền.

Sứ mệnh trong “thời đạn bom” (Nhớ về Hà Nội - Hoàng Hiệp) thuộc về HTX nông nghiệp (cũ), có sự đóng góp lịch sử vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (1945 - 1975).

Sứ mệnh trong “thời hòa bình” có sự đóng góp đúng lúc của khuyến nông khi HTX nông nghiệp (cũ) chuyển đổi. Đó là sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, thoát nợ, thoát khủng hoảng, xuất khẩu và xây dựng nông thôn mới (1993 - 2023).

Hệ thống khuyến nông bao gồm “ngũ giác” sĩ, nông, công, thương, dịch vụ, có sứ mệnh cốt lõi là chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, có cách tiếp cận từ “cầm tay chỉ việc” đến chương trình, dự án mục tiêu cho nông dân, bao gồm các thế hệ 4X, 5X, 6X, hàng chục vạn người đã để lại những dấu ấn, di sản, góp phần thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới…

Hệ thống khoa học khuyến nông đã xây dựng được thương hiệu, có vị thế trong thành tựu phát triển nông nghiệp 30 năm nhờ trước hết là có cơ chế chính sách thị trường; sau đó là thủy lợi, thủy nông; ba là chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, góp phần đưa nông nghiệp nước ta lên bậc trung bình, xuất khẩu nông sản xếp vào tốp đầu 20 của thế giới…

Nghị quyết 19 (năm 2022) của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII từ coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu sang vị thế là lợi thế quốc gia. Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng xác định thời đại phát triển của chúng ta là cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, chúng ta đã có hơn 10 đối tác chiến lược và toàn diện, có 16 hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) và nước ta đang ở trong thời kỳ "dân số vàng". Như vậy, cả "văn trị" và "võ công", cả "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" đều thuận lợi cho việc nâng tầm thương hiệu Khuyến nông Việt Nam lên tầm hội nhập.

Khuyến nông Việt Nam đã làm tròn sứ mệnh xóa đói, giảm nghèo. Ảnh: TL.

Khuyến nông Việt Nam đã làm tròn sứ mệnh xóa đói, giảm nghèo. Ảnh: TL.

Đổi mới quản trị hệ thống khuyến nông để tạo những giá trị thời đại mới

1. Giá trị nổi bật của thời đại là chuyển đổi số và xanh

Chuyển sang thời công nghệ, chúng ta nên cấu trúc lại các nhiệm vụ khoa học công nghệ, các chương trình, dự án khuyến nông quốc gia, địa phương và sử dụng nhiều hơn nguồn lực xã hội (thay vì chủ yếu là hỗ trợ vốn ngân sách) để nâng tầm trước hết là giá trị mô hình sản xuất - thương mại và mô hình đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế; nâng cao giá trị thu nhập cho khuyến nông viên và nông dân, nâng cao giá trị gia tăng môi trường, văn hóa, xã hội; đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ sang hướng sạch, số hóa, xanh, dịch vụ… để vươn lên tầm vùng, quốc gia, khu vực Đông Bắc Á, ASEAN.

2. Xây dựng cơ chế chính sách Khuyến nông Việt Nam đặc sắc, tạo động lực mới

Chúng ta cần xây dựng tài sản tinh thần của khuyến nông, đó là cơ sở lí luận và thực tiễn thực hiện chiến lược nông nghiệp cho hai mục tiêu 100 năm, đưa nhân tố khoa học công nghệ đóng góp vào hơn 50% vào tăng trưởng bền vững nông nghiệp. Từ đó có giải pháp, cơ chế chính sách đột phá, cả giải pháp “cứng” và “mềm” để đi cùng, đi nhanh, đi xa với thời đại.

Trước hết là khắc phục động lực khuyến nông suy giảm (lương khuyến nông viên và nông dân trung bình chỉ có 4 - 5 triệu đồng/tháng); thị phần khuyến nông tư nhân và vốn xã hội với cấu trúc chưa hợp lý; cơ chế ba loại dịch vụ, nhiều loại tư vấn, quản trị khuyến nông đang xuất hiện nhiều bất cập mới (do đô thị hóa, quản lí vùng, phát triển nông trại lớn, đầu tư nông nghiệp ra nước ngoài, liên minh đào tạo thế hệ nông dân mới và khuyến nông 7X, 8X, 9X…).

Ở trong nước, cần kích hoạt nguồn lực FDI và doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp khoa học công nghệ nông nghiệp, trung tâm R&D, trung tâm dịch vụ nông nghiệp; có cơ chế luân chuyển cán bộ khuyến để sát thực tiễn... Hiện nay, chúng ta chưa có nhiều mô hình hiệu quả về liên kết sản xuất, nội hàm khoa học công nghệ về phát triển nông thôn, làng nghề, dịch vụ, du lịch, kinh tế biển, rừng, đổi mới sáng tạo… còn ở quy mô và hiệu quả thuyết phục chưa nhiều.

Khuyến nông Việt Nam đã và đang từng bước hòa cùng dòng chảy của nền nông nghiệp hiện đại. Ảnh: Trung Quân.

Khuyến nông Việt Nam đã và đang từng bước hòa cùng dòng chảy của nền nông nghiệp hiện đại. Ảnh: Trung Quân.

3. Vận hành hệ thống khuyến nông thông minh, tạo điểm nhấn di sản

Bộ NN-PTNT có thể đề xuất nội dung thi đua chuyên ngành về khuyến nông số (tiếp cận mạng), khuyến nông xanh (thương mại tín chỉ carbon)… như cách xếp hạng CPI (đánh giá năng lực cạnh tranh hàng năm) giữa các tổ chức khuyến nông địa phương, quốc gia hiện nay.

Đề nghị đổi tên Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp thành Khuyến nông Việt Nam @ Kinh tế nông nghiệp; đề xuất thành lập Liên minh Khuyến nông ASEAN, Đông Bắc Á; dựng bia di sản Trung tâm Khuyến nông đầu tiên tại An Giang…

Có thể đề nghị có ngày truyền thống Khuyến nông Việt Nam, vinh danh khuyến nông giỏi các cấp (bao gồm khuyến nông, khuyến công, khuyến thương, khuyến tín (tín dụng)… chứ không chỉ có khuyến nông nông nghiệp).

Hệ thống khuyến nông cần xác định đổi mới mình bằng công nghệ, định vị lại thế trận, tạo dấu ấn mới, góp phần đưa nông nghiệp phát triển lên đỉnh cao bằng phương thức phát triển mới, cách tiếp cận mới, không gian mới.

(Nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông Khuyến lâm, Bộ NN-PTNT)

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.