Theo ghi nhận, tỉnh Nghệ An có 12 công ty TNHH MTV nông, lâm nghiệp thuộc diện phải sắp xếp, chuyển đổi theo phương án phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu hướng đến là nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất. Từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, thâm canh quy mô lớn. Tăng hiệu quả canh tác và sức cạnh tranh. Tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Nếu dựa theo các tiêu chí trên có thể khẳng định chủ trương lớn chưa đạt kỳ vọng, ngay cả 8 công ty đã hoàn tất việc chuyển đổi, sắp xếp cũng cho thấy nhiều bất an. Quả thực, dù danh nghĩa đã cán đích nhưng các đơn vị này chưa tạo ra chuyển biến mang tính căn cơ. Theo đánh giá chung, nhiệm vụ quản lý và sử dụng đất đai tại một số nơi vẫn thấp, đa phần còn lúng túng trong việc xác định giá trị tài sản, đồng thời chưa chủ động lựa chọn được đối tác tin cậy (cổ đông chiến lược) nhằm vận hành, bắt nhịp theo quy chuẩn mới.
Đương nhiên, 4 cái tên đang "tụt lại" phía sau gồm Công ty TNHH MTV Cà phê cao su Nghệ An, 1/5 Nghệ An, Nông nghiệp Xuân Thành, Nông nghiệp An Ngãi sẽ khó tránh khỏi tình cảnh khốn đốn.
Theo kế hoạch, 3 công ty là Nông nghiệp Xuân Thành, Nông nghiệp An Ngãi, 1/5 Nghệ An sẽ góp nguyên trạng tài sản, tài chính, lao động, đất đai (sau khi rà soát) để tiến tới thành lập mô hình Công ty TNHH 2TV trở lên. Đáng tiếc lý thuyết lại không song hành với thực tiễn, nhìn chung tiến độ đến lúc này rất ì ạch, cơ bản bế tắc.
Qua theo dõi được biết, đến cuối năm 2020 việc thẩm định, phê duyệt phương án rà soát, xử lý tài sản, nhà đất theo Nghị định 167/2019/NĐ-CP và phương án sử dụng đất theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP cơ bản đã hoàn thành. Những tưởng đây là bước đệm hoàn hảo để mở toang cánh cổng “lên chuyên”, dù vậy niềm tin mới manh nha đã tắt ngúm. Hỏi ra mới biết, giai đoạn 2016 - 2023 chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về việc đấu giá vốn góp vào Công ty TNHH 2TV trở lên.
Mãi đến ngày 12/1/2024, Nghị định số 04/2024/NĐ-CP của Chính phủ mới được ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014, nút thắt lúc này mới “le lói” lời giải. Dù vậy đó chỉ là điều kiện cần, để về đích còn cả núi áp lực chất chồng phía trước.
Ở diễn biến khác, chặng đường cổ phần hóa của Công ty TNHH MTV Cà phê cao su Nghệ An xem ra còn ghập ghềnh, chông gai hơn nhiều. Phải qua rất nhiều bước đơn vị này mới hoàn tất được việc thẩm định, phê duyệt phương án rà soát, xử lý tài sản, nhà đất theo quy định hiện hành. Dù vậy đến công đoạn xác định giá trị doanh nghiệp thì bế tắc toàn tập (không thể tiến hành xử lý tài sản đối với vườn cam Nghi Ân - PV).
Trầy trật suốt bao năm vẫn dậm chận ở vạch xuất phát khiến các toan tính đổ sông đổ bể, mọi thứ cứ thế tệ dần theo. Mơ hồ về tương lai đồng nghĩa không thể đầu tư mạnh tay, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh chỉ quẩn quanh dưới dạng cầm chừng, sự thể kéo dài khiến tình hình tài chính của Công ty TNHH MTV Cà phê cao su Nghệ An và nhiều doanh nghiệp khác rơi vào chiều hướng đáng quan ngại. Đây thực sự là điều đáng tiếc khi số đông đều sở hữu bạt ngàn đất đai màu mỡ.
Theo số liệu thống kê, hiện Công ty Cà phê cao su Nghệ An đang nợ vốn vay AFD tầm 9,6 tỷ đồng và khoảng 208.000 euro, nợ tiếp vốn vay Chương trình 327 hơn 700 triệu đồng. Bao năm trong cảnh “ăn đong”, chưa chủ động cân đối thu chi tất sẽ khó hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, lũy kế qua nhiều năm đã suýt soát 20 tỷ đồng.
Từ diễn biến chung thấy rằng việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn Nghệ An không dễ, trước mắt còn rất nhiều việc phải làm.
Theo Sở NN-PTNT, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu phương án cổ phần hóa của Công ty TNHH MTV Cà phê cao su Nghệ An, đồng thời rà soát lại tiêu chí, điều kiện của 3 Công ty Xuân Thành, An Ngãi, 1/5 Nghệ An theo Nghị định 04/2024/NĐ-CP để có phương án tham mưu hiệu quả. Trong khi đó, Sở TN-MT có trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện, các công ty nông, lâm nghiệp để hướng dẫn, đôn đốc lập hồ sơ xin giao đất, cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.
Không gồng gánh nổi kinh phí “nợ đọng”, hàng năm các công ty đều làm công văn gửi đến cơ quan chủ quản của các chương trình cho vay trước đây (Bộ Tài chính, Tổng Công ty cà phê Việt Nam, Ngân hàng phát triển Việt Nam…) đề nghị xem xét, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo hướng “cho phép xóa toàn bộ số nợ tồn đọng” (?!)