| Hotline: 0983.970.780

Hàng ngàn tấn ngao chết, dân khốn đốn

Thứ Năm 02/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

Hàng ngàn tấn ngao thương phẩm đã đến thời kỳ cho thu hoạch, hứa hẹn mang lại nguồn thu đáng kể cho các hộ dân ở 2 huyện Nghi Lộc và Quỳnh Lưu (Nghệ An). Chẳng ai ngờ, ngao chết trắng bãi chỉ trong thời gian rất ngắn.../ Ngao chết đồng loạt tại Hà Tĩnh

Ngao chết bất thình lình

Báo cáo của Chi cục Thú y Nghệ An cho hay, đến ngày 24/3 tổng diện tích nuôi ngao bị chết là 115,7 ha, trong đó huyện Quỳnh Lưu bị thiệt hại lớn nhất với 102 ha, tập trung ở 5 xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Long, Quỳnh Thuận, An Hòa và Sơn Hải.

Ngao tại các vùng nuôi có tuổi đời từ 3 đến 18 tháng, tỷ lệ chết từ 40-50%, ước thiệt hại khoảng 2.000 tấn.

Theo phản ánh của bà con, tình hình dịch bệnh năm nay vượt sức tưởng tượng, mọi thứ diễn ra quá nhanh khiến họ không kịp trở tay.

Trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Hoàng, trú tại thôn Tân Xuân, xã Quỳnh Thuận, buồn rầu cho biết: Tôi là một trong những người đầu tiên trên địa bàn du nhập giống ngao Bến Tre về nuôi, dù có lúc được lúc mất nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ gặp phải tình cảnh như thế này, bao nhiêu công sức, tiền của đi tong chỉ sau 5 ngày (1-5/3).

“Cuối tháng 2 có hiện tượng xác ngao giấy, cá, ốc và nhuyễn thể từ ngoài biển trôi dạt vào bãi nuôi, nước biển lúc đó bỗng chuyển sang màu đỏ đục, sau khi thủy triều rút thì chúng tôi phát hiện thấy nhiều diện tích ngao yếu bất thường, nhiều con không khép được vỏ và sau đó thì chết đồng loạt”, ông Hoàng cho biết thêm.

Được biết, gia đình ông Hoàng phất lên nhờ ngao nhưng riêng vụ này thì ăn trái đắng vì trót đầu tư quá nhiều.

Nhà ông nhận thầu tổng cộng gần 60 ha, nuôi cùng lúc ở 3 xã Quỳnh Thuận, Sơn Hải và Quỳnh Thọ, chi phí cho mỗi ha dao động từ 25-30 triệu đồng, ngao chết đợt này khiến ông Hoàng mất trắng 3 tỷ đồng.

Ông Thái Bá Khang (thôn 8, xã Sơn Hải) một hộ nuôi ngao khác có tiếng trong vùng cũng không tránh được thua lỗ. Diện tích ngao nuôi được gần 15 tháng, sắp cho thu hoạch nhưng đến thời điểm hiện nay số còn sống chỉ còn chưa đầy 30% diện tích, hàng tỷ đồng bỗng chốc “đội nón” ra đi...

10-41-10_1
Xác ngao chết dày đặc ở xã Sơn Hải

Qua tìm hiểu được biết, trong quá trình triển khai, nhiều gia đình đã tự ý cơi nới, mở rộng vùng nuôi nhằm tăng thêm thu nhập nên chắc hẳn diện tích ngao bị chết không chỉ dừng lại ở con số 115,7 ha, thiệt hại vì thế cũng sẽ cao hơn nhiều...

Để có tiền đầu tư, ông Hoàng Anh (thôn 4, xã Sơn Hải) phải cầm cố nhà cửa, vay mượn ngân hàng tổng cộng 500 triệu đồng, những tưởng sau gần 2 năm chăm sóc, hơn 10 tấn ngao thịt và 1 tấn ngao giống đến kỳ cho thu hoạch sẽ giúp ông trang trải nợ nần, nào ngờ.

“Đấy chú xem, hai bãi ngao giờ khác nào bãi đất trống, miếng cơm đã đến tận mồm còn bị cướp mất thì còn gì đau xót bằng”, ông Hoàng Anh nói.

Ngày 15/3, lực lượng chức năng cũng phát hiện có 10,7 ha ngao 17 tháng tuổi của 7 hộ trên địa bàn xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc chết hàng loạt với những dấu hiệu tương tự.

Không sâu sát và thiếu trách nhiệm! 

Ông Đặng Văn Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An cho biết, ngày 17/3/2015, Chi cục đã chỉ đạo Trạm Thú y huyện Quỳnh Lưu lấy 4 mẫu ngao ở 2 bãi nuôi của xã Sơn Hải và Quỳnh Thọ gửi đi xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh.

Theo phân tích ban đầu của Chi cục Thú y, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ngao chết hàng loạt có thể do môi trường nước biển ở vùng nuôi bị ô nhiễm từ nguồn nước thải công nghiệp hoặc do hiện tượng “thủy triều đỏ” từ tảo độc ở biển tràn vào bờ.

10-41-10_3
Ông Hoàng Anh thất thần bên bãi ngao

"Ngày 29/3, sau khi kiểm tra mẫu bệnh phẩm, Trung tâm Chẩn đoán Thú y TW kết luận nguyên nhân tình trạng ngao chết hàng loạt là do bệnh ký sinh nội bào, còn các yếu tố trong nước thì chưa thấy phản ứng gì. Trước mắt, Trạm đã hướng dẫn bà con tiến hành làm sạch bãi nuôi để chuẩn bị cho những vụ sau", ông Đậu Đăng Định, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Quỳnh Lưu.

Bên cạnh đó, ngao là loài thủy sản được nuôi ở các bãi cát bồi ở vùng cửa lạch, hệ thống nuôi hở, thức ăn hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên nên nguy cơ nhiễm bệnh cũng lớn hơn các loại con nuôi thông thường khác.

Tình trạng ngao chết bất thường với số lượng lớn nói trên lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn Nghệ An. Nhưng lạ một nỗi phải nửa tháng sau mới thấy bóng dáng cơ quan chức năng tiếp cận hiện trường.

Đại diện Chi cục Thú y cho rằng nguyên nhân chậm trễ do lỗi của chính quyền địa phương.

Ông Đậu Đăng Định, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Quỳnh Lưu nói, việc ngao chết hàng loạt đã diễn ra từ đầu tháng nhưng phải đến tận ngày 17/3, UBND xã Sơn Hải, địa phương có diện tích nuôi ngao lớn nhất huyện Quỳnh Lưu mới có báo cáo chính thức.

Khi đó Trạm Thú y mới biết để bố trí người xuống kiểm tra tình hình và lấy mẫu, đồng thời phát hiện thêm nhiều diện tích ngao nhiễm bệnh tại các xã Quỳnh Long, Quỳnh Thọ, An Hòa và Quỳnh Thuận.

Mang những thắc mắc nói trên tìm đến gặp ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải, thì vị này quả quyết ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường đã lập tức thông báo cho lãnh đạo huyện bằng điện thoại.

Rồi ông Hùng trả lời nước đôi: “Nuôi ngao không đơn giản như nuôi tôm, chỉ sau 1 vài tiếng thì thủy triều cuốn đi sạch, muốn lấy mẫu cũng phải chờ nước rút nên báo cáo sớm hay muộn thì Trạm Thú y cũng không thể xử lý kịp”.

Chính quyền địa phương thờ ơ, thiếu trách nhiệm, trong khi cơ quan chức năng chưa thực sự sâu sát vô hình chung đẩy các hộ dân vào tình cảnh chơ vơ.

Một hộ dân nuôi ngao âu sầu: “Một vài diện tích nhỏ lẻ nhiễm bệnh là chuyện bình thường trong quá trình nuôi, nhưng chết ngả rạ như năm nay thì chưa hề có tiền lệ, sự việc xảy ra quá đột ngột khiến nhiều hộ lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần đầm đìa. Hơn lúc nào hết, chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ thiết thực từ các cấp, ban ngành để có cơ hội làm lại...”.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.