| Hotline: 0983.970.780

Ngọc Chiến có hoa hồng

Thứ Ba 08/12/2020 , 16:32 (GMT+7)

Ngọc Chiến có suối khoáng nóng. Ngọc Chiến có hoa hồng. Một địa danh du lịch tựa trên ưu thế thiên nhiên và nông nghiệp mới sẽ không còn xa hút nữa…

Toàn cảnh thung lũng Ngọc Chiến

Toàn cảnh thung lũng Ngọc Chiến

Giữa chiều, dừng chân ở thung lũng Tú Lệ. Lúa đã vàng đồng, người đang hối hả gặt, nhưng ở đây vẫn còn nhiều cốm dẻo, xanh non, thơm ngát, rồi thêm xôi nếp mới với chả mộc thịt lợn nương, ăn thỏa thích như nạp cả rừng suối vào mình.

Chuẩn bị lên xe ô tô vượt đèo Khau Phạ đi lên Mù Cang Chải, ông chủ quán người gốc Thái Bình lên đây từ hồi bé con, hỏi: “Thế đêm nay các bác ngủ ở đâu?”, chúng tôi nói định đến thị trấn Mù Cang Chải, thì ông lắc lắc đầu, bảo thế là phí đi…

Ông khuyên xuống đèo Khau Phạ xong rồi thì nên rẽ tay trái, là đường vào Ngọc Chiến. Ở đấy có suối khoáng nóng, tắm xong, ở homestay, ăn cơm nhà bản người Thái, rồi sáng hôm sau quay lại, đi xem La Pán Tẩn (tiếng Mông nghĩa là ghế của nhà trời), rồi đi ngắm ruộng bậc thang Mù Cang Chải (vùng đất của rừng gỗ khô) vừa đúng lúc nắng lên đẹp, lại vừa sảng khoái vì ngủ đêm sâu giấc sau khi được tắm khoáng nóng, thưởng thức cơm rượu nhà bản, chả hơn sao? Đúng là hướng dẫn của một tour guide xuất sắc. Bọn tôi nghe theo.

Từ chân đèo Khau Phạ rẽ trái vào là đường nhỏ trải bê tông, đi hơn chục cây số, từ ngã ba Kim, qua Nậm Khắt, thêm chục cây số đường nhựa nữa, là sẽ đến Ngọc Chiến.

Đường rừng cuối chiều, hoàng hôn đang xuống, nắng như màu hổ phách rưới xuống cỏ cây, vườn suối… Từng đàn trâu đủng đỉnh đi trên đường, không có người dắt, cứ tới từng ngõ rẽ, lại tản bớt đi. Đấy là trâu nào tự động về nhà ấy sau một ngày gặm cỏ, vặt lá tự ăn.

Xe bọn tôi chầm chậm, chả ai thắc mắc, giục giã, chắc đều đang mải nhớ về tuổi thơ nơi làng đồng bằng của mỗi người…

Một góc đường trong xã Ngọc Chiến.

Một góc đường trong xã Ngọc Chiến.

Từ Nậm Khắt thì trời tối dần. Con đường nhựa ngoằn ngoèo trên núi vắng lặng, không bóng một người và xe qua. Có cảm giác đang lạc vào một vùng đất tiền sử nào đó. Rồi từ trên núi cao nhìn xuống thung lũng, thấy đèn giăng nhấp nháy từng cụm, từng cụm.

Ban đầu, khi nghe nói đến vùng này, tôi đinh ninh là một địa danh của Nghĩa Lộ. Giờ qua google map thì hóa ra đó là Ngọc Chiến của huyện Mường La, Sơn La. Hóa ra chúng tôi đã đi đường vòng, ngược lên phía Bắc, đi ngang sang rồi vòng xuống để gặp điểm cực Bắc của Sơn La giáp với Mù Cang Chải của Nghĩa Lộ, Yên Bái. Đấy là xã Ngọc Chiến.

Ôi chao, Ngọc Chiến mà tôi nợ nần từ thuở hoa niên! Tôi sống cả tuổi thơ ở Sơn La, đã đi khắp nơi trong tỉnh, chỉ còn Ngọc Chiến là chưa tới.

Mùa hè cuối cùng hồi học phổ thông, cha dẫn tôi đi nhờ xe tải vượt đèo Cao Pha, xuống bản Mường Bú, rồi đi bộ tới Tạ Bú, đi dọc sông Đà, vào bản ngủ đêm, ăn cơm nếp nương với măng lay đồ lên chấm mắm mẳm hén. Giờ cái vị ngọt của mẳm hén muối từ những con côn trùng bé tí bơi trong làn nước mùa mưa mới trên mặt sông Đà vẫn còn quanh quất trong ký ức.

Chỉ tay về chếch phía thượng nguồn sông Đà, người ta bảo qua Ít Ong, đi bộ phải từ sáng tinh sương tới chiều muộn mới đến thung lũng Ngọc Chiến, nơi đấy có rừng pơmu, những ngôi nhà thưng vách và lợp mái bằng gỗ pơmu, nơi ấy có suối nước nóng, có mật ong rừng, hạt sa nhân và lúa nương...

Bây giờ là quãng đường 40 cây số xe chạy từ huyện lỵ Mường La mới để lên, chứ ngày xưa thì xa lắm. Tôi đã nghĩ, thế nào cũng sẽ tìm đến xứ Ngọc Chiến ấy. Thế mà bao năm qua, tôi vẫn chưa đến.

Có một em gái Thái dạy học ở Ngọc Chiến, đọc cuốn truyện “Rừng thiêng” của tôi được in và phát cho các trường phổ thông dân tộc nội trú vùng cao, viết thư cho tôi, bảo bản ở Ngọc Chiến rất giống tôi tả trong truyện “Rừng thiêng” và mời tôi lên chơi. Tôi tự hẹn phải làm một chuyến đàng hoàng, từ lâu rồi…

Vậy mà bây giờ đến theo cách này. Xe cứ chạy trong vắng lặng, bên ngoài mịt mùng sương núi, xuống thấp dần…

Đêm ấy chúng tôi ngủ ở homestay kề ngay bên khu suối nước nóng của bản. Bên ngoài ríu rít ba khu bể lớn để dân bản tắm tập thể, một bể dành cho phụ nữ, hai cho đàn ông và trẻ con.

Dân ở đây tắm khoáng nóng một cách thiên nhiên và hàng ngày, nên ai cũng săn chắc, khỏe mạnh, hồng hào… Trong khu nhà chúng tôi ở, có mấy cặp trai gái đi phượt bằng xe máy từ Hà Nội lên cùng xúm vào quây quần bên mâm ăn, rượu lá, gà bản, rau xanh vừa lấy từ vườn. Một buổi tối chan hòa, cởi mở…

Nếp nhà ở Ngọc Chiến có mái lợp bằng gỗ pơmu

Nếp nhà ở Ngọc Chiến có mái lợp bằng gỗ pơmu

Ngọc Chiến giờ thành một địa điểm du lịch, mới mẻ và giản dị… Nơi xa hút Sơn La xưa giờ nhập vào chuỗi du lịch ruộng bậc thang di sản Tây Bắc nhờ có suối khoảng nóng.

Từ Hà Nội, có thể đi một vòng, lên Yên Bái, sang Nghĩa Lộ, lên Mù Cang Chải rồi về, qua Ngọc Chiến, xuống Mường La ngắm sông Đà, xem Nhà máy Thủy điện rồi xuôi thành phố Sơn La, ngủ đêm cao nguyên Mộc Châu và thong dong Mai Châu, Hòa Bình trở về.

Sáng hôm sau chúng tôi mới đi xe một vệt trong thung lũng. Và tôi đã bất ngờ gặp hoa hồng. Không phải hoa hồng trồng chơi làm đẹp mà là những cánh đồng lớn hoa thương phẩm. Ngoài ra, còn những cánh đồng trồng các loại hoa khác nữa…

Sơn La nhiều năm qua đã trăn trở tìm những loại cây trồng làm thế mạnh cho mình. Tôi đã chứng kiến cây mía, chứng kiến cây cà phê, cây cao su... Giờ thì vùng đất này đã thành một vùng cây ăn quả chất lượng cao.

Một nhà máy chế biến các sản phẩm hoa quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu mới khánh thành ở Vân Hồ, bên đường số 6 cửa ngõ Mộc Châu mang đến bao hứa hẹn mới. Nông nghiệp hiện đại với những bước đi táo bạo và sáng tạo đã làm cho đất núi Sơn La có giá trị cao hơn đất nông nghiệp ở đồng bằng Bắc bộ rồi.

Vùng cao nguyên Mộc Châu đã thành một vùng đất trồng hoa. Và bây giờ Ngọc Chiến thành nơi trồng hoa cảnh để phát triển kinh tế nông nghiệp bên cạnh những lúa nương, nếp ruộng và các loại cây dược liệu, cây lấy gỗ… Điều này thật bất ngờ. Ngọc Chiến ở trên độ cao 1.600m, khí hậu như một vùng ôn đới, không những thế, một ngày còn có cả bốn mùa… Chưa biết ai là người đầu tiên đưa ra ý tưởng trồng hoa ở Ngọc Chiến.

Những cánh đồng hoa hồng ở Ngọc Chiến nay đã rộng lớn nhưng chắc là chưa có thật lâu đâu, chắc là còn phải nhiều nghiên cứu, cải biến, nhưng cái đích nhắm đến một vùng canh tác hoa thương phẩm thì đã rõ ràng lắm.

Ngọc Chiến có suối khoáng nóng. Ngọc Chiến có hoa hồng. Một địa danh du lịch tựa trên ưu thế thiên nhiên và nông nghiệp mới sẽ không còn xa hút nữa…

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Khánh Hòa điều tiết nhiều hồ chứa để đón lũ

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Khánh Hòa đã phát đi thông báo về việc điều tiết nước 3 hồ chứa và điều chỉnh lưu lượng điều tiết 2 hồ chứa.