| Hotline: 0983.970.780

Nêu thẳng thực trạng nền kinh tế

Thứ Sáu 01/11/2013 , 10:43 (GMT+7)

Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế xã hội tại Hội trường. Nhiều đại biểu QH ghi nhận những thành tựu của Chính phủ trong kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

+ Lo lắng số liệu ảo, tô hồng

+ Cán bộ xa dân!

+ SXNN khó khăn, thiên tai liên tiếp

Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế xã hội tại Hội trường. Nhiều đại biểu QH ghi nhận những thành tựu của Chính phủ trong kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng phía sau bức tranh kinh tế hiện tại không phải màu hồng mà là khoảng xám, thậm chí còn có thể tối hơn…

Kinh tế “ốm” và “ảo”?

Đánh giá về thực trạng của nền kinh tế, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế với cách làm hiện nay sẽ không đạt kết quả kỳ vọng, vẫn còn tái diễn cảnh bàn giải pháp mà không thấy thực trạng, quyết chi tiền thật dựa trên những con số có thể ảo.

Băn khoăn với báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chỉ ra nhóm 9 ngân hàng cổ phần yếu kém, "tội đồ" chính gây bất ổn hệ thống đang được tái cơ cấu, ông Đồng đề nghị phải có đợt kiểm tra, đánh giá lại chất lượng tài sản ngân hàng bao gồm nợ tín dụng một cách thực chất để tính toán lượng vốn tự có cần thiết, số vốn thiếu hụt phải bổ sung nếu ngân hàng đó muốn giữ quy mô hoạt động hiện hành.


Sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ngành thủy sản đang gặp khó khăn

“Chủ sở hữu hay các cổ đông hiện hữu không có phải gọi thêm vốn từ các nhà đầu tư mới, vốn trong nước không đủ phải gọi vốn nước ngoài, nếu không được phải cắt bỏ, thu hẹp quy mô hoạt động, đóng cửa ngân hàng”, ông đưa quan điểm. Cũng theo ông Đồng thì Chính phủ không nên tiếp tục kiểu cơ cấu lại nợ xấu, xử lý nợ xấu qua VAMC một cách tình thế như hiện nay. Bởi cách làm này dễ tạo ra số nợ ảo, thực trạng ảo.

Vẫn còn khoảng tối

Phát biểu tại Hội trường, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) tỏ ý nghi ngại với những số liệu được nêu trong Báo cáo Chính phủ. Theo ông cần phải đánh giá một cách khách quan, toàn diện hơn tình hình KT-XH. Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm chỉ đạt 6,8%. Thu ngân sách dự kiến cả năm cũng hụt đến trên 60.000 tỷ. 9 tháng đầu năm có tới 42.000 doanh nghiệp ra đi mà doanh nghiệp trụ được đến 3 năm trong khủng hoảng đều là doanh nghiệp mạnh và lớn. Số doanh nghiệp mới thành lập còn rất yếu và chủ yếu là tránh nợ vay mới.


Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền

“Cho nên nghe Báo cáo của Chính phủ chúng ta thấy mầu hồng nhưng nghe Báo cáo của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội lại thấy mầu xám còn nhân dân thì nói là mầu tối”, ông Thuyền nói.

Dẫn giải việc vì sao nhân dân thấy “màu tối”, ĐB Thuyền cho rằng cán bộ ngày nay xa dân và ít nghe ý kiến của người dân. Người dân đóng thuế nuôi cán bộ, mua điện thoại cho cán bộ, trả tiền điện thoại cho cán bộ… nhưng muốn tiếp cận cán bộ lãnh đạo không được, điện thoại thì lãnh đạo không nghe. Nhiều vấn đề nhân dân kêu hàng chục năm không ai đứng ra giải quyết.

Lấy ví dụ một việc đơn giản là hoạt động tàu hút cát chạy rầm rầm suốt ngày đêm, nhân dân phản ánh nhưng cả bộ máy chính quyền đầy đủ từ trên xuống vẫn bảo tôi đi giám sát không thấy. Ngày xưa chúng ta dựa dân đánh giặc bây giờ giặc cũng dựa dân đánh ta. Ai nắm được dân sẽ là người thắng cho nên vấn đề chính quyền của dân, do dân và vì dân phải đặt lợi ích của dân lên trên hết. Nếu lợi ích nhóm thì nhân dân bức xúc.

“Bộ máy của chúng ta quan liêu, tham nhũng cho nên dân không ủng hộ mình”. Ông Thuyền phân tích. Cho rằng nhân dân tự đứng dậy là sai cần phải phê phán nhưng ĐB Thuyền cũng đề nghị chính quyền phải kiểm tra, chỉ đạo quyết liệt hơn để làm sao chống được quan liêu, tham nhũng, chống được cái xa dân thì chúng ta mới giải quyết được vấn đề. Nếu chính quyền của chúng ta xuất phát từ dân, vì lợi ích của nhân dân chắc nhân dân không ai chống lại mình.

Lấy nông dân làm chủ thể

Trên cơ sở lấy lợi ích của nhân dân lên hàng đầu, ĐB Thuyền kiến nghị Chính phủ nên quan tâm đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường đầu tư vào nông dân, nông thôn.

Ông chỉ ra một bất cập trong chính sách của Chính phủ khiến các doanh nghiệp gặp trở ngại đó là việc tăng giá thuê đất lên 10 lần trong thời điểm không thích hợp. Chính phủ đã có chính sách giãn thuế, giảm thuế, hoãn thuế cho doanh nghiệp nhưng lại tăng giá thuê đất lên gấp 10 lần. Tức là mở đầu này lại bóp đầu kia. Đề nghị Chính phủ phải giảm giá thuê đất xuống, còn cao như thế chúng ta bóp chết doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay...

“Vấn đề đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, cũng cần quan tâm đặc biệt, về lâu dài đề nghị Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và tái canh cây chè, cây cà phê”. Ông Thuyền đề xuất.

Cùng quan điểm phải tăng cường đầu tư nông nghiệp, ĐB Quốc Cường (Bắc Giang) cho rằng nông nghiệp luôn là bệ đỡ của nền kinh tế nhưng trong những năm qua đầu tư nông nghiệp còn thấp. Tăng trưởng nông nghiệp chỉ đạt 2,8% năm 2013, đời sống người nông dân ngày một thấp đi. Vì vậy, cần phải tập trung đầu tư cho nông nghiệp.

Còn theo ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) thì Chính phủ cần đánh giá tác động của các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho nông nghiệp, nông dân từ nguồn khuyến nông, khuyến ngư, phát triển sản xuất như cung cấp con giống, cây trồng, vật nuôi từ nguồn hỗ trợ tiền vốn, bảo hiểm nông nghiệp.

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Nông nghiệp nông thôn còn nhiều khó khăn

Vấn đề lớn là tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong những năm gần đây chậm lại, ảnh hưởng đến thu nhập của bà con nông dân. Nguyên nhân chính là do nguồn lực quan trọng của nông nghiệp thời gian gần đây có xu hướng giảm.

Diện tích đất lúa, đất nông nghiệp giảm, số lượng lao động trong nông nghiệp giảm, tăng trưởng NN chủ yếu là tăng năng suất nhưng lại bị mất đi vì thiên tai.

Theo con số thống kê thiệt hại thì trong 3 năm qua ngành nông nghiệp bị thiệt hại vì thiên tai đến 21.900 tỉ đồng. Năm 2013, chúng ta phải đối diện với nhu cầu sử dụng nông thủy sản trong nước và ngoài nước giảm dẫn tới giảm giá, giảm thu nhập.

Để khắc phục, Bộ NN-PTNT đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tập trung đầu tư khoa học công nghệ chế biến, nghiên cứu lĩnh vực cây, con giống có khả năng gia tăng giá trị; điều chỉnh cơ cấu đầu tư, điều chỉnh chính sách, mô hình sản xuất liên kết…

Hiện các tổng cục, các cục và địa phương đang xây dựng đề án cụ thể lựa chọn các huyện trọng tâm và đang triển khai. 

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa hiệu quả

Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng chưa thực sự hiệu quả. Việc giãn, hoãn, khoanh nợ thuế chỉ có tác dụng đối với doanh nghiệp đang làm ăn có lãi, còn các doanh nghiệp thua lỗ thì không có tác dụng mấy.

Chính phủ cần đánh giá chính xác về tình hình phá sản, giải thể, dừng hoạt động của doanh nghiệp, việc tiếp cận vốn khó khăn của doanh nghiệp, các biện pháp tháo gỡ khó khăn như điều chỉnh lãi suất, xử lý nợ xấu, hàng tồn kho, cung cấp thông tin, điều kiện tiếp cận thị trường, miễn, giảm, hoãn, khoanh nợ thuế và quản lý nhà nước và một số vấn đề khác.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mưu sinh lúc mưa dông, một ngư dân bị sét đánh tử vong

QUẢNG NINH Hoàn cảnh gia đình nạn nhân khá khó khăn, đang nuôi 4 con nhỏ ăn học. Nguồn thu chủ yếu của hai vợ chồng từ nghề đánh lồng.