| Hotline: 0983.970.780

Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Thứ Tư 17/04/2024 , 09:47 (GMT+7)

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Dù không giáp biển nhưng Bình Phước có nhiều thuận lợi phát triển nghề nuôi chim yến. Ảnh: Trần Trung.

Dù không giáp biển nhưng Bình Phước có nhiều thuận lợi phát triển nghề nuôi chim yến. Ảnh: Trần Trung.

Nỗ lực chinh phục thị trường quốc tế

Nói đến yến sào người ta thường nhớ ngay đến những thương hiệu nổi tiếng gắn với các vùng đất giáp biển như Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Thuận… Nhưng ngay tại mảnh đất “xa biển gần đồi”, xứ sở cao su như Bình Phước, nghề nuôi chim yến sinh sôi nảy nở ngày một hiệu quả.

Theo đó, nghề nuôi chim yến lấy tổ ở Bình Phước hình thành từ năm 2004. Những năm gần đây, Bình Phước nở rộ phong trào nuôi chim yến vì đây là nghề mang về lợi nhuận cao. Tính đến nay, trên địa bàn Bình Phước có khoảng 1.400 nhà dẫn dụ nuôi chim yến.

Đáng chú ý, nhờ kế thừa và tích luỹ kinh nghiệm, nhiều doanh nghiệp yến sào của Bình Phước đã chủ động đầu tư công nghệ hiện đại vào dẫn dụ chim yến, chuẩn hóa quy trình chế biến, cải tiến bao bì sản phẩm để không chỉ cung ứng thị trường nội địa mà các doanh nghiệp ngành yến cũng đang nỗ lực hướng đến chinh phục thị trường quốc tế bằng sản phẩm chất lượng.

Bên trong xưởng chế biến yến tinh của Công ty Nhật Tiên. Ảnh: Trần Trung.

Bên trong xưởng chế biến yến tinh của Công ty Nhật Tiên. Ảnh: Trần Trung.

Công ty TNHH Yến sào Nhật Tiên, phường Tân Thiện, TP. Đồng Xoài là một trong những đơn vị tiêu biểu của tỉnh Bình Phước, bắt đầu xây nhà nuôi và dẫn dụ chim yến từ cách đây gần 10 năm. Đến nay, Công ty đã xây dựng chuỗi liên kết gồm 10 nhà nuôi yến tại các huyện Bù Đăng, Đồng Phú, với sản lượng khoảng 1,2 tấn yến thô/năm.

Dẫn chúng tôi thăm dây chuyền từ sản xuất đến chế biến hiện đại theo chuẩn châu Âu, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Nhật Tiên cho biết, Bình Phước được thiên nhiên ban tặng khí hậu ôn hòa quanh năm cùng với diện tích rừng cây tự nhiên, cây trồng lớn là điều kiện lý tưởng thu hút yến thiên nhiên sinh sống. Do vậy, nghề xây nhà nuôi chim yến và dẫn dụ yến về ở để thu tổ yến thương phẩm đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Công ty nói riêng và người nuôi yến tại địa phương nói chung.

Với nguồn nguyên liệu sẵn có, nhằm tăng thêm giá trị ngành yến, Công ty đã đầu tư chế biến sản phẩm từ tổ yến hơn 6 năm nay. Hướng đến sản xuất dòng sản phẩm cao cấp nên doanh nghiệp có sự chuẩn bị rất kỹ về nguyên liệu, bố trí nhà xưởng theo quy trình 1 chiều, không chỉ mang đến cho người dùng những tổ yến nguyên chất 100% mà mục tiêu lớn hơn là chinh phục thị trường quốc tế.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, hiện sản phẩm của doanh nghiệp đã được Chi cục Thú y vùng VI kiểm tra và kết luận đủ điều kiện để xuất khẩu. Lộ trình Công ty đề ra là phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ được Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu.

Không chỉ mang đến cho người dùng những tổ yến nguyên chất 100%, Công ty Nhật Tiên đặt mục tiêu chinh phục thị trường quốc tế. Ảnh: Trần Trung.

Không chỉ mang đến cho người dùng những tổ yến nguyên chất 100%, Công ty Nhật Tiên đặt mục tiêu chinh phục thị trường quốc tế. Ảnh: Trần Trung.

Các ngành cùng vào cuộc

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, ngành yến sào đóng góp một số vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của tỉnh Bình Phước. Ngành nuôi chim yến tạo việc làm cho người dân, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Nông dân nuôi yến có thể tăng thu nhập từ việc bán yến thô, yến tinh chế, và các sản phẩm liên quan. Yến sào là một nguồn thực phẩm cao cấp, giàu dinh dưỡng. Việc phát triển ngành yến sào giúp đa dạng hóa nông nghiệp và tạo sự cân bằng về kinh tế.

Nhiều đoàn công tác đến Bình Phước tìm hiểu nghề nuôi và sản phẩm từ chim yến. Ảnh: Trần Trung.

Nhiều đoàn công tác đến Bình Phước tìm hiểu nghề nuôi và sản phẩm từ chim yến. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trần Quốc Duy - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước cho biết thêm, để sản phẩm yến sào trở thành loại nông sản tiêu biểu, chủ lực, đặc trưng của tỉnh, cùng với quy hoạch vùng nuôi, việc đẩy mạnh xuất khẩu tổ yến đang là hướng đi cần thiết trong thời điểm hiện nay nhằm tạo đầu ra ổn định và thúc đẩy nghề nuôi chim yến phát triển bền vững.

“Chúng ta cần một lộ trình và phải được hoạch định từ bây giờ. Để làm được điều đó, không chỉ Trung tâm mà các sở, ngành liên quan cũng cần vào cuộc để thúc đẩy những nguồn lực mang tính tiềm năng trong tương lai để có thể hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp yến sào, những người tham gia vào quy trình sản xuất yến sào tại Bình Phước. Không chỉ cung cấp tri thức, kiến thức, kỹ năng kinh doanh, sản xuất mà chúng ta phải kết nối với các đối tác để hỗ trợ doanh nghiệp yến sào phát triển ngày càng bền vững hơn”, ông Trần Quốc Duy nhấn mạnh.

Ông Trần Quốc Duy (áo trắng) giới thiệu sản phẩm yến sào Bình Phước với đoàn công tác nước bạn Lào. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trần Quốc Duy (áo trắng) giới thiệu sản phẩm yến sào Bình Phước với đoàn công tác nước bạn Lào. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, hiện nay, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đang triển khai hướng dẫn xây dựng mã, cơ sở đóng gói chế biến tổ yến đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, từ đó sẽ góp phần tăng thêm giá trị và hiệu quả của ngành yến.

“Dù đang trong những bước đầu của hành trình đưa tổ yến Bình Phước ra thế giới bằng con đường chính ngạch, nhưng với tiềm năng lớn, yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu đáng kể cho Bình Phước”, ông Trần Văn Phương nhấn mạnh.

Từ ngày 15 - 21/4/2024, lần đầu tiên tỉnh Bình Phước tổ chức riêng một ngày hội cho ngành yến sào, với sự phối hợp giữa Sở NN-PTNT, Hội Nông dân tỉnh Bình Phước và Hiệp hội Yến Sào Việt Nam. “Ngày hội Yến sào” nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành yến sào và nông nghiệp tỉnh Bình Phước, đồng thời tạo điều kiện cho cộng đồng các doanh nghiệp, chuyên gia và nông dân trong lĩnh vực yến sào kết nối và chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp đưa yến sào Bình Phước vươn khơi.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.