| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân mong sớm gỡ ‘thẻ vàng’

Thứ Sáu 02/02/2024 , 17:11 (GMT+7)

PHÚ YÊN Ngư dân tỉnh Phú Yên rất mong gỡ ‘thẻ vàng’ của Ủy ban châu Âu (EC) nên tuân thủ các quy định của pháp luật khi tham gia khai thác trên biển.

Ngư dân Phú Yên quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC. Ảnh: KS.

Ngư dân Phú Yên quyết tâm gỡ "thẻ vàng" của EC. Ảnh: KS.

Ngư dân ý thức tầm quan trọng việc gỡ “thẻ vàng”

Thời điểm này đang bước vào vụ khai thác cá ngừ đại dương chính vụ năm 2024, nhiều tàu cá hành nghề trên địa bàn tỉnh Phú Yên ra vào cảng Đông Tác (TP Tuy Hòa) bốc dỡ thủy sản.

Theo ghi nhận của chúng tôi, để góp phần gỡ “thẻ vàng” của EC, các tàu chấp hành các quy định của pháp luật khi hành nghề trên biển, tuân thủ nghiêm các quy định khi ra vào cảng.

Ngư dân Lê Văn Nhiều, chủ tàu PY 90134 TS ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) cho biết: “Trước khi xuất bến hay cập cảng, chúng tôi đều khai báo đầy đủ các thủ tục cho văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng và trạm biên phòng. Các tàu khai thác trên biển luôn duy trì 24/24 giờ thiết bị giám sát hành trình và không vượt ranh giới, không xâm phạm vùng biển nước ngoài”.

Ngư dân tuân thủ các quy định khi tham gia khai thác thủy sản trên biển. Ảnh: KS.

Ngư dân tuân thủ các quy định khi tham gia khai thác thủy sản trên biển. Ảnh: KS.

Theo ngư dân Lê Văn Nhiều, thời gian qua, tàu của ông tuyệt đối không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Bởi ông ý thức rằng, khi tàu cá vi phạm vùng biển các nước, không chỉ bị bắt giữ, phạt tù, phạt tiền, tịch thu tàu... mà còn ảnh hưởng đến việc gỡ “thẻ vàng” mà Việt Nam đang nỗ lực.

Do đó, ngư dân Nhiều thể hiện quyết tâm lớn cùng ngư dân cả nước sớm gỡ “thẻ vàng” để nghề khai thác thủy sản phát triển bền vững, doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi. Khi đó, giá cá sẽ  được thu mua ổn định, ngư dân vươn khơi bám biển lâu dài.

“Hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu khó khăn nên giá cá ngừ đại dương chỉ được thu mua khoảng 100 ngàn đồng/kg. Bây giờ nguồn lợi cạn kiệt, các tàu đi 2 trăng nhưng chỉ đánh bắt được 30 con (khoảng 1,5 tấn trở lại). Trong khi chi phí chuyến biển kéo dài lên đến 180 - 200 triệu đồng, với giá cá thấp như hiện tại, các tàu đánh bắt khó lãi”, ngư dân Lê Văn Nhiều bộc bạch.

Tương tự, ngư dân Đặng Văn Cư, chủ tàu PY 90839 TS ở phường Phú Đông cho biết, để góp phần gỡ “thẻ vàng”, tàu ông luôn thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật. Trong suốt hành trình khai thác trên biển, ông ghi lại nhật ký khai thác đầy đủ và mở thiết bị giám sát hành trình. Đồng thời, thông tin, liên hệ với ban quản lý các cảng cá khi xuất hoặc cập bến.

Ngư dân Đặng Văn Cư, chủ tàu PY 90839 TS ở phường Phú Đông cho biết, để góp phầ gỡ 'thẻ vàng', các tàu cá tuyệt đối không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: KS.

Ngư dân Đặng Văn Cư, chủ tàu PY 90839 TS ở phường Phú Đông cho biết, để góp phầ gỡ "thẻ vàng", các tàu cá tuyệt đối không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: KS.

“Tàu của tôi đã ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Bởi tôi hiểu, chấp hành quy định về chống khai thác IUU không chỉ bảo đảm an toàn, thu nhập cho ngư dân, mà còn chung tay nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam”, ngư dân Đăng Văn Cư chia sẻ.

Theo ông Hà Viên, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Phú Yên, thời gian qua, Ban quản lý cảng đã phối hợp, hướng dẫn, phổ biến tuyên truyền cho các ngư dân các quy định về chống khai thác IUU. Đồng thời, quán triệt, yêu cầu các chủ tàu lắp đặt, duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình, cũng như ghi và nộp nhật ký khai thác thủy sản.

Trước khi vào cảng cá, thuyền trưởng phải thông báo trước ít nhất 1 giờ cho đơn vị quản lý hoạt động cảng cá. Trước khi lên cá, ngư dân cũng phải báo cáo cảng cá để đơn vị phân công người giám sát sản lượng thủy sản theo thành phần loài, đối tượng, từ đó đối chiếu thông tin trong nhật ký khai thác đảm bảo phù hợp với dữ liệu giám sát tàu cá. Trong công tác xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (SC), Ban quản lý cảng cá bám sát Thông tư 21 của Bộ NN-PTNT.

“Thời gian qua, qua theo dõi chúng tôi thấy ý thức của bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh được nâng lên. Cụ thể, bà con xuất, nhập bến đều khai báo với cơ quan chức năng, nộp nhật ký khai thác đầy đủ. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, ngư dân Phú Yên không xâm phạm vùng biển nước ngoài”, ông Hà Viên cho biết thêm.

Quyết tâm gỡ thẻ vàng

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, để góp phần gỡ “thẻ vàng” của EC, tỉnh đã và đang tập trung nguồn lực khắc phục triệt để các tồn tại hạn chế, hoàn thành các nhiệm vụ được giao trước tháng 4/2024. Đồng thời xây dựng kế hoạch phối hợp đợt cao điểm triển khai quyết liệt các biện pháp cụ thể ngay từ đầu năm 2024 nhằm thực hiện các khuyến nghị của Đoàn Thanh tra EC.

Ngư dân cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: KS.

Ngư dân cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: KS.

Đặc biệt, tỉnh sẽ giám sát chặt chẽ tàu cá, sản lượng qua cảng, cũng như quản lý chặt tàu cá “3 không”, nhằm ngăn chặn kịp thời, không để tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài.

Để cụ thể hành động đó, Sở NN-PTNT Phú Yên đã thực hiện tốt quản lý đội tàu; xác nhận, chứng nhận và truy xuất 100% nguồn gốc thủy sản khai thác; tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn, trạm biên phòng kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập các bến bãi, điểm lên cá truyền thống; giám sát, ngăn chặn, xử lý nghiêm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đối với UBND các huyện, thị xã và thành phố ven biển, áp dụng các giải pháp chống khai thác IUU phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; vận động chủ tàu đăng ký, đăng kiểm, xin giấy phép khai thác đầy đủ khi đưa tàu khai thác thủy sản trên biển; giám sát chặt chẽ các tàu cá “3 không”, tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU trên địa bàn.

Cũng theo ông Nguyễn Tri Phương, xác định nhiệm vụ chống khai thác IUU, góp phần gỡ “thẻ vàng” của EC là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, vì vậy ngày 5/9/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 33 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp; khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế, yếu kém và các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Do đó, các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này, chắc chắn kết quả chống khai thác IUU trong năm 2024 trên địa bàn tỉnh Phú Yên sẽ có nhiều kết quả tích cực.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh tăng nguồn lực, biên chế, kinh phí và trang thiết bị cho lực lượng tham gia chống khai thác IUU, trong đó quan tâm đúng mức cho lực lượng kiểm ngư, văn phòng đại diện, ban quản cảng cá và một số phòng, xã, phường trọng điểm nghề cá.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.