| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân được mùa ruốc biển, thu tiền triệu mỗi ngày

Thứ Sáu 23/02/2024 , 14:03 (GMT+7)

Những chiếc thuyền công suất nhỏ sau vài ba giờ đánh bắt đã thu về hàng tạ ruốc biển. Ngư dân vùng bãi ngang Quảng Trị phấn khởi vì thu tiền tươi thóc thật.

Những ngày đầu năm, ngư dân vùng bãi ngang Quảng Trị được mùa ruốc biển. Ảnh: VD.

Những ngày đầu năm, ngư dân vùng bãi ngang Quảng Trị được mùa ruốc biển. Ảnh: VD.

Mỗi ngày 2-3 chuyến biển

Ba ngày trở lại đây, ngư dân vùng bãi ngang các huyện Gio Linh, Triệu Phong, Vĩnh Linh (Quảng Trị) được mùa ruốc biển. Mỗi chiếc thuyền nhỏ cập bờ đều đem đến niềm vui cho ngư dân. Các bãi biễn tấp nập, nhộn nhịp hẳn lên. Phụ nữ, người già xắn quần lên quá đầu gối gánh những gánh ruốc biển nặng trĩu. Ruốc biển bán tươi không hết được đem phơi khô chờ thương lái đến thu mua.

Trong khi chờ thuyền của chồng cập bờ, bà Nguyễn Thị Hoài, thôn 6, xã Gio Hải (huyện Gio Linh) cho hay, 3 ngày qua, chồng bà đánh bắt được 5 tạ ruốc tươi. Ruốc lên đến bờ, thương lái tranh nhau mua. Có hộ 2-3 người cùng đi đánh bắt ruốc, mỗi ngày thu được cả tấn.

“Có nhà đi 2-3 người, kéo nhanh hơn nên đánh được cả tấn trong mấy ngày qua. Đầu năm được mùa ruốc nên gia đình tôi và ngư dân ở đây rất phấn khởi. Thuyền vào đến bờ là quay ngược ra luôn”, bà Hoài cho biết.

Những chiếc thuyền công suất nhỏ cập bờ đầy ắp ruốc biển mang lại niềm vui và nguồn thu nhập cho ngư dân vùng bãi ngang. Ảnh: VD.

Những chiếc thuyền công suất nhỏ cập bờ đầy ắp ruốc biển mang lại niềm vui và nguồn thu nhập cho ngư dân vùng bãi ngang. Ảnh: VD.

Nói chưa dứt lời, bà Hoài vội xắn quần lên quá đầu gối, tất tả chạy ra phía biển để đón thuyền của chồng vừa cập bờ. 2 sọt ruốc, nặng chừng 100kg khiến chiếc đòn gánh oằn cong.

“Đánh bắt được chừng nào phải đưa vào chừng đó để bán cho tươi, phơi cho được nắng. Mấy ngày trước, ruốc lên đến bờ là có người thu mua ngay nhưng hôm nay sản lượng lớn, bán không hết, một số hộ phải đem phơi khô”, bà Hoài vừa nói vừa thở dốc khi cùng chồng đưa được 2 sọt ruốc lên bờ.

Những chiếc đòn gánh oằn xuống, ngư dân xắn quần lên quá đầu gối để đưa ruốc biển lên bờ. Ảnh: VD.

Những chiếc đòn gánh oằn xuống, ngư dân xắn quần lên quá đầu gối để đưa ruốc biển lên bờ. Ảnh: VD.

Bà Hoài cười tươi với chồng rồi chỉ kịp dúi một ăng gô cơm vào tay để ông quay thuyền trở ra biển đánh bắt ngay. Ông chồng cũng chỉ kịp cầm chiếc ăng gô vợ trao rồi nổ máy xình xịch, điều khiển thuyền dong ra biển. Mỗi ngày, gia đình bà Hoài đánh bắt được 2-3 chuyến ruốc biển.

Tiền tươi, thóc thật

Cứ vào dịp cuối năm, vắt sang đầu năm mới, ruốc biển thường xuất hiện cách bờ biển vùng bãi ngang các huyện Gio Linh, Triệu Phong, Vĩnh Linh chừng 500 – 1.000 m. Năm nay, ruốc xuất hiện nhiều hơn, ngư dân nhờ đó mà có thêm công ăn việc làm và nguồn thu đáng kể ngay từ đầu năm.

Đây là dịp để ngư dân vùng bãi ngang Quảng Trị thu tiền tươi thóc thật. Ảnh: VD.

Đây là dịp để ngư dân vùng bãi ngang Quảng Trị thu tiền tươi thóc thật. Ảnh: VD.

Ngư dân vùng bãi ngang Quảng Trị cho hay ruốc biển xuất hiện ngắn ngày nên phải tranh thủ, huy động lực lượng có sức khỏe trong gia đình đánh bắt để kiếm thêm thu nhập. Vì vậy, hễ thuyền cập bờ, bốc dỡ xong là quay ra đi chuyến mới.

Những ngày đầu, ruốc tươi giá 20 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, thời điểm này, sản lượng lớn nên giá ruốc chỉ còn 7 nghìn đồng/kg. Bán không hết, ngư dân đem lên bờ phơi khô, bán với giá 40- 60 nghìn đồng/kg.

Bán tươi không hết, ngư dân phơi khô chờ thương lái đến thu mua. Ảnh: VD.

Bán tươi không hết, ngư dân phơi khô chờ thương lái đến thu mua. Ảnh: VD.

Theo ông Hồ Xuân Thùy, Phó chủ tịch UBND xã Gio Hải, 3 ngày qua, 150 ngư dân hành nghề ruốc ven bờ của xã nhà mang về khoảng 30 tấn ruốc. Thuyền của ngư dân vùng bãi ngang thường có công suất nhỏ, không thể vươn khơi nên sản lượng đánh bắt hàng năm không lớn. Vì vậy, đây là những ngày ngư dân có nguồn thu lớn nhờ ruốc biển.

“Có những buổi sáng, một ngư dân, một thuyền đánh bắt được cả tạ ruốc biển. Có lẽ năm nay sản lượng đánh bắt ruốc biển sẽ lớn nhất trong vòng mấy năm qua”, ông Thùy phấn khởi.

Những chiếc thuyền nhỏ ngay lập tức quay mũi ra biển để tiếp tục đánh bắt. Ảnh: VD.

Những chiếc thuyền nhỏ ngay lập tức quay mũi ra biển để tiếp tục đánh bắt. Ảnh: VD.

Còn ông Đặng Quang Hải, Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng (huyện Triệu Phong), cho biết 3 ngày qua, ngư dân vùng bãi ngang của xã thu khoảng 500 triệu đồng từ ruốc biển, bình quân, mỗi hộ ngư dân thu khoảng 5 triệu đồng.

"Năm nay ruốc rất nhiều. Chỉ cần kéo thêm vài bữa nữa, với sản lượng đánh bắt thế này thì ngư dân sẽ có thu nhập khá", ông Hải chia sẻ.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.