| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Mía đạt năng suất và giá bán cao nhất từ trước tới nay

Chủ Nhật 07/05/2023 , 19:04 (GMT+7)

NGHỆ AN Vụ thu hoạch mía năm nay, nhiều vùng mía ở Nghệ An cả năng suất và giá bán đều cao nhất từ trước đến nay.

Đây là năm thứ 2 liên tục, giá thu mua mía nguyên liệu của cả 3 nhà máy chế biến đường trong tỉnh Nghệ An luôn ổn định ở mức cao (từ 1,1 triệu đồng/tấn trở lên) nên bà con nông dân rất phấn khởi bám lấy cây mía nguyên liệu hơn bao giờ hết.

Cuối tháng 4 cơ bản thu hoạch xong cây mía, bà con nông dân ở tất cả các vùng trồng mía nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đường ở Nghệ An lại tấp nập ra đồng trồng lại cây mía càng nhanh, càng sớm càng tốt để giảm bớt ảnh hưởng của mùa nắng nóng và gió Tây Nam (gió Lào) đến sớm làm đất khô hạn, cây mía chậm mọc mầm và bén rễ.

Công ty Mía đường Sông Con (Nghệ An) giúp nông dân thu hoạch mía bằng máy. Ảnh: Trí Tuệ.

Công ty Mía đường Sông Con (Nghệ An) giúp nông dân thu hoạch mía bằng máy. Ảnh: Trí Tuệ.

Cả năng suất và giá bán đều cao chưa từng có

Theo quy hoạch vùng sản xuất mía nguyên liệu phục vụ cho 3 nhà máy chế biến đường trong tỉnh, giai đoạn 2013 – 2020, Nghệ An đạt mục tiêu 28.400ha mía, năng suất bình quân 70,5 tấn/ha, sản lượng 1.880.000 tấn, công suất ép của các nhà máy 15.500 tấn/ngày.

Tuy nhiên trong suốt giai đoạn 2013 – 2020, chỉ có năm 2016 Nghệ An trồng được 24.019ha mía nguyên liệu, năng suất mía đạt bình quân 56 tấn/ha. Các năm sau đó giảm dần vì giá thu mua mía của các nhà máy chỉ dao động ở mức 780 – 800 đồng/kg, giá quá thấp, nông dân ít có lãi nên diện tích mía niên vụ 2019 – 2020 chỉ còn lại 19.825ha, năng suất giảm xuống còn 53 tấn/ha, tiếp đến niên vụ 2020 – 2021 xuống còn gần 18.500ha, năng suất đạt bình quân hơn 61 tấn/ha.

Niên vụ 2020 - 2021, diện tích mía giảm mạnh, nhưng năng suất đã tăng lên và đặc biệt giá mía tăng lên trên dưới 950 đồng/kg, nông dân phấn khởi, người trồng mía đã có lãi khá. Đến niên vụ 2022 - 2023 này, diện tích mía tăng lên 20.200ha, năng suất đạt xấp xỉ 68 tấn/ha, là vụ mía đạt được năng suất cao nhất từ trước tới nay.

Đặc biệt, vụ mía vừa thu hoạch xong không những có năng suất cao, mà là vụ mía ít bị các loại sâu bệnh nhất và cũng là vụ mía được các nhà máy chế biến đường thu mua với giá từ 1.100 - 1.200 đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay.

Các vùng mía nguyên liệu của Nghệ An được áp dụng cơ giới hóa. Ảnh: Đinh Thùy.

Các vùng mía nguyên liệu của Nghệ An được áp dụng cơ giới hóa. Ảnh: Đinh Thùy.

Ông Phạm Văn Lục ở xã Nghĩa Thái, huyện Tân Kỳ cho biết, đã 3 năm nay, ông thuê mướn đất của nhiều hộ gia đình khác trồng được 5ha mía nguyên liệu, năng suất mía của ông luôn đạt được 70 tấn/ha. Giá mía năm nay Nhà máy chế biến đường Sông Con thu mua 1.100 đồng/kg, trừ hết chi phí, còn lãi 150 triệu đồng/5ha.

Thu hoạch xong vụ mía này, ông Lục thuê mướn thêm 8ha đất để trồng. Ông Lục bảo ngày xưa trồng, chăm sóc, thu hoạch mía vất vả lắm. Nay từ làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch và vận chuyển toàn bằng máy móc do nhà máy chế biến đường ký hợp đồng dịch vụ từ A đến Z nên nông dân khỏe re.

Ông Nguyễn Thanh Bình ở xã Giai Xuân (huyện Tân Kỳ) phấn khởi cho biết: "Diện tích trồng mía nhà tôi chỉ có 2ha, nhưng được đầu tư thâm canh tốt nên vụ mía vừa thu hoạch xong đạt năng suất bình quân lên tới 80 tấn/ha. Thu hoạch xong bán hết cho nhà máy chế biến đường, trừ hết tất cả các khoản chi phí do nhà máy cho ứng trước (giống, phân hữu cơ vi sinh và dịch vụ cơ giới hoá làm đất, trồng, thu hoạch…) vẫn còn lãi hơn 30 triệu đồng/ha.

Thu hoạch xong vụ mía này, ngoài 2ha vừa thu hoạch để lại lưu gốc, tôi sẽ trồng thêm 1ha nữa. Nếu nhà máy tiếp tục thu mua mía như giá hiện nay thì không những gia đình tôi mà hầu hết các gia đình khác sẽ có nguồn thu đáng kể".

Nông dân Nghệ An phấn khởi vì 2 năm liên tiếp giá mía nguyên liệu tăng cao. Ảnh: Tiến Đông.

Nông dân Nghệ An phấn khởi vì 2 năm liên tiếp giá mía nguyên liệu tăng cao. Ảnh: Tiến Đông.

Tương tự, ông Hoàng Minh Hiếu ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp cho biết, chưa bao giờ người trồng mía phấn khởi như vụ mía năm nay vì mía được mùa, được giá, nông dân có thu nhập khá.

Vụ mía vừa thu hoạch xong ông Hiếu bán hết cho nhá máy chế biến của Công ty Mía đường Nghệ An (NASU) với giá 1.246 đồng/kg (bao gồm cả tiền thưởng độ đường cao). Năng suất mía hộ ông Hiếu đạt bình quân 140 tấn/ha, cao nhất huyện Quỳ Hợp, trừ hết các chi phí phục vụ sản xuất, thu lãi ròng gần 100 triệu đồng/ha.

Được hỏi vì sao mía nhà ông đạt được năng suất cao như vậy, ông Hiếu nói: "Mía nhà tôi được trồng trên đất trước đây trồng cam, đất khá tốt. Thứ hai là nhờ có giống mía năng suất cao do nhà máy cung cấp. Thứ 3 là chăm sóc tốt, bón phân đầy đủ, nhất là phân hữu cơ và thứ 4 là được tưới nước thường xuyên nên cây mía tốt hơn hẳn so với nhiều hộ gia đình khác không chủ động tưới".

Diện tích mía tăng trở lại

Với tín hiệu lạc quan của cây mía thời gian qua, khả năng niên vụ mía 2023 – 2024, diện tích và năng suất mía sẽ tăng lên nhiều khi các công ty mía đường và bà con nông dân cùng có lợi, cùng có trách nhiệm quan tâm lẫn nhau. Đặc biệt hiện nay, các công ty mía đường rất quan tâm đến nông dân, thể hiện qua nhiều cơ chế, chính sách như:

Các doanh nghiệp mía đường tại Nghệ An đã có nhiều chính sách đồng hành cùng người trồng mía. Ảnh: Xuân Hoàng.

Các doanh nghiệp mía đường tại Nghệ An đã có nhiều chính sách đồng hành cùng người trồng mía. Ảnh: Xuân Hoàng.

Thứ nhất: Công ty mía đường nào ở Nghệ An cũng khuyến khích nông dân sử dụng cơ giới hoá vào tất cả các khâu sản xuất mía, từ làm đất đến trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và vận chuyển. Việc sử dụng cơ giới hoá nói trên được các công ty ký kết hợp đồng dịch vụ đầy đủ và kịp thời với giá cả vừa hỗ trợ, vừa khuyến khích.

Thứ hai: Các công ty mía đường sẵn sàng cho nông dân vay tiền không tính lãi suất để mua các loại máy móc phục vụ sản xuất mía và được ứng trước tiền mua các loại phân bón, giống mía… không phải chịu lãi suất, cuối vụ thanh toán. Ngoài ra, công ty còn cử cán bộ kỹ thuật về tận từng làng, bản để tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thâm canh cây mía đạt được năng suất cao.

Thứ ba: Một số công ty mía đường còn có những cơ chế chính sách đặc thù riêng như:

Tại Công ty Mía đường Nghệ An: Trồng mía trên đất mới khai hoang, đất chuyển đổi từ các cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; nhân giống mía mới do công ty cấp được hỗ trợ 4 triệu đồng/ha; gia đình nào trồng các giống mía mới lấy từ ruộng nhân giống ra được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha. Khi thu hoạch, mỗi chuyến xe vận chuyển về nhà máy, nếu kiểm tra mía có chữ đường (CCS) cao hơn trung bình 5 ngày 0,5 CCS sẽ thưởng với mức 60.000 đồng/1 CCS tăng thêm.

Tại Công ty Mía đường Sông Lam: Hỗ trợ 2 triệu đồng/ha mô hình mía thâm canh theo quy trình do công ty đề ra, hỗ trợ 100% phí vận chuyển mía giống cho các hộ dân đăng ký trồng mía và bảo hành giá thu mua mía nguyên liệu vụ tiếp theo để nông dân yên tâm sản xuất.

Cơ giới hóa đồng bộ đã giúp người trồng mía giải phóng sức lao động, giảm nhiều chi phí sản xuất. Ảnh: Xuân Hoàng.

Cơ giới hóa đồng bộ đã giúp người trồng mía giải phóng sức lao động, giảm nhiều chi phí sản xuất. Ảnh: Xuân Hoàng.

Ông Quán Vi Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Qùy Hợp, một trong những huyện có diện tích mía nhiều nhất tỉnh cho biết: Hiện giá phân bón đã bắt đầu "hạ nhiệt", giá thu mua mía nguyên liệu lại tăng ở mức cao nhất từ trước lại nay nên bà con nông dân sẽ gia tăng trồng mía, diện tích năm sau nhiều hơn năm trước. Từ năm 2021 về trước, năm trồng nhiều nhất chỉ 4.800ha nhưng 2 năm trở lại đây đã tăng lên hơn 5.200ha, trong đó xã Minh Hợp trồng gần 1.000ha.

Ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Nghệ An cho biết: Năm 2021, toàn tỉnh trồng gần 18.500ha mía nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đường, năm 2020 tăng lên 20.200ha và khả năng vụ mía năm 2023 sẽ tiếp tục tăng thêm hàng trăm ha do vụ mía vừa rồi được mùa, được giá, nông dân đang rất phấn khởi.

Không nên chạy theo giá cả để mở rộng diện tích

Ở Nghệ An, bài học "giải cứu" sản phẩm rau, củ, quả ở vùng chuyên canh rau Quỳnh Lưu, Diễn Châu; giải cứu sản phẩm hành tăm ở Nghi Lộc; giải cứu sản phẩm gừng ở Kỳ Sơn... từng xẩy ra. Riêng đối với cây mía, không thể áp dụng chủ trương kêu gọi "giải cứu" như các cây trồng khác. Vì vậy, lãnh đạo các địa phương, các HTX và bà con nông dân tốt nhất không nên chạy theo giá cả thu mua cao mà mở rộng diện tích trồng mía hay bất cứ cây trồng gì cũng vậy.

Nông dân không nên vì giá mía cao trong giai đoạn này mà ồ ạt tăng diện tích trồng mía. Ảnh: Đình Hà.

Nông dân không nên vì giá mía cao trong giai đoạn này mà ồ ạt tăng diện tích trồng mía. Ảnh: Đình Hà.

Biện pháp tốt nhất là tập trung thâm canh để có năng suất cao, chất lượng tốt thay vì mở rộng diện tích. Biện pháp này vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa tiết kiệm đất đai, dành đất đai cho cây trồng khác. Năng suất cây mía ở Nghệ An còn thấp, mới dưới 70 tấn/ha. Trong khi đó có hộ gia đình như gia đình ông Hoàng Minh Hiếu ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp vụ mía vừa qua đã đạt được năng suất lên tới 140 tấn/ha, cao nhất tỉnh Nghệ An. Kêt quả này chứng tỏ tiềm năng khai thác về năng suất cây mía còn nhiều, vấn đề là đầu tư thâm canh cao để có năng suất cao.

Nếu thực chất nhu cầu mía nguyên liệu của nhà máy chế biến đường nào còn lớn, cung chưa đáp ứng cầu thì có thể mở rộng diện tích trồng thêm và phải có hợp đồng kinh tế giữa người trồng mía và nhà máy trong việc tiêu thụ sản phẩm và giá cả thu mua sau khi thu hoạch như Công ty Mía đường Sông Lam ký hợp đồng với bà con nông dân ở huyện Anh Sơn hiện nay.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.