| Hotline: 0983.970.780

Nghề 'ăn sóng nằm gió' với nỗi lo canh cánh

Thứ Năm 31/08/2017 , 07:45 (GMT+7)

Nuôi ngao chỉ cần có diện tích bãi biển, đảm bảo được vấn đề môi trường thì “một vốn, bốn lời”. Tính ra, mỗi ha ngao, người nuôi có thể lãi ròng 200 triệu đồng/năm. Thế nhưng, với nghề nuôi ngao, đúng là “thành sự tại thiên”…

Điển hình

Vào nghề từ năm 2000, ông Trần Ngọc Hoàng ở thôn Tân Xuân, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu trở thành một trong những người nuôi ngao sớm nhất tại Nghệ An. Đến nay, ông có trong tay 70ha ngao giống và thương phẩm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập 7 - 10 triệu đồng/người/tháng, mỗi năm thu lãi 6 - 7 tỷ đồng. Nhờ nuôi ngao, ông Hoàng xây được biệt thự, sắm xe hơi đắt tiền và có của ăn của để.

09-58-50_nuoi_ngo_l_nghe_n_song_nm_gio_4
Nghề nuôi ngao luôn đối mặt khó khăn

Là người thâm niên trong nghề, ông Hoàng có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, phòng bệnh cho ngao. Ông phân các vùng nuôi bằng lưới xăng-ty-len để hàng tháng kiểm tra tốc độ phát triển từng vùng, phân tích nguyên nhân và rút kinh nghiệm. Ngay trong nhà của mình, hàng tháng ông đều lấy ngao từ các vùng nuôi khác nhau để làm “tiêu bản” lưu trữ đúc rút kinh nghiệm. Từ đó, vùng nào thả mật độ cao, thấp, ông ghi chép cẩn thận để những mùa sau áp dụng.

Nói là nghề “bở ăn” nhưng người nuôi ngao phải tính toán hết sức chi li từ mật độ thả, cách chăm sóc, quan sát sinh trưởng, phát triển con ngao. Ngày nào cũng đi hết diện tích nuôi để kiểm tra xem ngao có dấu hiệu nhiễm bệnh không, mật độ nuôi có giảm hay ngao có bị chết không.

Với ông Hoàng, trong diện tích nuôi của gia đình, ông thường thả 350 con/m2 (8.750 đồng) + 12% chi phí khác như nhân công, máy móc, thuê mặt bằng… tổng chi chưa đến 10.000 đồng/m2. Sau 2 năm, ông thu về 5kg ngao thương phẩm/m2 (70 con/kg), bán được 50.000 đồng. Tính ra, mỗi ha ngao ông thu về 500 triệu đồng, lãi ròng 400 triệu đồng/2 năm (200 triệu đồng/ha/năm).

Theo ông Hoàng, khi đã nuôi được trên 1 năm tuổi, nếu có chết “tàn canh” thì người nuôi vẫn có thể thu hoạch nhanh số ngao còn sống và có lãi.

Không chỉ nuôi ngao thương phẩm, ông Hoàng còn nuôi ngao giống để cung ứng cho các hộ có nhu cầu trong vùng nuôi, lãi ròng gấp 1,5 lần nuôi ngao thương phẩm. Để có nguồn con giống chất lượng, ông đặt mua giống ngao Đài Loan được ươm tại các trại giống ở Nam Định, Ninh Bình. Theo ông, các giống ngao nội hiện nay chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ sống thấp, tốc độ lớn chậm nên người nuôi ít lãi.

Thông thường sau khi nhận ngao giống, ông nuôi 3 tháng sau đó bán lại cho các hộ nuôi, số còn lại thả trên diện tích nuôi của gia đình.

09-58-50_nuoi_ngo_l_nghe_n_song_nm_gio
Nuôi ngao là nghề "ăn sóng nằm gió"

Ông Hoàng nhẩm tính: “Với ngao giống có trọng lượng 6 vạn con/kg, tôi thường thả với mật độ 4.000 - 5.000 con/m2. Sau 3 tháng nuôi, ngao đạt trọng lượng 1.000 con/kg thì xuất bán với giá 22.000 đồng/kg. Lúc này, mỗi m2 chứa được 5kg ngao giống. Tính ra, mỗi ha ngao từ lúc nhận giống đến lúc xuất bán giống (3 tháng - PV) sẽ thu về 50 tấn, giá trị trên 1 tỷ đồng, lãi hơn nhiều, thời gian thu hồi vốn chỉ bằng 1/8 so với nuôi ngao thương phẩm”.
 

Thiệt hại, do đâu?

Vài năm lại đây, không phải hộ nuôi ngao nào ở Quỳnh Lưu cũng lãi lớn, không ít trong số họ may mắn lấy lại được vốn, nhiều hộ trắng tay.

Theo thống kê, chỉ tính riêng 2 xã Quỳnh Long và Quỳnh Thuận hiện có gần 40 hộ nuôi ngao với diện tích gần vài trăm ha. Những năm gần đây, khi diện tích nuôi ngao tăng nhanh, nguồn nước ngày càng ô nhiễm, tỷ lệ ngao chết cao khiến người nuôi ngao khốn khó.

Theo lịch, ngao thường được thả nuôi vào dịp đầu mùa hè. Đây cũng là thời điểm nhiều xưởng chế biến hải sản nằm ven biển bắt đầu hoạt động mạnh. Nguồn nước thải xả ra khiến ngao chậm lớn, nhiều thời điểm ngao chết hàng loạt. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ những nguyên nhân khác nhưng khi chưa có câu trả lời thích đáng cho hiện tượng ngao chết, người nuôi ngao đổ mọi nguồn cơn lên các công ty, xưởng chế biến cá.

Theo ông Hoàng, 3 năm lại đây, tỷ lệ ngao chết tăng lên, số sống sót phát triển kém. Có những thời điểm ngao chết hàng loạt, sau khi thủy triều rút, ngao nổi lên trắng bãi cát khiến người nuôi “nát lòng”.

09-58-50_ong_hong_xy_dung_tieu_bn_ngo_trong_nh_minh_de_rut_kinh_nghiem_nuoi
Ông Hoàng xây dựng tiêu bản ngao để rút kinh nghiệm nuôi

Biết chúng tôi muốn mục sở thị bãi ngao hàng chục ha, ông Hoàng khuyên nên để xe lại trên bờ. Ông chở chúng tôi trên chiếc xe máy cà tàng đi thăm bãi ngao khi mặt trời vừa lên nửa cây sào.

“Người nuôi ngao có thể sắm được xe 4 bánh đắt tiền, xây được nhà lầu, biệt thự nhưng đã xuống bãi ngao là phải chạy xe cà tàng, quần xắn cao hơn đầu gối. Chứ xe máy đẹp, xịn mà đi trên bãi biển cũng chỉ được vài bữa là nước muối bám vào, hỏng hết. Đã nuôi ngao là phải xác định ăn sóng, nằm gió chứ chẳng phải chơi”, ông Hoàng tâm sự.

Ông Hoàng dẫn chúng tôi đi khắp các bãi ngao của các hộ nuôi trong hai xã Quỳnh Long, Quỳnh Thuận rồi dừng lại trên diện tích nuôi của gia đình bà Lê Thị Hòa, thôn Đại Tân, xã Quỳnh Long.

09-58-50_thu_hoch_ngo_thu_cong
Thu hoạch ngao thủ công
Rời bãi ngao Quỳnh Long, Quỳnh Thuận, chúng tôi đến các vùng nuôi ngao khác của các huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai. Ở đâu chúng tôi cũng nghe người nuôi ngao kể khổ. Phải chăng đã đến lúc cần có những nghiên cứu thiết thực để người nuôi ngao ven biển yên tâm và giảm bớt thiệt hại!

Lấy chân dẫm xuống bãi cát liên tục khoảng 5 phút, những con ngao trắng, to bằng chiếc cúc áo trồi lên khỏi mặt cát, ông Hoàng để lên bàn tay và phân tích: “Bãi nuôi ngao của Quỳnh Thuận và Quỳnh Long sát nhau, cùng thả một thời điểm, cùng con giống do tôi xuất, gần như cùng một môi trường sống, thức ăn tự nhiên. Nhưng anh quan sát thì có thể thấy, ngao ở bãi ngao này nhỏ hơn ở những bãi ngao khác, vỏ ngao nhiều chấm đen.

Sau nhiều năm theo dõi, phân tích, tôi rút ra kết luận, đây là vị trí xả thải nước chế biến hải sản của một đơn vị đóng trên địa bàn 5 năm nay và cũng là điểm thoát nước khu dân cư một số thôn của xã Quỳnh Long. Nguồn nước này không đáp ứng yêu cầu khiến ngao chậm lớn, dễ nhiễm dịch bệnh. Nếu lấy đây là điểm trung tâm thì càng đi xa bao nhiêu, ngao càng nhanh lớn bấy nhiêu, ít chết, ít dịch bệnh”.

Thấy chúng tôi xoay quanh một ống xả thải chôn ngầm dưới bãi cát đang rỉ nước đem ngòm, bà Hòa quả quyết: “Đây là ống xả thải của Cty TNHH Hoàng An, một công ty chế biến hải sản đóng tại thôn Thành Công, xã Quỳnh Long. Đầu năm nay, tôi thả 4,5ha ngao, mất 270 triệu đồng tiền giống. Từ tháng 2 - 5, ngao chết dần, chết mòn, nay chỉ còn khoảng 30% số con giống. Số sống được cũng không lớn được. Chúng tôi không nghĩ hoàn toàn do nước xả thải của công ty này mà còn do nước sinh hoạt, số hộ nuôi ngày một tăng nên nguồn nước bị ô nhiễm. Vài năm nay nuôi ngao khó lắm, dễ phải bỏ nghề mất thôi chú!”.

09-58-50_thu_hoch_ngo_bng_my_co
Thu hoạch ngao bằng máy cào

Đi khắp vùng ngao xã Quỳnh Long, Quỳnh Thuận, chúng tôi đều nghe tiếng thở dài của người nuôi ngao. Từ đầu năm 2017 đến nay, riêng hộ ông Trần Ngọc Hoàng thiệt hại khoảng 1,8 tỷ đồng do ngao giống bị chết. Số hộ nuôi thiệt hại vài ba trăm triệu đồng thì đếm không xuể.

Trước tình trạng trên, tháng 6/2017, 11 hộ nuôi ngao đã gửi đơn lên UBND xã Quỳnh Long đề nghị làm rõ trách nhiệm của Cty TNHH Hoàng An. Tuy nhiên, giữa các bên đã không làm rõ được nguyên nhân, phía Cty hứa sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống xả đạt chuẩn vào tháng 7/2017.

09-58-50_niem_vui_duoc_mu_ngo
Niềm vui được mùa ngao

 

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất