| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ

Thứ Ba 29/11/2022 , 10:35 (GMT+7)

Nằm ở trung tâm Bắc Trung Bộ cùng quỹ đất nông nghiệp dồi dào, màu mỡ, Nghệ An xác định lấy nông nghiệp hữu cơ làm trọng tâm, tạo đà phát triển KT-XH.

Nghệ An lựa chọn phát triển nông nghiệp hữu cơ làm đòn bẩy để tạo đột phá. Ảnh: Thanh Nga.

Nghệ An lựa chọn phát triển nông nghiệp hữu cơ làm đòn bẩy để tạo đột phá. Ảnh: Thanh Nga.

Nhu cầu cấp thiết

Nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ cùng lúc mang lại nhiều lợi ích căn bản: Đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng; không gây ảnh hưởng đến môi trường; tạo lập giá trị kinh tế cao hơn các sản phẩm thông thường; kết hợp với các loại hình kinh tế khác để mang lại thu nhập cao hơn cho người sản xuất.

Chính phủ, Bộ NN-PTNT xác định nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế và sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới, đồng thời là một trong những giải pháp khả thi trong việc ứng phó với quá trình biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt. Trên tinh thần đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030.

Nghệ An, tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn (1.484.680 ha, chiếm 90% diện tích tự nhiên) cùng nhiều sản phẩm đa dạng, đặc trưng được đánh giá hội tụ đầy đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Ý thức được thế mạnh trời ban, thời gian qua Nghệ An đã chủ động “làm mới” môi trường đầu tư thông qua những chính sánh ưu đãi, thông thoáng, nhờ đó đã kêu gọi thành công hàng loạt “đại bàng” về làm tổ (Tập đoàn TH, Công ty sữa Vinamilk, Tập đoàn Masan) cùng nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ.

Lươn là sản phẩm có lợi thế của Nghệ An. Ảnh: Thanh Nga.

Lươn là sản phẩm có lợi thế của Nghệ An. Ảnh: Thanh Nga.

Số đông chuyên gia nhận định, Nghệ An có nhiều sản phẩm đặc sản, đặc trưng, có lợi thế (lúa gạo, rau thực phẩm, trái cây, dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, trâu, bò, lợn, dê, gia cầm, tôm, cá, lươn, rươi...) nếu biết cách vận dụng, đủ sức gắn trên mình thương hiệu nông nghiệp hữu cơ, từ đó tạo ra hàng hóa có chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Dù vậy bức tranh nông nghiệp hữu cơ ở Nghệ An vẫn có những gam màu trầm, thực tế thì nguồn lực đầu tư, hệ thống quản lý, kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào, quy trình sản xuất trên địa bàn vẫn khá hạn chế…

Từ đòi hỏi đặt ra, việc xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2030 là cần thiết, sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn, đồng thời rút ngắn quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Thời cơ chín muồi

Nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, có các tuyến giao thông quan trọng đi qua (QL 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam; QL 7, QL 46, QL 48 nối với nước bạn Lào qua các cửa khẩu Nậm Cắn, Thanh Thủy, Thông Thụ; Đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông và quốc lộ ven biển đang thi công; có sân bay Quốc tế Vinh, cảng biển Cửa Lò, Nghi Thiết... tất cả tạo cho Nghệ An vận hội lớn để phát triển KT-XH, bao gồm cả lĩnh vực NN-PTNT thông qua ứng dụng công nghệ cao, nền tảng hữu cơ.

Nhắc đến nông nghiệp không thể bỏ qua yếu tố thổ nhưỡng, Nghệ An với điều kiện đặc thù có thể phân thành 2 nhóm đất chính: Đất thủy thành và đất địa thành.

Đất thuỷ thành của Nghệ An có quy mô 247.774 ha, chiếm 16% diện tích thổ nhưỡng toàn tỉnh, nhóm đất này phân bổ chủ yếu ở các huyện đồng bằng ven biển, trong đó 184.630 ha thuộc loại đất phù sa và đất cát. Đất cát thích hợp cho trồng màu, cây hàng năm khác, khi sử dụng nhà nông nên triển khai dưới dạng xen canh, gối vụ để đảm bảo độ phì của đất, đồng thời hạn chế quá trình rửa trôi. Trong khi đó, đất phù sa thích hợp trồng lúa nước và rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày và một số loại cây ăn quả truyền thống như na, ổi...

Từ những lợi thế sẵn có, Nghệ An đã hình thành được nhiều hệ thống nhà màng, nhà lưới trồng rau sạch theo hướng hữu cơ. Ảnh: Thanh Nga.

Từ những lợi thế sẵn có, Nghệ An đã hình thành được nhiều hệ thống nhà màng, nhà lưới trồng rau sạch theo hướng hữu cơ. Ảnh: Thanh Nga.

Phần 1.325.008 ha còn lại, chiếm 84% diện tích thổ nhưỡng là đất địa thành, tập trung chủ yếu ở vùng núi (khoảng 74%). Trong dạng này nổi bật là đất đỏ vàng phát triển trên đá phiến thạch sét (433.357 ha), phân bổ rộng khắp ở các huyện Tương Dương, Con Cuông, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương, Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp, rất phù hợp để phát triển cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả. Bám vào đây, nhiều địa phương như Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn đã nhân rộng, hình thành “thủ phủ’ cây ăn quả có múi nức tiếng dải đất miền Trung.

Không chỉ có thế, mật độ sông suối tương đối lớn cũng là lợi thế khác của Nghệ An. 6 con sông trực tiếp đổ ra biển, lớn nhất là sông Cả với tổng diện tích lưu vực là 27.200 km2, dài 531 km, bắt nguồn từ Thượng Lào, đổ ra biển Đông tại Cửa Hội, kết hợp hệ thống kênh đào tạo điều kiện dẫn nước ngọt, ngăn mặn và phục vụ thuỷ lợi cho các huyện ven biển. Trong khi đó, hệ thống Thuỷ lợi Bắc, Thuỷ lợi Nam, các hồ chứa... có nhiệm vụ cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt và điều hoà nước, khí hậu tiểu vùng.

Đưa ra một vài dẫn chứng để thấy đây là thời điểm chín muồi để Nghệ An làm cách mạng về nông nghiệp hữu cơ, từ đó đưa ngành nông nghiệp địa phương lên một tầm cao mới.

Đến năm 2021 toàn tỉnh có trên 47 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ được cơ quan chuyên ngành chứng nhận đạt chuẩn, ngoài ra có khoảng 1.500 ha  khác sản xuất sạch (lúa 355 ha, rau củ quả 335 ha, cây ăn quả 295 ha, chè 280 ha, dược liệu 235 ha; nuôi trồng thủy sản 110 ha), chăn nuôi sạch (đàn trâu 1.000 con; đàn bò thịt 1.200 con; đàn lợn 4.500 con; đàn dê 2.200 con; đàn gà 30.000 con…) cũng theo hướng hữu cơ.

Nhiều doanh nghiệp lớn với hệ thống công nghệ hiện đại như Tập đoàn TH (Trang trại chăn nuôi bò sữa TH, Công ty FVF, Công ty Dược liệu TH, Công ty Dược liệu Mường Lống); Công ty TNHH Vitamin D2 Organic; Công ty CP Dược liệu Phù Mát... gia nhập cuộc chơi được xem là tiền đề để mô hình nông nghiệp hữu cơ lan tỏa nhanh hơn nữa trong thời gian tới.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất