Vùng đất màu mỡ ven sông Trà Khúc thuộc thôn Thanh Khiết (xã Nghĩa Hà, thành phố Quảng Ngãi) rất thuận lợi cho canh tác nông nghiệp. Ngoài các loại rau ăn lá, tại khu vực này, nông dân còn trồng khá nhiều ớt.
Những ngày qua, vợ chồng ông Nguyễn Phùng ở thôn Thanh Khiết ra đồng từ sáng sớm để thu hoạch lứa ớt vụ đông xuân 2024 - 2025 chín sớm bán cho thương lái.

Cơ sở thu mua ớt tươi sơ chế, đóng gói ớt. Ảnh: Văn Hà.
“Năm nay thời tiết xấu, mưa lạnh kéo dài nên ớt chậm lớn, kém phát triển. Giá đầu vụ khá cao nhưng rớt cũng nhanh, tôi bán 2 đợt, đợt đầu được 60.000 đồng/kg, đợt sau chỉ còn 35.000 đồng/kg. Một số nông dân trong xã bán được ớt vào khoảng đầu tháng 3/2025 với giá lên đến trên 70.000 đồng/kg”, ông Phùng chia sẻ.
Hiện ớt vẫn chưa vào thu hoạch rộ, trong khi đó thị trường lên xuống thất thường, giá cả biến động hàng ngày khiến nông dân hồi hộp dõi.
Đáng nói, sau đợt xuống một nửa giá vào đầu tháng 4/2025, liền sau đó, giá ớt lại bất ngờ tăng lên mức 70.000 đồng/kg. Nhiều người nhận định, giá ớt có khả năng tiếp tục tăng bởi diện tích và năng suất ớt năm nay đều giảm so với năm trước.

Giá ớt đang tăng cao nhưng người dân vẫn lo lắng. Ảnh: Văn Hà.
“Liên tiếp 5 - 6 năm liền ớt rớt giá, không có lời nên năm nay tôi chỉ trồng gần 2 sào. Năm ngoái trồng 4 sào nhưng lúc thu hoạch rộ còn có 4.000- 5.000 đồng/kg, công hái thì cao nên tôi bỏ không thu hoạch, ai muốn hái thì hái. Năm nay nhiều người cũng giảm diện tích vì sợ thua lỗ. Cũng có thể vì lý do này mà giá ớt sẽ khả quan hơn”, ông Nguyễn Hữu Quân, một hộ trồng ớt ở thôn Thanh Khiết chia sẻ.
Theo tính toán, chi phí trồng một sào ớt (500m2) tính cả công chăm sóc và phân bón khoảng 5 triệu đồng, riêng thuê nhân công thu hái mỗi ngày 200 - 250.000 đồng/người. Mỗi lao động cao nhất mỗi ngày cũng chỉ hái được tầm 30kg.
Trung bình mỗi sào cho sản lượng từ khoảng 9 tạ đến 1 tấn ớt. Giá ớt phải ở mức 15.000 đồng/kg thì nông dân mới trang trải đủ các chi phí và trả công người hái, còn muốn có lời thì giá ớt phải dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Ớt sau khi thu hoạch được các vựa thu mua để sơ chế, phân loại, đóng thành kiện mang đi tiêu thụ. Theo một số cơ sở thu mua ớt ở xã Nghĩa Hà, lâu nay, thị trường tiêu thụ ớt chủ yếu vẫn là xuất sang Trung Quốc và gần như lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường này.
Năm nào thị trường Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ mạnh thì giá ớt tăng đột biến. Ngược lại, Trung Quốc “quay lưng” thì nông dân trồng ớt ở Quảng Ngãi lại bị thua lỗ nặng.

Người dân xã Nghĩa Hà, thành phố Quảng Ngãi thu hoạch ớt. Ảnh: Văn Hà.
Gần nhất như năm ngoái, toàn tỉnh Quảng Ngãi trồng hơn 1.400ha ớt, tập trung ở các địa phương như các xã Bình Dương, Bình Minh (huyện Bình Sơn); Nghĩa Dũng, Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi)… Tuy nhiên, giá ớt đầu vụ lại rớt thê thảm, chỉ còn 9.000 - 10.000 đồng/kg, thậm chí neo dưới 5.000 đồng một thời gian dài khiến nhiều người lỗ nặng.
Để tiêu thụ ớt cho nông dân, một số tư thương thu mua ớt tươi về cấp đông chờ thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh trở lại và tìm kiếm thị trường mới như Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, các thị trường mới yêu cầu chất lượng sản phẩm cao, quy trình kiểm định nghiêm ngặt và lượng tiêu thụ ít hơn nhiều so với thị trường Trung Quốc.
Để tránh tình trạng “được mùa, mất giá; được giá, mất mùa”, cung vượt cầu, nhiều năm qua, chính quyền các địa phương và ngành chức năng Quảng Ngãi khuyến cáo bà con không tăng diện tích, ồ ạt trồng ớt chạy theo thời giá.