| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Rốt ráo khống chế bệnh đạo ôn lá

Thứ Ba 15/03/2022 , 06:45 (GMT+7)

Trước nguy cơ bệnh đạo ôn lá bùng phát trên lúa xuân, ngành nông nghiệp Nghệ An và các địa phương ở tỉnh này đã rốt ráo triển khai các giải pháp khống chế.

Nguy cơ rất cao

Vụ lúa xuân 2022 toàn tỉnh Nghệ An gieo cấy 91.626,4 ha/kế hoạch 91.000 ha, tăng hơn vụ lúa xuân năm 2021 hơn 350 ha.

Phấn khởi nhất là vụ xuân năm nay diện tích gieo cấy lúa vượt chỉ tiêu kế hoạch. Nhưng đáng lo nhất hiện nay là bệnh đạo ôn, rất có khả năng bùng phát thành dịch trên quy mô lớn do từ đầu vụ sản xuất tới nay mưa rét kéo dài, sau đó trời ấm lên và ẩm độ không khí cao, thiếu ánh sáng nghiêm trọng. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để bệnh đạo ôn lá trên cây lúa phát sinh, lây lan trên diện rộng.

Lãnh đạo huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) kiểm tra tình hình sâu bệnh hại trên lúa xuân. Ảnh: Cổng thông tin Hưng Nguyên.

Lãnh đạo huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) kiểm tra tình hình sâu bệnh hại trên lúa xuân. Ảnh: Cổng thông tin Hưng Nguyên.

Thời gian tới, khả năng bệnh đạo ôn lá còn phát sinh, phát triển mạnh do thời gian tới được dự báo thời tiết tiếp tục có mưa - nắng xen kẽ, sương mù nhiều, là cơ hội để bào tử nấm bệnh đạo ôn gây hại ra diện rộng. Đạo ôn là loại bệnh rất nguy hiểm, gây hại trên cây lúa cả ở lá, cổ bông và ở hạt. Nếu bị nặng ở thời kỳ lúa đẻ nhánh như hiện nay, rất dễ gây ra cháy trụi lá, làm cây lúa không có khả năng khôi phục lại nếu không kịp thời có biện pháp phòng trừ tốt.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An, đến tại thời điểm này, toàn tỉnh đã có gần 1.000 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, trong đó có hơn 200 ha bị nặng. Địa phương có diện tích lúa bị nhiễm bệnh nhiều là Yên Thành (497 ha), Hưng Nguyên (230 ha), Diễn Châu (215 ha).

Qua khảo sát cho thấy, những nơi có diện tích lúa thường bị nhiễm bệnh đạo ôn là những nơi có thành phần cơ giới đất cát pha, thịt nhẹ, tầng đất canh tác mỏng và cả những vùng đất sâu trũng, tích tụ độ phì nhiêu cao. Những địa phương bà con nông dân ít hoặc không sử dụng phân chuồng, chủ yếu bón phân đạm nhiều, lại gieo cấy dày cũng thường có nguy cơ phát sinh bệnh đạo ôn.

Hiện toàn tỉnh Nghệ An đã có gần 1.000 ha lúa xuân bị nhiễm đạo ôn lá, với nhiều mức độ gây hại khác nhau. Ảnh: Cổng thông tin Hưng Nguyên.

Hiện toàn tỉnh Nghệ An đã có gần 1.000 ha lúa xuân bị nhiễm đạo ôn lá, với nhiều mức độ gây hại khác nhau. Ảnh: Cổng thông tin Hưng Nguyên.

Ngoài ra, không ít bà con nông dân vẫn còn gieo cấy quá nhiều những giống lúa có khả năng chống chịu sâu bệnh kém. Điển hình nhất là giống lúa IR1820, tuy có chất lượng gạo ngon, nhưng rất dễ bị bệnh đạo ôn nặng, vì vậy Sở NN-PTNT Nghệ An đã loại bỏ giống lúa này khỏi danh mục các giống lúa được đưa vào gieo cấy ở Nghệ An cách đây đã hơn 10 năm. Thế nhưng một số xã ở huyện Hưng Nguyên vẫn tiếp tục gieo cấy giống lúa này. Riêng xã Hưng Lợi, xã Châu Nhân (huyện Hưng Nguyên) hiện đã có nhiều ha lúa gieo cấy giống IR1820 bị bệnh đạo ôn gây cháy hết lá, rất khó để khắc phục lại.

Ngoài giống lúa IR1820, còn có một số giống lúa khác khả năng chống chịu bệnh đạo ôn kém như các giống X33, AC5, BC15, TBR225, VT-NA6, P6, Thái Xuyên, nếp IR352... nhưng vẫn được bà con nông dân gieo cấy quá nhiều, lại gặp điều kiện thời tiết như hiện nay nên mức độ lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn trên diện rộng là khó tránh khỏi.

Huy động tối đa lực lượng khống chế bệnh

Để kịp thời ngăn ngừa, không để bệnh phát triển ra diện rộng, Sở NN-PTNT đã kịp thời có thông báo khẩn xuống các địa phương và phân công cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống các huyện, thành, thị để cùng với cán bộ các Phòng NN-PTNT, cán bộ các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp về tận từng xã, HTX nông nghiệp hướng dẫn nông dân biết cách phát hiện vết bệnh đạo ôn, mua đúng thuốc, pha đúng nồng độ, phun đủ liều lượng và phun đúng kỹ thuật để bệnh không phát triển thêm.

Ngành nông nghiệp huyện Yên Thành hướng dẫn nông dân phòng trừ bệnh đạo ôn lá. Ảnh: Truyền hình Nghệ An.

Ngành nông nghiệp huyện Yên Thành hướng dẫn nông dân phòng trừ bệnh đạo ôn lá. Ảnh: Truyền hình Nghệ An.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông thường xuyên đưa tin, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ bệnh đạo ôn đến với cán bộ và bà con nông dân trong tỉnh về biện pháp sử dụng các loại thuốc hóa học hữu hiệu để phun khi phát hiện lúa đã nhiễm bệnh, ví dụ nên dùng các thuốc như Beam 75WP, Pilia 52.5SE, Nikita 400WP, Party 400WP… cũng như phương pháp chăm sóc lúa trong và sau khi lúa hết bệnh. Trong đó, đặc biệt lưu ý các biện pháp như: Tuyệt đối không bón đạm lúc lúa đang bị bệnh, chỉ được bón thúc phân đạm sau 5 - 7 ngày lúa hết bệnh và hồi sinh trở lại.

Đặc biệt, thời tiết những ngày này vẫn còn âm u, sương mù nhiều, thậm chí có mưa phùn vào sáng sớm. Vì vậy chỉ phun thuốc vào buổi chiều khô ráo để thuốc dính vào lá lúa. Những ngày này ở các huyện, thành, thị cũng đồng loạt triển khai các biện pháp ngăn ngừa và phòng chống bệnh đạo ôn lúa rất khẩn trương.

Tại huyện Yên Thành, nơi có diện tích lúa xuân bị nhiễm bệnh đạo ôn nhiều nhất tỉnh, với diện tích xấp xỉ 500ha, trong đó có nhiều xã có diện tích lúa xuân bị nhiễm bệnh vừa nhiều, vừa bị nặng, đó là các xã Lăng Thành, Hồng Thành, Thọ Thành, Nhân Thành… Đa phần diện tích lúa bị nhiễm ở đây tập trung nhiều vào giống lúa Thái Xuyên 11, TBR225.

Nông dân Nghệ An đang khẩn trương phun phòng, trừ bệnh đạo ôn. Ảnh: Truyền hình Nghệ An.

Nông dân Nghệ An đang khẩn trương phun phòng, trừ bệnh đạo ôn. Ảnh: Truyền hình Nghệ An.

Chị Nguyễn Thị Mậu ở xã Nhân Thành cho biết, gia đình chị gieo cấy 6 sào lúa, trong đó có 4 sào cấy giống lúa Thái Xuyên 11, 2 sào gieo cấy giống lúa TBR225, tất cả đều bị nhiễm bệnh đạo ôn. Mấy ngày nay, ngày nào chị cũng phải đi phun thuốc để cứu lúa, với hi vọng lúa sẽ trở lại và chắc chắn khó có được năng suất cao như mong muốn.

Để kịp thời ngăn chặn khả năng bệnh đạo ôn lây lan nhanh trên diện rộng và gây cháy lúa ở thời kỳ lúa đang đẻ nhánh, UBND huyện Yên Thành đã triển khai lực lượng khẩn trương về các xã, HTX để cùng các địa phương đồng loạt ra quan tiến hành kiểm tra đồng ruộng, phân loại lúa, có ghi rõ họ tên chủ sở hữu của những diện tích lúa và thông báo cho gia đình biết để kịp thời có biện pháp chăm sóc, phòng chống bệnh theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Tại huyện Diễn Châu, ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT của huyện cho biết, toàn huyện hiện đã có 215 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn, tập trung nhiều ở các xã: Minh Châu, Diễn Nguyên, Diễn Thái, Diễn Mỹ… Hầu hết diện tích lúa bị bệnh chủ yếu ở các giống lúa AC5, BC15, TBR225, VH8… Sau khi phát hiện bệnh đạo ôn đã phát sinh ở một số xã, UBND huyện đã giao nhiệm vụ cho Phòng NN-PTNT và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cử hết cán bộ kỹ thuật đi về từng xã. Mỗi một cán bộ kỹ thuật phụ trách từ 1 - 2 xã cùng với chính quyền địa phương chỉ đạo nông dân tiến hành phun thuốc trên toàn bộ diện tích lúa đã bị nhiễm bệnh.

Nhờ ra quân sớm, triển khai nhanh nên mức độ lan truyền của bệnh đã chững lại. Hi vọng những ngày sắp tới, trời nắng ấm lên, sương mù giảm, khả năng lây lan của bệnh sẽ chững lại.

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.