| Hotline: 0983.970.780

Ngày xuân nói chuyện làm giàu: Vua giống Tiền Giang

Thứ Bảy 13/02/2016 , 08:35 (GMT+7)

"Vua giống" là từ người  dân ở Tiền Giang thân thiết gọi ông Võ Văn Chung (Hai Chung) từ những năm 80 của thế kỷ XX...

"Vua giống" là từ người  dân ở Tiền Giang thân thiết gọi ông Võ Văn Chung (Hai Chung) từ những năm 80 của thế kỷ XX. Họ xem ông như là vị cứu tinh khi làm ra giống lúa kháng rầy nâu, cho năng suất cao - IR64 (sau đó được đặt tên là giống NN3A).

Vượt gần 80 km từ TP.HCM, chúng tôi tìm về xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang, nơi sinh sống của "vua giống" Hai Chung. Hỏi nhà ông, từ người lớn tuổi đến các cháu nhỏ cũng biết rành rẽ. Những con đường liên ấp, liên xã của quê ông đều được mở rộng, nâng cấp và bê tông hóa. Xe máy, xe tải đi lại dễ dàng. Đường vô nhà ông rợp mát bóng cây dừa, xoài, chuối, ổi...

Mặc dù đã điện thoại hẹn trước, nhưng khi chúng tôi tìm đến nhà, người con gái của ông chừng bốn chục tuổi, nói: “Anh làm ơn đợi chút, ba đang đi thăm ruộng, cũng sắp về rồi”.

Tôi nhìn đồng hồ, đã 11 giờ. Người con gái rót nước trà mời khách. Tôi cảm ơn và đưa mắt bao quát căn nhà ba gian bề thế. Trên tường treo đầy bằng khen, giấy khen và những tấm hình đen trắng và màu. Tôi dừng lại rất lâu nơi tấm hình đen trắng, nhận ra ông và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Đang tò mò nhìn ngắm, tôi giật mình khi tiếng ông rộn ràng vang ngoài sân: “Xin lỗi ông nhà báo nhé. Hẹn với ông rồi mà sáng ra tôi lại phải đi thăm ruộng, thăm vườn. Quen rồi, không làm nó ngứa ngáy chân tay, chịu không nổi”.

Dù năm nay đã 85 tuổi, nhưng với thân hình vạm vỡ, da thịt săn chắc đậm màu nông dân Nam bộ, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, tiếng nói cười rộn ràng và trí nhớ minh mẫn, nên khi tiếp xúc trò chuyện, ít người nghĩ ông đã ở độ tuổi ấy.

Câu chuyện với “vua giống” Hai Chung còn nhiều chuyện rất vui, như ngày ông ra Hà Nội dự họp nông dân điển hình toàn quốc. Họp xong, dù đã có chút men, ông vẫn tìm đến nhà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cảnh vệ chặn lại không cho vào, hỏi ông là ai mà kiếm Thủ tướng? Ông trả lời: “Là bạn trong miền Nam ra đây họp”. Vậy là tối đó Thủ tướng cùng ông lai rai mãi đến tận khuya...

Tôi bắt tay ông, bàn tay to thô ráp, thật chặt. Câu chuyện của chúng tôi thật thân mật, sôi nổi và gần gũi xoay quanh chủ đề cây, con giống. Câu chuyện đưa chúng tôi về những năm 80 ở thế kỷ XX. Đó có thể được xem là những năm thử thách cam go của nền nông nghiệp, không chỉ của tỉnh Tiền Giang mà là của vùng ĐBSCL trước nạn sâu rầy, cháy lá.

Những cánh đồng thẳng cánh cò bay của các huỵện Cai Lậy, Cái Bè, Chợ Gạo, Gò Công đang thì con gái, bỗng xoắn quăn, không trổ bông được.

Những nông dân của miệt Gò Công, Chợ Gạo, dù bao đời nay chung thủy với ruộng đồng, đành đoạn bỏ lại ruộng hoang tàn, tìm kế mưu sinh nơi đất khách quê người. Những người ở lại thì cậy nhờ thần linh, bằng cách mướn thầy về cúng tại ruộng mong muốn đuổi sạch tà ma.

Ông Hai Chung nói: “Nhân dân Tiền Giang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã bám trụ ruộng vườn với ý chí một tấc không đi, một ly không rời. Quân dân Tiền Giang đã làm nên chiến thắng Ấp Bắc vang dội. Vậy mà nay độc lập rồi, hòa bình rồi, lại đành đoạn bỏ xứ. Nhìn cảnh người người lần lượt khăn gói ra đi, lòng tôi như xát muối. Vì mình là lão nông tri điền có tiếng ở huyện, nên đã từng được trường đại học Cần Thơ mời nói chuyện về kỹ thuật nhân giống.

Tôi còn nhớ lần ấy khi gặp hiệu trưởng trường (thầy Phạm Xuân Khai) cùng hiệu phó (thầy Võ Tòng Xuân) và có sự hiện diện của các nhà khoa học ở trung ương gồm Dương Hồng Hiên, Bùi Huy Đáp…

Khi nghe tôi trình bày về hiện tình "giặc cháy lá" trên những cánh đồng ở Tiền Giang, hiệu trưởng nói với thầy Xuân: “Ông vô xem trong kho của mình còn giống IR 64, cho anh Hai đây một ít”.

Lục tìm  mãi, vét được  bảy tám hột giống mang ra, tôi mừng hơn vớ được vàng. GS Bùi Huy Đáp nói vui: “Có dăm ba hạt giống như thế này thì chú Hai về cho gà ăn không no”.

Tôi cười trả lời: “Nếu con gà nào ăn, tôi sẽ thịt nó moi hạt lúa liền. Tôi xem bảy tám hột lúa giống này quý hơn bảy tám hột xoàn, vì tôi nhất định sẽ nhân ra hàng trăm, hàng nghìn ký lúa giống kháng rầy phục vụ cho nông dân quê tôi…”.

Lời hứa đó, ông Hai đã làm được và làm tốt. HTX giống do ông khởi xướng được hành lập. Những năm sau đó, nông dân TIền Giang vui vẻ đón những mùa vụ bội thu với giống lúa kháng rầy nâu IR64 cho năng suất  5 - 6 tấn/ha. Và càng vui hơn, khi những nông dân miệt Gò Công, Chợ gạo bỏ xứ ra đi đã lần lượt trở về.

Tiếng lành đồn xa đến nỗi nhạc sĩ cổ nhạc Trần Nam Dân sáng tác liền hai chập cải lương ca ngợi giống lúa IR64 của ông Hai Chung. Từ hai chập cải lương ấy mà Giám đốc Ty nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã tìm đến nhà ông hỏi mua giống lúa này. Ông hào phóng cho ngay 100 kg lúa giống và không quên dặn dò kỹ thuật gieo sạ, chăm sóc.

Khoảng ba tháng sau, đoàn Bến Tre tìm đến "mắng vốn" ông. Họ nói: “Giống kháng rầy đâu không thấy, chỉ thấy rầy bu đặc muốn oằn bông”. Ông cười bảo: “Mấy anh chị khỏi lo, sáng mai tự khắc chúng bay đi hết”.

Và quả thật như vậy. Sau vụ này, Trưởng ty Nông nghiệp Bến Tre đã cùng đoàn vượt phà Rạch Miễu đến chia vui cùng ông. Họ mang theo thịt heo, gà, cá, bánh và nhậu cùng ông một bữa "mát trời ông địa" (lời ông Hai Chung).

Trong lúc vui say, họ gọi ông là “vua giống”. HTX giống của ông tồn tại cho đến khi tỉnh Tiền Giang thực hiện Chỉ thị 100 của Ban bí thư về cải tiến quản lý trong nông nghiệp.

15-01-33_1

Còn ông Hai Chung, nay tuy tuổi đã cao nhưng niềm đam mê về các loại giống lúa mới nói riêng, giống nông  nghiệp nói chung vẫn cháy mãi không thôi. Khi tôi đến, ông tất tả dẫn  ra thăm ngay 5 công ruộng (5.000 m2) cạnh sân nhà, rồi nói: “Tôi vừa cấy 4 giống lúa mới đã được Bộ NN-PTNT cho phép sản xuất thử ở phía Bắc. Mọi chi phí như làm đất, gieo sạ, cấy thẳng hàng đến phân bón, thuốc trừ sâu tôi chịu hết, chỉ mong sao đạt kết quả tốt là vui rồi”. 

Gần đó, ông Hai Chung còn lập trại heo bề thế. Tôi tò mò hỏi: “Bác chuyển qua nuôi heo giống từ lúc nào?”. Như gợi lại mạch nguồn kỷ niệm, ông nói: “Cũng từ lúc có hai chập cải lương về giống lúa mới, không ngờ nó vang lên tận Sài Gòn. Chú Sáu Dân (ông Võ Văn Kiệt) lúc bấy giờ đang làm Bí thư Thành ủy TP.HCM cùng Trưởng ty nông nghiệp thành phố tìm đến hỏi xin một số giống về cho bà con nông dân ngoại thành và còn mời tôi lên hướng dẫn kỹ thuật. Vậy là khăn gói lên đường. Ở đó tôi hướng dẫn cho nông dân các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi gieo sạ giống lúa kháng sâu rầy. 

Chừng hai chục ngày xong việc, chú Sáu bảo: “Sao anh không nuôi heo giống. Có giống cây rồi phải nghĩ ngay đến con giống chứ”. Khoảng hai tuần sau, từ Sài Gòn, lính của Trưởng ty nông nghiệp TPHCM chở về cho tôi hai con heo nái  nhập ngoại. Tôi đến với nghề nuôi heo giống từ ngày đó.

Đến nay trại heo giống Việt Thắng của ông có 200 heo nái, 50 heo nọc, luôn có khoảng 300 đến 400 heo thịt, 500 đến 700 heo con, mỗi ngày cho từ 20 đến 30 lọ tinh, góp phần giúp người nuôi heo cải tạo được giống nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt.

Ngoài heo, ông Hai Chung còn trồng 3 ha bưởi da xanh đã cho trái đầu vụ. Khi đã ở tuổi 85, ông vẫn nhiệt huyết nuôi hy vọng chuyển giao thành công giống bưởi chất lượng cao cho bà con nông dân…

Xem thêm
Dân đeo khẩu trang đi ngủ vì trại lợn 30.000 con

THANH HÓA Trại lợn của Công ty Agri-Vina lại gây thối, khiến nhiều người dân tại xã Tân Phúc, thị trấn Lang Chánh mất ăn mất ngủ.

Vây bắt đàn chó liên quan bé gái 10 tuổi tử vong nghi do bệnh dại

Bé gái 10 tuổi ở Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tử vong với những triệu chứng nghi do bệnh dại sau khi bị chó cắn, cơ quan chức năng đang vây bắt đàn chó để xét nghiệm.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.

Tận thu rơm, có thêm thu nhập 3 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Lúa sau khi thu hoạch được máy cuộn rơm vào thu gom, cho bà con nông dân thêm thu nhập hơn 3 triệu đồng mỗi ha…