| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân hồ hởi chuẩn bị cho chuyến biển xuyên tết

Thứ Năm 09/01/2020 , 09:00 (GMT+7)

Những chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Định sau nhiều tháng nằm bờ “nghỉ đông” để tu bổ, sửa sang máy móc, ngư lưới cụ hiện đã sẵn sàng cho chuyến biển xuyên Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Dồn lực cho chuyến biển quan trọng nhất trong năm

Đối với ngư dân, chuyến biển đầu tiên trong năm âm lịch đóng vai trò rất quan trọng trong chuyện làm ăn của cả năm. Do đó, ngay từ bây giờ, chủ những chiếc tàu cá xa bờ đã tu bổ ngư lưới cụ, sửa sang máy móc, sơn sửa lại vỏ tàu chuẩn bị cho chuyến mở biển xuyên Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Ngư dân ăn tết trên biển cứ như ăn tết trên bờ, không thiếu món gì.

Họ quan niệm, nếu chuyến biển đầu năm gặp những mẻ cá lớn thì xuyên suốt trong năm sẽ tiếp tục có những chuyến biển khẳm be.

Lão ngư Bùi Thanh Ninh, chủ của 9 chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ chuyên làm nghề lưới vây đánh bắt cá ngừ sọc dưa và câu cá ngừ đại dương ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), chia sẻ: “Những tháng mùa đông biển động, ngoài khơi có gió to, nên những tàu hành nghề lưới vây đánh bắt không hiệu quả, hầu hết đều nằm bờ. Tranh thủ thời gian tàu nằm bờ tôi cho bảo dưỡng toàn bộ.

Thân tàu thì được làm nước, sơn sửa lại; máy móc được kiểm tra, sửa chữa những phần hư hỏng; giàn lưới được vá lại tươm tất. Còn tàu đánh bắt cá ngừ đại dương cũng được làm nước, sửa sang máy móc và tu bổ giàn câu. Mỗi năm con tàu bảo dưỡng 1 lần nên phải được làm chu tất, để nó đủ khả năng “chịu đời” hàng chục chuyến biển trong năm.

Những chuyến đánh bắt phải đi xa bờ 200 – 300 hải lý, mỗi chuyến biển kéo dài cả tháng trời, nếu tàu hư hỏng bất chợt thì hiệu quả đánh bắt không đạt, lại mất tiền tổn”.

Năm 2019, nhờ thời tiết thuận lợi nên hầu hết các tàu đánh bắt xa bờ đều ăn nên làm ra. Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, trong năm 2019 sản lượng thuỷ sản khai thác ước đạt 245.620,3 tấn, tăng 5,7% so với năm 2018. Hiệu quả đánh bắt cao nhất là các tàu hành nghề câu cá ngừ đại dương, sản lượng cả năm ước đạt 11.323 tấn, tăng 6,3% so cùng kỳ.

Giá cá ngừ đại dương trong năm nay cũng ổn định ở mức trên 100.000đ/kg, nên hầu hết các tàu làm nghề này đều làm ăn có lãi, nhất là trong 3 chuyến biển cuối năm 2019 tàu nào cũng bội thu nhờ trúng những mẻ cá lớn. Do đó, những tàu cá của ngư dân Bình Định đang háo hức vươn khơi chuyến biển xuyên tết.

“Thuyền viên của những tàu hành nghề lưới vây của tôi xa biển đã 3 tháng nay hiện đã nhớ biển lắm rồi, ai nấy đều đang nóng ruột chờ tàu mở chuyến biển xuyên Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Tôi cũng đã đặt mua các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ngư dân ăn tết trên biển”, lão ngư Bùi Thanh Ninh nói.

Cũng theo lão ngư Bùi Thanh Ninh, ăn tết trên biển dù cách xa bờ đến mấy trăm hải lý nhưng các thuyền viên không thiếu món gì; từ thịt, mức, bánh ngọt, trái cây. Đặc biệt trong chuyến biển xuyên tết, các tàu cá đều được chủ tàu bố trí cả chục thùng bia để anh em thuyền viên uống mừng giao thừa. Ngư dân cả đời tiếp xúc với cá thì ai cũng đã ớn món cá, nên chuyến biển nào cũng chủ tàu cũng phải mua thịt, riêng chuyến biển xuyên tết thịt càng nhiều vì sẽ có những cuộc tiệc tùng.

“Năm nay thịt heo đắt quá nên tổn cho chuyến biển xuyên tết chắc chắn sẽ tăng cao. Nếu bình thường tổn cho 1 chuyến biển của tàu làm nghề lưới vây là 150 triệu đồng thì chuyến biển xuyên tết sẽ tăng đến 170 triệu đồng”, lão ngư Bùi Thanh Ninh cho biết.
 

“Đỏ mắt” tìm lao động đi biển

Trong số những chủ tàu cá đang chuẩn bị cho chuyến biển xuyên Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, có lẽ không ai háo hức hơn ngư dân Võ Thế Dư (47 tuổi) ở thôn Hóa Lạc, xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định). Anh Dư là chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu vỏ thép đóng theo NĐ 67 mang số hiệu BĐ 99252 TS có công suất 825CV, chuyên làm nghề mành chụp.

Trước đây, anh Dư sở hữu đến 3 chiếc tàu cá vỏ gỗ, khi NĐ 67 của Chính phủ ra đời, anh bán tất 3 tàu vỏ gỗ dồn tiền làm vốn đối ứng, vay thêm ngân hàng để đóng chiếc tàu vỏ thép BĐ 99252 TS với tổng chi phí 17 tỷ đồng.

Ngư dân Võ Thế Dư, chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99252 TS của mình vừa mới được sơn sửa tinh tươm chuẩn bị cho chuyến biển xuyên Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Đầu năm 2017 anh được đơn vị đóng tàu bàn giao tàu vỏ thép, đúng vào dịp cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, thế là anh lập tức cho tàu mở chuyến biển đầu tiên đánh bắt xuyên tết.

“Trong chuyến biển đầu tiên, chiếc tàu vỏ thép của tôi bội thu, đánh bắt được nhiều cá và mực xà, đó là “điềm may” cho cả năm, cả chục chuyến biển trong năm 2018 đều đạt hiệu quả. Bước sang năm 2019, nhờ giá mực xà cao đến 30.000đ/kg và chuyến biển nào cũng đạt sản lượng, nên trong năm đó tôi lãi ròng được 2 tỷ đồng.

Qua năm 2019 những chuyến biển đầu năm bị thua lỗ do giá mực xà xuống thấp, lại không bán được sản phẩm, nhờ trúng liền 3 chuyến biển sau nên gỡ gạc được thua lỗ của những chuyến biển trước.

3 tháng gần đây tôi cho tàu nằm bờ nghỉ mùa mưa bão, tranh thủ bảo dưỡng để chuẩn bị cho chuyến biển xuyên Tết Nguyên đánh Canh Tý 2020”, ngư dân Võ Thế dư tâm sự.

Dắt chúng tôi đi tham quan chiếc tàu vỏ thép “mới keng” do boong tàu mới được sơn lại, anh Dư không dấu được vẻ phấn khởi, khoe: “Tôi mới làm nước lại con tàu và làm lại giàn lưới để chuẩn bị cho chuyến biển xuyên tết mất 100 triệu đồng.

Khoản tiền ấy lớn thật, nhưng đó là điều cần thiết để con tàu hoạt động cả năm để “đẻ” tiền ra cho mình. Mỗi chuyến biển đi cách bờ vài ba trăm hải lý, lỡ bị trục trặc chạy về vừa mất đánh bắt 1 chuyến biển, vừa mất tiền tổn và tiền bạn, khi ấy còn khốn đốn hơn”, anh Dư bộc bạch.

Điều anh Dư lo nhất hiện nay là tàu cá vỏ thép BĐ 99252 TS của anh đến cuối tháng 12/2019 là hết bảo hiểm. Mà tàu hết bảo hiểm là sẽ bị ngân hàng “cột” không cho ra khơi để tránh rủi ro.

Anh đã lo nộp đầy đủ hồ sơ cho đơn vị bảo hiểm là PJICO Bình Định, anh đang mong ngóng từng ngày thủ tục nhanh chóng hoàn tất để tàu anh được bảo hiểm trở lại để mở chuyến biển xuyên tết.

Một mối lo khác đang canh cánh trong lòng anh Dư là không có thuyền viên đi chuyến biển xuyên tết. Lao động nghề biển ngày càng khan hiếm, 3 tháng tàu nằm bờ các bạn thuyền đều đã đi cho các tàu cá khác, giờ gọi lại không được, còn tìm bạn bạn thuyền mới thì rất khó khăn. Những ngày qua, anh Dư đi rảo khắp xã nhưng chưa kiếm ra được bạn thuyền.

“Tàu của tôi làm nghề mành chụp chuyên đánh bắt mực xà và cá ồ, mỗi chuyến biển phải cần đến 11 thuyền viên, tính cả tôi là 12 lao động. Thuyền viên bây giờ rất hiếm, “chảy máu con mắt” mới kiếm được 1 người. Kiếm được bạn thuyền rồi mình phải ứng trước cho họ mỗi người 7 triệu đồng họ mới chịu đi.

Đó là những chuyến biển bình thường trong năm, chứ chuyến biển xuyên tết họ phải bỏ ăn tết với gia đình đi làm cho tàu mình thì khoản tiền ấy phải tăng thêm đến 9 triệu/người. Mực xà hiện đang có giá 20.000đ/kg, tăng hơn 6.000đ – 7.000đ/kg so với thời điểm đầu năm.

Thời tiết lại đang thuận lợi nên hy vọng chuyến biển xuyên Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tàu của tôi sẽ lại gặp may mắn, được bội thu để “lấy hên” cho cả năm sau”, ngư dân Võ Thế Dư bày tỏ.

“Hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán có đến hàng trăm tàu cá chuyên đánh bắt xa bờ với hàng ngàn ngư dân Bình Định ăn tết trên biển.

Những tàu hiện nay còn đang đánh bắt ngoài khơi, cập bờ vào con trăng cuối năm âm lịch thì sẽ ăn tết trong bờ, sang đầu tháng Giêng thì mở chuyến biển đầu năm.

Còn những tàu mấy tháng nay nằm bờ nghỉ mùa biển động thì sẽ đồng loạt vươn khơi đánh bắt chuyển viển xuyên tết.

Phần lớn các tàu cá vươn khơi bám biển trong dịp tết đi theo từng tổ đội nhằm tăng hiệu quả sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo”, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm