| Hotline: 0983.970.780

Ngôi trường bên rừng chè cổ thụ

Thứ Năm 05/09/2019 , 07:01 (GMT+7)

Suối Giàng, nơi có rừng chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi nổi tiếng khắp thế giới, vậy mà cách nay hơn chục năm những đứa trẻ ước muốn có một ngôi trường mưa không dột và bữa cơm có thịt là điều xa vời.

Bây giờ, giữa rừng chè cổ thụ đã mọc lên một ngôi trường khang trang làm bừng sáng cả vùng rừng núi non trùng điệp…

09-57-50_1
Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học Suối Giàng.

Tôi không nhớ mình đã lên Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) bao nhiêu lần, mảnh đất giữa lưng trời từ dưới cánh đồng Mường Lò nhìn lên ẩn khuất trong bạt ngàn mây trắng. Vào giữa thập niên 60 của thế kỷ trước, người ta phát hiện ra vùng chè cổ thụ Suối Giàng nhiều cây hai người ôm mới kín gốc.

Việc phát hiện ra rừng chè cổ thụ Suối Giàng đã làm chấn động giới khoa học lúc bấy giờ, Viện sĩ khoa học người Nga K.M Djenmukhatze- năm 1976 đã tới Suối Giàng sau nhiều tháng nghiên cứu ông kết luận: "Việt Nam là cái nôi đầu tiên của cây trà thế giới”.

Sống dưới rừng chè cổ thụ nổi tiếng, nhưng người dân Suối Giàng vẫn rất nghèo. Tôi còn nhớ chuyến lên Suối Giàng tháng 10/1992 với Chủ tịch huyện Văn Chấn lúc bấy giờ là ông Nguyễn Trung Lợi tới xem cây chè Tổ ở thôn Pang Cáng, cạnh đó là trường tiểu học Suối Giàng. Những ngôi nhà lụp xụp lợp bằng cỏ và những tấm ván thông cong vênh, gió thổi trống huếch trống hoác, nước mưa tràn cả vào các lớp học, ngoài sân và các rãnh hè ngập dấu chân lợn và dê.

Tôi ngồi thẫn thờ bên những chiếc bàn học sinh là những tấm ván xẻ đặt lên bốn chiếc cọc chôn dưới đất. Vốn là giáo viên, nên tôi hiểu nỗi nhọc nhằn của việc gieo những con chữ nơi vùng cao như thế nào.

Ông Lợi lắc đầu: Suối Giàng vẫn còn một số điểm trắng giáo dục, đó là các bản cách xa trung tâm hơn 10 cây số huyện chưa đủ giáo viên và các điều kiện để mở lớp học ở các bản đó. Đấy là sự thiệt thòi của người dân vùng cao chúng tôi…

09-57-50_8
Học sinh tiểu học Suối Giàng.

Nhớ lại chuyện 27 năm trước khi ngồi viết thiên phóng sự “Thao thức Suối Giàng” mà lòng tôi cứ rưng rưng. Cách nay chỉ ba năm thôi, trước tháng 9/2016 khi Chính phủ chưa ban hành Nghị định 116/2016/NĐ-CP hỗ trợ học sinh vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn những trường bán trú dân nuôi như ở Suối Giàng các cháu có cơm ăn là tốt lắm rồi, ước mơ bữa cơm có thịt là chuyện xa vời. Tôi từng thấy các cháu bưng những âu cơm đỏ lòm ngô, thức ăn là măng ớt và cải đắng. Các cháu thành thật: Nhà cháu ở xa, cuối tuần mới về nhà, có lần được bố mẹ mua thịt cho ăn, còn ở đây muốn có thịt chúng cháu phải lên rừng bắt rắn và săn chuột để ăn… Nghe các cháu kể mà lòng tôi nghẹn đắng.

Cùng tôi lên Suối Giàng lần này là thầy Lê Quang Minh - Trưởng phòng Giáo dục huyện Văn Chấn. Thầy cho hay: Năm học 2019-2020 Văn Chấn có 79 trường, với 35.534 học sinh mầm non, phổ thông, tăng 4 lớp và 607 học sinh so với năm học trước. Điều mừng nhất năm học này toàn huyện đã xây mới 160 phòng học, 81 phòng ở bán trú, đưa 2.230 học sinh ở các điểm lẻ về học tại các khu trung tâm, tỷ lệ phòng học bán kiên cố trở lên đạt 94%, chỉ còn 66 phòng tạm…

09-57-50_6
Thấy Lê Quang Minh kiểm tra việc chuẩn bị năm học mới của học học sinh.

Kể lại chuyện hồi cuối tháng 4 vừa rồi tôi theo các nhà khoa học môi trường lên Giàng Pằng, xã Sùng Đô tìm hiểu về cây chè cổ thụ, nơi ấy có điểm trường mầm non xập xệ. Thầy Minh nói ngay: Vừa rồi Câu lạc bộ golf Hà Nội đã tài trợ xây dựng hai ngôi nhà lắp ghép cho các cháu, năm học mới này không còn lo các cháu phải ngồi học trong ngôi nhà tạm bợ nữa…

Thực hiện Đề án sắp xếp lại trường lớp của tỉnh Yên Bái, năm học 2019-2020 Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học Suối Giàng có hai điểm chính, điểm xây mới dành cho học sinh trung học cơ sở, điểm giữa trung tâm xã là tiểu học.

Thầy Hà Việt Thành, hiệu trưởng cho hay: Ngoài hai điểm trường chính, trường Suối Giàng còn hai điểm trường lẻ là Kang Kỷ và Suối Lóp cách trung tâm xã 7-10 km. Sang năm học 2020-2021 toàn bộ trường Suối Giàng sẽ về học tập trung ở khu Pang Cáng hiện đang được xây dựng …

Trận lốc đêm qua đã làm tốc mái nhiều tấm lợp, các thầy giáo đang trần lưng lợp lại lớp học cho năm học mới. Thầy Vũ Xuân Ngọc thành thật: Trường nằm trên đỉnh núi giông lốc nhiều quá, nhiều khi ban đêm mưa bão làm bay tấm lợp thì các thầy cũng phải gọi nhau lợp lại, kẻo mưa gió làm ướt hết lớp học ngày mai các em học ở đâu?

09-57-50_2
Thầy Vũ Xuân Ngọc và Nguyễn Văn Quyết đang sửa lại mái nhà lớp học.

Từ giữa tháng 8, tất cả các thầy cô giáo tập trung ở các điểm trường để cùng học sinh tu sửa lại trường lớp, hai điểm trường Kang Kỷ, Suối Lóp phần lớn là học sinh lớp 1, lớp 2 từ việc to đến việc nhỏ đều do các thầy cô làm.

Nhiều việc các thầy cô vẫn phải mó tay vào làm. Cô Phạm Thị Uyên giáo viên toán đang hướng dẫn và cùng các em học sinh làm cỏ và khơi thông rãnh nước ở con đường từ khu nhà ở của học sinh lên lớp học. Cô xòe đôi bàn tay đeo găng cười bảo tôi: Thầy ơi, tay em phồng rộp lên rồi đây, em phải đeo găng cho đỡ rát…

09-57-50_3
Cô giáo Phạm Thị Uyên (áo vàng) cùng học sinh lao động.
09-57-50_5
Học sinh tham gia lao động sửa sang trường lớp cho năm học mới.

Cuối năm ngoái tôi tình cờ vào thăm bếp ăn của các lớp tiểu học, cô Hiệu phó Bùi Thị Tư không ngần ngại dẫn tôi vào nơi nấu ăn, các đầu bếp đang chia phần cơm và thức ăn cho các em, các suất ăn đều có thịt, rau, đậu phụ.

Cô Tư bảo tôi: Với sự hỗ trợ của nhà nước 15 kg gạo và hơn 500.000đ/cháu/tháng, các cháu được ăn no, nhiều cháu bảo ăn ở trường ngon hơn ở nhà, nhờ thế mà tỷ lệ học sinh chuyên cần các khối lớp đều đạt từ 97-99%...

Tôi theo thầy Lê Quang Minh vào một phòng học, tại đây cô giáo Nguyễn Thị Loan, giáo viên bộ môn địa lý đang bồi dưỡng cho 4 em học sinh giỏi lớp 8, lớp 9 là Sùng Thị Pàng, Giàng Thị Gống, Vàng Thị Vang và Sổng Thị Tồng.

09-57-50_7
Cô Nguyễn Thị Loan phụ đạo cho học sinh giỏi.

Pàng kể: Nhà cháu ở bản Tập Lăng, cách đây 11 cây số, cháu có hai chị em cùng đi học bán trú, chiều thứ bảy về thăm nhà, chiều chủ nhật xin mấy cân gạo của bố mẹ mang đến trường để ăn. Bây giờ thì không phải xin gạo bố mẹ nữa, nên cháu tập trung học tập.

Tôi hỏi: Cháu có ước mơ gì không? Pàng cười bảo: Cháu cố gắng để thi đỗ vào cấp III đã… Tôi bất ngờ hỏi Pàng và Gống: Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc nước nào? Không cần suy nghĩ Pàng và Gống cùng đồng thanh đáp: Của Việt Nam bác ạ…

Tự nhiên trong lòng tôi trào lên một cảm xúc khó tả, ở giữa lưng trời dưới rừng chè cổ thụ Suối Giàng những đứa trẻ mới chỉ học lớp 7, lớp 8 đã hiểu Hoàng Sa, Trường Sa là mảnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc xa tít giữa trùng khơi, thì đó là hồng phúc của đất nước. Xin được gửi lời cảm ơn những thầy cô giáo nơi này.

09-57-50_9
Bữa cơm có thịt của học sinh Suối Giàng.

09-57-50_4

Thầy Hà Viết Thanh (ảnh) đưa chúng tôi đi thăm khu vực ký túc xá của trường, mấy năm nay trường Suối Giàng được đầu tư gần 20 tỷ để xây dựng khu trường học và khu nhà ở cho học sinh. Thật khó tin nổi, ký túc xá của học sinh vùng cao lại khang trang như ký túc xá của các trường đại học, các tầng đều có nhà vệ sinh khép kín, vòi hoa sen, quạt trần điều khiển từ xa. Đây là điều mơ ước của nhiều ngôi trường vùng cao

Kể từ khi Nghị định 116/2016/NĐ-CP ban hành, đã giúp cho sự nghiệp giáo dục vùng cao có thêm một bước tiến dài, hình thức trường học bán trú dân nuôi và ước mơ của các em “bữa cơm có thịt” đã lùi vào quá khứ. Một môi trường giáo dục mới đã tạo điều kiện cho các em học tập tốt hơn.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Giảm chi phí, tăng năng suất nhờ ứng dụng bản tin thời tiết nông vụ

Sóc Trăng Hơn 291.000 nông dân ĐBSCL đã ứng dụng bản tin thời tiết nông vụ, giúp bà con đưa ra quyết định canh tác phù hợp, giảm rủi ro, tăng năng suất, cải thiện thu nhập.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội: Đồng ý chủ trương xây dựng 3 cầu lớn vượt sông Hồng

Hà Nội thống nhất xây 3 cầu qua sông Hồng bằng vốn đầu tư công: Tứ Liên, Trần Hưng Đạo và Ngọc Hồi.