Sherman, 52 tuổi, phải thở oxy ba ngày tại một bệnh viện ở New York, Mỹ, hồi giữa tháng ba trước khi được xuất viện điều trị ngoại trú và trở về nhà tại khu Williamsburg, Brooklyn, cùng vợ, Jodi Sheeler, và hai con, Maisy, 8 tuổi, và Milo, 11 tuổi, theo Wall Street Journal.
“Tôi cảm thấy mình có nghĩa vụ phải giúp đỡ khi mà tôi đã vượt qua được căn bệnh”, Sherman hồi đầu tháng chia sẻ.
Rất nhiều người khác cũng có chung suy nghĩ với ông. Bệnh viện Mount Sinai ở New York, nơi Sherman tình nguyện hiến huyết tương, là một trong 34 cơ sở trên khắp nước Mỹ tham gia Dự án Huyết tương chống Covid-19. Dự án này tìm kiếm nguồn huyết tương hiến tặng từ những bệnh nhân từng dương tính với SARS-CoV-2 nhưng đã hồi phục và đã qua 21 ngày không xuất hiện triệu chứng.
Các nhà nghiên cứu muốn bệnh nhân hiến huyết hương bởi nó có thể được truyền cho những người bị bệnh nặng, giúp họ chống đỡ trước đòn tấn công của SARS-CoV-2.
“Vấn đề không phải là thiếu người hiến tặng”, Arturo Casadevall, giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, một trong những người sáng lập dự án, cho biết. “”Vấn đề nằm ở việc xác định những người muốn tham gia dự án có thể hiến bao nhiêu”.
Những người hiến tặng tiềm năng phải không biểu hiện triệu chứng bệnh, có báo cáo xét nghiệm từng dương tính SARS-CoV-2 và sẽ được xét nghiệm lại để đảm bảo không còn virus trong cơ thể. Máu của họ cũng được kiểm tra lượng kháng thể và sàng lọc nhằm chắc chắn rằng không tồn tại virus gây bệnh khác như viêm gan hay HIV. Để hiến huyết tương, họ phải đáp ứng các yêu cầu hiến máu tiêu chuẩn, bao gồm tuổi tác, tình trạng sức khỏe chung, lịch sử đi lại gần đây.
Mount Sinai cho hay họ nhận được hơn 1.000 đơn tình nguyện trong ngày đầu phát động chiến dịch kêu gọi người hiến huyết tương.
Tại phòng khám Mayo ở Rochester, bang Minnesota, một địa chỉ email dành riêng cho người hiến được sàng lọc mỗi ngày nhằm tìm ra người đủ điều kiện nhưng phải sống ở địa phương để họ có thể tự lái xe tới phòng khám.
“Phản ứng của công chúng rất mạnh mẽ, song có rất nhiều email đến từ những người tình nguyện nhưng không đạt yêu cầu ở thời điểm hiện tại”, Nicole Bouvier, phó giáo sư tại Trường Dược Icahn thuộc bệnh viện Mount Sinai, người điều phối tình nguyện viên, cho hay. “Một số email đến từ những người thực chất chỉ muốn xét nghiệm, nhưng chúng tôi không đủ khả năng sàng lọc tất cả”.
Người hiến huyết tương phải trải qua một quá trình tương tự hiến máu. Máu được lọc trong một máy chiết xuất huyết tương, sau đó các tế bào bạch cầu và hồng cầu được trả lại cho người hiến. Các ước tính sơ bộ cho thấy lượng huyết tương lấy từ một người có thể điều trị cho hai người.
Liise-anne Pirofski, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm Đại học Y Albert Einstein và Trung tâm Y khoa Montefiore ở Bronx, New York, là một người tham gia dự án. Theo bà, các nhà khoa học chưa nắm chắc về thời gian kháng thể tồn tại trong huyết tương của bệnh nhân hồi phục khỏi Covid-19.
Lý tưởng nhất, các nhà khoa học muốn tìm đối tượng hiến là những người có lượng kháng thể rất cao. Họ tin rằng lượng kháng thể sẽ tăng lên cao nhất sau khoảng 3 đến 4 tuần từ lúc khởi phát triệu chứng.
“Với một số bệnh truyền nhiễm, kháng thể tồn tại rất lâu. Với loại virus này, chúng tôi không biết chúng tồn tại bao lâu”, bà nói.
Với Sherman, triệu chứng bệnh đầu tiên xuất hiện vào ngày 9/3. Sáng hôm đó, ông làm mọi công việc như thường ngày, đưa lũ trẻ đến trường và tham gia một lớp học thể dục. Đến chiều, ông bắt đầu thấy chóng mặt và sốt. Ông nằm xuống nghỉ ngơi nhưng không thể gượng dậy.
Tới ngày 14/3, tình hình của Sherman xấu đi. Ông nằm yên trên giường, “thở một cách cẩn thận” và chỉ uống nước, thứ duy nhất mà ông cảm thấy không giống như “trái cây thối”.
Bác sĩ gia đình khuyên Sherman tới phòng khám đa khoa địa phương, nơi ông có thể làm xét nghiệm SARS-CoV-2. Phòng khám sau đó gọi ông, bảo rằng mẫu xét nghiệm đã bị hỏng và ông phải tới để lấy mẫu lại.
Sherman được khám vào ngày 16/3. Kết quả chụp X quang ngực cho thấy ông bị viêm phổi. Sherman làm một xét nghiệm SARS-CoV-2 khác và kết quả là dương tính.
Nhưng phải đến ba ngày sau, khi ông bị khó thở và không thể trả lời câu hỏi của vợ, bác sĩ mới thúc giục ông tới phòng cấp cứu bệnh viện. Cùng ngày, Sherman nhập viện. Ông phải dùng máy thở kết hợp truyền thuốc.
Sau ba ngày, mức oxy của ông ổn định, Sherman được xuất viện và tiếp tục theo dõi, điều trị thêm 7 đến 10 ngày nữa tại nhà.
Ở nhà, Sherman cảm thấy biết ơn và thường xuyên ghi lại mọi biểu hiện, phản ứng của cơ thể. Ông sụt hơn 7 kg. “Tôi vẫn cảm thấy đau khi hít thở sâu”, ông nói.
Cuối tháng trước, Sherman nhận được tin từ bệnh viện Mount Sinai rằng ông đủ điều kiện trở thành người hiến huyết tương. Ông hoàn thành tờ phiếu khảo sát dành cho người hiến tặng tiềm năng và chờ đợi những hướng dẫn tiếp theo. “Tôi cảm thấy sẵn sàng làm bất cứ việc gì”, ông quả quyết.