| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Chanh chết đứng, chè chết khô

Thứ Ba 02/07/2019 , 08:48 (GMT+7)

Nắng nóng và gió Nam Lào diễn ra khốc liệt và liên tục nhiều ngày qua không những đã làm cho hơn 15.000ha lúa hè thu ở Nghệ An "thừa chết, thiếu sống", mà còn làm cho nhiều diện tích rau màu các loại, cam chanh, chè công nghiệp… cháy sém lá, héo đọt, khô cành.

Vất vả chống hạn cho vùng rau hàng hóa

Quỳnh Lưu là huyện có vùng rau hàng hóa lớn nhất tỉnh Nghệ An với diện tích 700ha, tập trung chủ yếu ở 3 xã Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Bảng. Rau ở đây trồng thành vùng tập trung và được trồng quanh năm. Loại rau phổ biến trong vụ hè thu này là hành hoa, cải ngọt, cải bẹ, dưa hấu, các loại rau thơm… Sản lượng rau vào khoảng 20 - 22 ngàn tấn mỗi năm bán cả trong và ngoài tỉnh.

Lợi thế vùng rau hàng hóa này là được trồng trên đất cát pha ven biển (còn gọi là vùng bãi ngang) có mạch nước ngầm cao nên không sợ thiếu nước tưới.

Một trong những xã có diện tích rau nhiều nhất trong vùng là Quỳnh Lương, với 215ha rau các loại, xã này được mệnh danh "xã rau" của tỉnh và thật sự họ làm giàu từ cây rau.

Bình thường thì nước tưới cho rau không thiếu. Nhưng đã gần 3 tháng nay trời không mưa, nắng nóng kéo dài, gió Nam Lào thổi mạnh nên trên mặt ruộng thì đất khô và nóng làm cho cây rau cũng khô héo luôn, dưới mặt đất mạch nước ngầm tụt xuống sâu nên hầu hết các giếng nước đều không có đủ nước tưới.

Do nắng nóng kéo dài, nhiều diện tích hành lá tại xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) bị khô héo. Ảnh: Thanh Yên/Báo Nghệ An.

Ông Hồ Phúc Tư ở xóm 3, xã Quỳnh Lương cho biết: Gia đình ông trồng 5 sào rau các loại, trước đây mỗi ngày chỉ tưới 4 lần (sáng, trưa, chiều và tối), nay mỗi ngày phải tưới thêm 2 lần nữa. Vì tưới xong đất lại khô như rang, không tưới thì rau chết. Nắng nóng, tưới nhiều, nước giếng lại cạn. Vì vậy, ngày nào cũng như ngày nào phải trực 24/24 giờ, tưới chưa xong nước giếng đã cạn, lại phải chờ nước ra tưới tiếp.

Không thể để rau thiếu nước chết khô, chết héo. Từ suy nghĩ đó, Đảng ủy, UBND xã Quỳnh Lương vận động và khuyến khích bà con khơi sâu thêm giếng nước từ 5 - 7m và đầu tư hệ thống tưới nước phun mưa cho rau để tiết kiệm nước. Chủ trương này của xã được nông dân hưởng ứng rất tích cực. Vì vậy chỉ sau 15 - 20 ngày hầu hết diện tích rau ở Quỳnh Lương đều được tưới bằng hệ thống tưới phun mưa với nguồn nước lấy từ giếng khoan, giếng đào ngay tại ruộng sau khi đã khoan hoặc khơi sâu thêm.
 

Cây chanh cũng chết đứng vì hạn

Giữa 2 cây cam và chanh thì cam chịu hạn tốt hơn do cam được trồng từ cây giống được ghép mắt cam lên gốc cây trấp hoặc cây bưởi nên gốc cây có rễ cọc ăn sâu vào lòng đất. Vì vậy ít bị chết do hạn hơn. Còn cây chanh gần như 100% được trồng từ cây giống là cây được chiết từ cành ra, nên không có rễ cọc, rễ ăn cạn trên lớp đất màu là chủ yếu. Cây chanh chịu hạn kém khi có nắng nóng và hạn hán kéo dài.

dscf4712150227877
Vườn chanh chết héo do nắng hạn.

Một trong những địa phương có diện tích chanh nhiều nhất tỉnh là 2 xã Hưng Yên Bắc và Hưng Yên Nam, 2 xã này ở liền kề nhau và là 2 xã duy nhất thuộc vùng bán sơn địa của huyện Hưng Nguyên. Ở 2 xã này có gần 300ha chanh được trồng trên đất đồi vệ thấp. Giống chanh ở đây hầu như ra quả quanh năm và là nguồn chanh hàng hóa lớn, mỗi năm cung cấp cho thành phố Vinh khoảng 6.500 - 7.000 tấn chanh quả.

Tại thời điểm hiện nay, ở xã Hưng Yên Nam đã có khoảng 100/200ha chanh bị chết cháy, còn tại xã Hưng Yên Bắc có tới 50/100ha chanh cũng đã chết khô. Những cây chưa chết, là co rúm lại, quả teo tóp do thiếu nước nghiêm trọng. Những cây chanh đã bị chết khô được bà con chặt cả cây, đào cả gốc chất thành đống để ở hai bên vệ đường trông thật thương tâm.

Theo ông Hoàng Đức Ân - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hưng Nguyên thì với xu thế nắng nóng và hạn hán như hiện nay, nguy cơ vùng chanh lớn của huyện của tỉnh là Hưng Yên Nam và Hưng Yên Bắc dễ bị xóa sổ.

Bà Ngô Thị Hảo ở xóm 2, xã Hưng Yên Nam, có 4 sào chanh, cho biết hàng năm vườn chanh cho gia đình bà thu nhập từ 700 - 800 triệu đồng. Vậy mà hôm nay, cả 4 sào chanh của bà đã chết dần hơn một nửa số cây, số còn lại đang trong tình trạng ngắc ngoải. Bà Hảo buồn bã nói: Từ ngày trồng chanh lại nay đã hơn 12 năm, chưa có năm nào nắng hạn làm chết chanh như năm nay.
 

Hơn 1.000ha chè cháy sém lá, khô đọt

Vùng chè công nghiệp Nghệ An kéo dài từ huyện Thanh Chương lên huyện Anh Sơn với tổng diện tích lên đến 9.200ha.

Nắng nóng kéo dài liên tục trong những ngày vừa qua, nên dù người dân đã tìm đủ cách để chống hạn cho chè như: gần sông, suối khe… thì dùng máy bơm để tưới, xa thì sử dụng rơm, rạ, lá cành cây khô để tấp tụ vào gốc. Nhưng cũng không thể chống lại nắng to và nhiệt độ không khí lên cao liên tục từ 41 - 43oC trong những ngày qua đã làm cho trên 1.000ha chè bị cháy sém lá, khô cành, đọt.

Nhiều diện tích chè ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) héo rũ do thiếu nước. Ảnh: CTV.

Tại huyện Thanh Chương, thủ phủ của vùng chè công nghiệp Nghệ An với gần 4.600 ha, là vùng đất có nhiều sông, khe, suối để tưới nước cho chè. Nhưng không thể chống lại nắng nóng kéo dài, hiện đã có gần 500ha chè bị cháy sém lá, khô cành, đọt ở rải rác các xã trong vùng chè.

Tại huyện Anh Sơn hiện có 2.068ha chè công nghiệp, trong số này chỉ có 250ha chè được đầu tư hệ thống tưới nước phun mưa thì an tâm, còn lại đang có nguy cơ cháy lá, héo đọt rất khó tránh khỏi trong những ngày tới nếu trời không có mưa và hiện đã có 211ha chè bị khô cháy lá và đọt rất nặng không có khả năng khôi phục.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn cho biết: Năm 2015 cũng là một năm nắng nóng và hạn hán nặng, toàn xã có trên 15ha chè bị chết gây thiệt hại 130 triệu đồng. Năm nay hạn hán khốc liệt hơn, toàn xã đã có 190ha ngô chết trắng, 35ha chè công nghiệp đang thời kỳ kinh doanh cháy lá, khô cành, đọt, 30ha mía khô ngọn và gần 30ha lúa bỏ hoang không có nước gieo cấy.

Chè chết còn do thu hái không đúng cách

Ông Hồ Viết An - Giám đốc Cty ĐT-PT Chè Nghệ An cho biết thêm: Cây chè công nghiệp chết nhiều ngoài nguyên nhân do nắng nóng từ 41 - 43oC kéo dài, trời không mưa, nước trong các ao hồ, sông suối, khe khô kiệt, còn có một nguyên nhân lớn nữa, đó là: Thời gian vừa qua hàng chục tư thương có sơ sở sơ chế biến chè mini vào các vùng nguyên liệu chè tranh nhau mua nguyên liệu với giá khá cao, bất chấp chất lượng chè khi hái, thế là một số bà con sử dụng máy hái chè hái sâu, hái đau, để có sản lượng lớn bán được nhiều tiền, chẳng cần theo quy trình. Chè bị hái đau lại gặp hạn hán nặng, nắng nóng, nhiệt độ cao chè chết là chuyện đương nhiên. Nếu những ngày tới trời vẫn tiếp tục nắng nóng như hiện nay thì sẽ có vô số diện tích chè tiếp tục chết.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm