| Hotline: 0983.970.780

Ngành nông nghiệp Ninh Thuận là trụ đỡ cho nền kinh tế của tỉnh

Thứ Bảy 22/01/2022 , 11:21 (GMT+7)

Mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức hội tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, tham dự có lãnh đạo UBND tỉnh cùng các Sở, ban ngành.

Báo cáo tại hội nghị, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong năm 2021 tình hình thời tiết khá thuận lợi để địa phương phát triển các ngành nghề lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, dù dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp nhưng Sở và các cơ quan, ban, ngành đã chỉ đạo điều hành ngay từ đầu năm, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể với kịch bản phát triển sản xuất gắn phòng chống dịch Covid-19 sát với tình hình thực tế; phối hợp kịp thời, hiệu quả với các địa phương để chỉ đạo tổ chức sản xuất linh hoạt theo diễn biến thực tế nên các lĩnh vực sản xuất nông lâm thủy sản đều tăng so với cùng kỳ.

Năm 2021, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Minh Hậu.

Năm 2021, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Minh Hậu.

Cụ thể, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 12.363 tỷ đồng, tăng 6% so năm 2020, đây là mức tăng trưởng cao nhất của ngành nông nghiệp Ninh Thuận trong nhiều năm qua, Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp đạt 5.242,5 tỷ đồng, tăng 11% so năm 2020; lĩnh vực lâm nghiệp đạt 84,7 tỷ đồng; thủy sản nhất là sản xuất tôm giống ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn đạt 7.035,6 tỷ đồng, tăng 2,4% so năm 2020.

Giá trị sản xuất trên một ha đất chủ động nước ước đạt 132 triệu đồng; Tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 46,85%; Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 96%, có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nâng cao; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững được 1.518 ha/1.500...

Đặc biệt, thông qua kết nối cung cầu đã phát huy hiệu quả tích cực, các sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh đều được tiêu thụ không bị đứt gãy chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch Covid-19.

Năm 2021, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp Ninh Thuận ước đạt 12.363 tỷ đồng, tăng 6% so năm 2020. Ảnh: Minh Hậu.

Năm 2021, tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp Ninh Thuận ước đạt 12.363 tỷ đồng, tăng 6% so năm 2020. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết: "Trong trồng trọt, ngành nông nghiệp chúng tôi đã xây dựng kế hoạch sản xuất mùa vụ cụ thể, chi tiết từng phương án theo nguồn nước. Tổ chức xuống vụ đồng loạt thông qua việc phát huy vai trò của 31 cánh đồng mẫu lớn với 4.014ha, lựa chọn loại giống mới thích hợp. Tăng tỷ lệ cơ giới hóa, chuyển đổi cây trồng, tăng diện tích áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến và phòng chống hiệu quả dịch bệnh trên cây trồng nên lĩnh vực trồng trọt tăng mạnh so năm 2020 cả về năng suất và sản lượng”.

Đối với chăn nuôi, tỉnh phát huy hiệu quả công tác lai tạo giống, cải tạo đàn vật nuôi năm 2020 làm tăng trọng lượng xuất chuồng. Chủ động được nguồn giống, đẩy mạnh tiêm phòng, đặc biệt mô hình liên kết chăn nuôi heo của các trang trại với CP và CJ phát triển mạnh với 54 trang trại (tăng 15 trang trại so cuối năm 2020). Do vậy, tỉnh tăng đáng kể sản lượng thịt hơi xuất chuồng so với năm 2020.

Ở lĩnh vực khai thác hải sản, 95% tàu cá có hạn ngạch khai thác vùng khơi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, gần 71% tàu có thiết bị dò ngang, rất thuận lợi trong việc chỉ đạo sản xuất, tổ chức sản xuất. Các tổ đoàn kết trên biển có thời gian bám biển dài ngày từ vùng DK1 đến ngư trường các tỉnh phía Nam nên giảm thời gian di chuyển, tăng hiệu quả khai thác.

Cánh đồng măng tây công nghệ cao tại Nha Hố, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận. Ảnh: Minh Hậu.

Cánh đồng măng tây công nghệ cao tại Nha Hố, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận. Ảnh: Minh Hậu.

Với những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp Ninh Thuận đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể trong năm 2022 như sau: Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3-4%, giá trị sản xuất trên một ha đất canh tác chủ động nước tưới đạt 137 triệu đồng/ha; diện tích được chủ tưới trong hệ thống thủy lợi đạt 60,5%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,1%, tỷ lệ dân được sử dụng nước sạch nông thôn đạt 97%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới có thêm 2-3 xã, số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt có thêm 4 -5 xã và có thêm 2-3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Ông Đặng Kim Cương cho biết: Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong năm 2022, ngành nông nghệp tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, thông qua chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và số hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới toàn diện, hiệu quả, bền vững và nâng cao. 

Chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các sản phẩm đặc thù (tôm giống, dê, cừu, nho táo,...) gắn với truy xuất nguồn gốc (cấp mã vùng trồng, vùng nuôi), ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng và giá trị để tiến tới xuất khẩu. Phát triển chăn nuôi tập trung gắn với bảo vệ môi trường theo hướng an toàn, hiệu quả có giá trị kinh tế cao.Phát triển nghề cá có trách nhiệm, khuyến khích đầu tư trang thiết bị hiện đại cho nhóm tàu khai thác vùng khơi và xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước.

Triển khai có hiệu qủa Chương trình bảo vệ và phát triển rừng, gắn với tạo sinh kế, giảm nghèo cho cộng đồng dân cư sống gần rừng và nhân rộng mô hình làm giàu từ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Tiếp tục phát triển các loại hình kinh tế hợp tácliên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, từng bước tập trung ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thủy lợi và tăng cường công tác phòng chống thiên tai.

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Ninh Thuận áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: Minh Hậu.

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Ninh Thuận áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: Minh Hậu.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã biểu dương những kết quả đạt được trong năm 2021 dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Cobid-19. Những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà và thể hiện được vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế.

Theo ông Huyền, năm 2022 thời tiết khá thuận lợi khi cuối năm 2021 có mưa nhiều và các công trình thủy lợi tích đầy nước để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận cần hướng đến xây dựng nguồn vốn để các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân có điều kiện phát triển. "Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 95 hợp tác xã nhưng chỉ có 8 hợp tác xã vay được vốn ngân hàng với tổng số tiền khoảng trên dưới 2,5 tỷ đồng. Số còn lại không vay được sẽ không có vốn để mở rộng sản xuất và hiệu quả sẽ rất thấp", ông Lê Huyền chia sẻ.

Cũng theo ông Huyền, năm 2022 ngành nông nghiệp Ninh Thuận cần tập trung triển khai cụ thể hóa nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND. Đặc biệt là thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Việc sản xuất phải đảm bảo thích ứng tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn trong vấn đề liên kết nên cần tìm giải pháp để tháo gỡ.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...