| Hotline: 0983.970.780

Nghiên cứu giống: Chuyện lương ông Viện trưởng

Thứ Hai 08/12/2014 , 08:25 (GMT+7)

Cơ chế đầu tư đang ngày càng tạo nên sự èo uột, lép vế của các đơn vị nghiên cứu Nhà nước trong ngành giống so với các đơn vị, DN tư nhân. Điều này đang đặt ra bài toán mới trong việc liên kết công - tư, xã hội hóa đầu tư ngành giống.

Tại hội nghị về công tác giống cây trồng do Bộ NN-PTNT tổ chức cuối tuần qua, báo cáo về thực trạng nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi những năm gần đây không khỏi đáng suy ngẫm.

Lĩnh vực giống cây lâm nghiệp eo sèo, gần như không có giống mới nào đáng kể. Về thủy sản, toàn bộ nguồn tôm bố mẹ đến thời điểm này vẫn phải NK. Từ năm 2008 đến nay, ngành thủy sản gần như không có giống mới nào.

Về lĩnh vực giống cây trồng, đặc biệt là giống lúa, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát ái ngại: "Thời gian qua, chúng ta cho ra rất nhiều giống, nhưng các giống cứ “sêm sêm” như nhau, không có đột phá, không có đặc tính vượt trội, kém bền vững, nhiều giống chỉ đưa ra SX vài năm là mất tăm. Một số lĩnh vực như lâm đặc sản, cây làm thuốc… không có giống mới nào.

Tôm, cá tra và nhuyễn thể là 3 mũi nhọn của ngành thủy sản thì nhuyễn thể không có giống gì mới. Tỷ lệ sử dụng giống lúa kỹ thuật còn rất thấp, điển hình là ĐBSCL vẫn còn tới 70% lượng giống sử dụng do dân tự để giống”.

Trong khi đó trong lĩnh vực giống cây trồng, trong số hơn 100 giống lúa hiện nay, có tới hơn 60 giống là sản phẩm của các DN, thực tế lượng giống thương mại trên thị trường của các DN tư nhân đang chiếm đa phần so với các giống của các đơn vị khoa học Nhà nước.

Viện Cây lương thực - cây thực phẩm, đơn vị nhẽ ra phải là đơn vị đầu ngành trong SX giống lúa, nhưng nhiều năm qua không cho ra được giống nào có “tiếng tăm” trong ngành giống. Tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát không khỏi băn khoăn đặt câu hỏi: “Tại sao cũng nhà khoa học ấy, khi làm ở các viện nghiên cứu gần như không cho ra giống tốt nào, thế nhưng khi đi làm cho DN, lại cho ra giống tốt”?

“Về hành lang pháp lý, trước mắt sẽ đề nghị tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh Giống để đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi nhằm có cơ sở sửa đổi các nghị định, thông tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan.
Yêu cầu Vụ KH-CN chủ trì xây dựng chương trình giống dài hơi. Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi và các Tổng cục trước ngày 30/12/2014 phải hoàn thành báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh giống, trình đề xuất sửa đổi bổ sung.
Các đề tài, dự án về giống, sẽ phải có chương trình dài hơi để kế tục, hoàn thiện kết quả nghiên cứu trước đó, không để tình trạng đề tài 3 năm, 5 năm, làm gấp rút cho xong rồi bỏ, lại đấu thầu làm đề tài khác…”, Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Trọng Khanh, Phó Viện trưởng Viện CLT-CTP thẳng thắn lý giải: “Thưa Bộ trưởng! Lương Viện trưởng cũng chỉ có 8 triệu đ/tháng thôi, trong khi đi làm cho DN lương tới 25, thậm chí 40 triệu/tháng. Lương có 8 triệu/tháng thì khó mà có động lực để cho ra giống tốt như 25 triệu ở DN được…!”.

Viện trưởng Viện Chăn nuôi, ông Nguyễn Thanh Sơn cũng cho rằng, thực tế nhiều DN hiện nay chào mời các nhà khoa học ra làm việc cho họ, họ trả lương tới 40 triệu đ/tháng, trong khi lãnh đạo nhiều viện nghiên cứu hiện lương chỉ 8 - 10 triệu đ/tháng. Điều này khiến nhiều nhà khoa học rất chạnh lòng, còn nhân tài trẻ thì đồng loạt bỏ ra DN làm.

Về vấn đề đầu tư, Viện trưởng Viện Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn đánh giá, với thực trạng đầu tư cho nghiên cứu ở các đơn vị nhà nước như hiện nay thì khó mà có thể ra được sản phẩm giống tốt. Bởi đầu tư làm rất tốn kém, ngay cả Cty C.P hiện nay họ cũng không đầu tư SX gà ông bà tại VN mà chỉ NK gà bố mẹ về SX con F1 để nuôi mà thôi.

“Để nghiên cứu ra một giống gà tốt, một số viện nghiên cứu quốc tế hiện nay phải đầu tư khoảng 30 - 40 tỷ đồng, trong khi đầu tư nhà nước để cho ra 3 dòng gà tốt ở VN chỉ có khoảng 40 triệu đồng, như thế thì khó mà có giống tốt được”, ông Sơn lý giải.

Đồng tình quan điểm này, ông Lê Như Tuấn, GĐ Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho rằng, nghe con số mỗi năm kinh phí Nhà nước đầu tư 1.000 tỷ đồng cho nghiên cứu KH-CN của ngành nông nghiệp thì rất to, nhưng thực ra nếu thống kê xem chúng ta có bao nhiêu viện, trường, trung tâm, đơn vị nghiên cứu, chia ra mỗi nơi mỗi ít thì thực ra mỗi nơi không đáng là bao.

“Có ông cả đời mới làm ra được một giống tốt, đầu tư rất khủng khiếp, vì thế nên xem lại cơ chế đầu tư cho các đơn vị nghiên cứu nhà nước hiện nay đã hợp lí chưa”, ông Tuấn nêu ý kiến.

Trước những bế tắc về đầu tư cho khoa học trong ngành giống, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, trong điều kiện kinh phí Nhà nước hạn hẹp, cần phải gấp rút thay đổi cơ chế, theo đó cần có sự liên kết công - tư trong nghiên cứu giống.

Ông Hàng Phi Quang, TGĐ Cty CP Giống cây trồng miền Nam kiến nghị thêm: "Phải nên bỏ cơ chế đầu tư 100% kinh phí nhà nước đối với đề tài dự án giống cho các đơn vị nghiên cứu, nhất là ở các đề tài dự án dành cho DN để chuyển sang cơ chế buộc các đơn vị nghiên cứu, DN phải có vốn đối ứng nhằm tăng trách nhiệm gắn với thực tế SX, đảm bảo giống sau khi nghiên cứu phải được đưa ra SX...".

Xem thêm
Người Mông trung thành với lợn đen

YÊN BÁI Đồng bào Mông ở Yên Bái tập trung phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại giúp nâng cao thu nhập.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Trang trại nho trĩu quả bên dòng Sê San

Vài năm nay, huyện Ia Grai không chỉ nổi tiếng bởi có dòng Sê San, là vựa cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai mà còn nổi lên với những vườn nho trĩu quả.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất