Làng K'Ho Cil trên cao nguyên
Đón phóng viên ngay tại không gian của Làng K’Ho Cil (xã Tà Nung, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) trong cái se lạnh của những ngày cuối năm, chị Liêng Hót Thái Hòa niềm nở đưa chúng tôi đi tham quan không gian trải nghiệm văn hóa truyền thống của người K’Ho mà chị cùng người dân địa phương gây dựng.
Chị Thái Hòa là một người con của cộng đồng dân tộc K’Ho, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tà Nung giàu bản sắc. Chị chia sẻ, văn hóa bản địa, văn hóa của cộng đồngg người K’Ho rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, trong suốt những năm tháng phát triển, đô thị hóa, kinh tế hóa và sự di cư ồ ạt của những dân tộc khác đến địa phương đã khiến cho những giá trị văn hóa, đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người K’Ho ngày càng mai một, khiến nhiều người trăn trở.
“Nhận thấy mô hình phát triển du lịch cộng đồng vừa góp phần nâng cao giá trị văn hóa, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, tôi đã cùng chồng lên ý tưởng cho một khu tham quan, đón khách trải nghiệm văn hóa đồng bào mình”, chị Hòa chia sẻ.
Nói là làm, sẵn có mảnh đất khoảng 6.000m2 của gia đình nằm cạnh trục đường DT725, vợ chồng chị Hòa tiến hành cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng. Chị chia sẻ, khi bắt tay vào thực hiện, gia đình gặp hàng loạt khó khăn, vướng mắc, đặc biệt thiếu vốn đầu tư. Dùng hết toàn bộ vốn liếng hai vợ chồng tích góp nhưng dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động nên gia đình buộc phải vay mượn từ nhiều nguồn khác nhau để tiếp tục đầu tư.
Đầu năm 2019, sau quá trình đầu tư với bao công sức, tiền của, dự án du lịch cộng đồng của 2 vợ chồng chị Liêng Hót Thái Hòa cũng gần hoàn thành để đón khách. Vậy nhưng, cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng khắp cả toàn cầu.
“Dịch bệnh diễn biến phức tạp nên toàn bộ công việc ở dự án buộc phải tạm ngưng. Phải đến khi đại dịch tạm lắng thì dự án mới được tiếp tục thực hiện và hoàn thiện. Đến giữa năm 2022, dự án chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động”, chị Liêng Hót Thái Hòa nói và cho biết thêm, Làng K’Ho Cil đi vào hoạt động trong thời gian sau đại dịch và cũng là thời điểm kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, do đó lượng khách đến tham quan ít.
Vì vậy, để Làng đi vào hoạt động hiệu quả, chị Hòa tiến hành tổ chức các dịch vụ mới, kết hợp, kết nối và tăng cường quảng bá trên các cổng thông tin điện tử, các nền tảng mạng xã hội. “Hiện nay, Làng K’Ho Cil đã đi vào hoạt động một cách bài bản và các dịch vụ trải nghiệm được đông đảo du khách trong, ngoài nước tìm đến tham quan, trải nghiệm”, chị Hòa thổ lộ.
Tái hiện không gian sống của người K’Ho
Ngay từ khi bắt đầu dự án, chị Hòa cùng chồng đã xác định lấy các hoạt động trải nghiệm văn hóa cộng đồng bản địa làm cốt lõi để thu hút khách du lịch. Chính vì thế, Làng K’Ho Cil đã cố gắng tái hiện một cách chân thực nhất không gian sống, các hoạt động lao động sản xuất, phong tục tập quán lâu đời của người K’Ho.
Điểm nhấn lớn nhất của toàn không gian là ngôi nhà sàn được phục dựng theo lối kiến trúc nhà dài truyền thống của người K’Ho với chất liệu chủ đạo là gỗ. Bên trong ngôi nhà được trưng bày, lưu trữ khá nhiều dụng cụ truyền thống trong các hoạt động lao động sản xuất, các dụng cụ trong sinh hoạt như xà gạc, gùi, gậy chọc lỗ, bầu đựng nước, nơm bắt cá…
Bên cạnh đó, những loại nhạc cụ truyền thống như cồng chiêng, đàn đá, đàn T’Rưng, tù và cũng hiện hữu bên trong không gian ngôi nhà. Ngoài ra, những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống, các loại chum ché cổ cũng được trưng bày tại đây.
Chị Hòa cho biết, đây là những dụng cụ phải tốn rất nhiều công sức để tìm kiếm, sưu tầm. Thông qua hiện vật trưng bày giúp du khách có cái nhìn rõ nét và hiểu hơn về đời sống văn hóa, sinh hoạt cũng như trong lao động sản xuất trước kia của người K’Ho.
Tại không gian ngoài trời, các tiểu cảnh với cây cối, hoa bản địa… được tái hiện lại như khu rừng thu nhỏ quen thuộc của cộng đồng người K’Ho. Ngoài ra, hệ thống phòng lưu trú tại đây cũng được xây dựng theo kiến trúc cách điệu nhà truyền thống của người dân tộc bản địa. Hiện chị Hòa và các cộng sự đang gấp rút hoàn thiện khu vực trưng bày và tiêu thụ các loại sản phẩm truyền thống như nông sản, thổ cẩm do chính con em là người dân tộc thiểu số trên địa bàn làm ra.
Chị Hòa chia sẻ: “Du khách khi có mặt tại Làng, ngoài việc được trải nghiệm không gian mang đậm nét văn hóa người dân tộc bản địa còn được thưởng thức ẩm thực truyền thống của người K’Ho như rượu cần, cà đắng da trâu, cơm lam, rau rừng, thịt hun khói… Chúng tôi còn liên kết với các đội chiêng người K’Ho tại địa phương tổ chức các hoạt động lưu giao văn hóa cùng du khách”.
Có mặt tại đây, anh Nguyễn Thế Tài đến từ TP Cần Thơ tỏ ra khá thích thú với không gian văn hóa này. Anh cho biết: “Gia đình chúng tôi đến Đà Lạt du lịch và lựa chọn di chuyển ra vùng ven Đà Lạt để khám phá. Khi đi ngang qua Làng K’Ho Cil, thấy địa điểm này mới lạ nên đã ghé thăm. Sau khi tham quan và trải nghiệm, chúng tôi nhận thấy đây là điểm đến thú vị. Khi đến đây, chúng tôi được sống ở một không gian hoàn toàn mới với và có cảm giác lạc vào buôn làng của người đồng bào”.
Anh Nguyễn Thế Tài cho biết thêm, Làng K’Ho Cil giúp anh hiểu thêm về nếp sinh hoạt cũng như nét văn hóa truyền thống của người đồng bào nơi đây. Ngoài ra, anh cũng được thưởng thức những món ăn truyền thống của người K’Ho rất ngon và giàu bản sắc ẩm thực địa phương.
Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, một du khách đến từ TP. HCM thổ lộ: “Ngày nay, khi đến du lịch ở Đà Lạt, người ta thường dạo chơi vùng trung tâm với những vườn hoa, vườn rau giống nhau, tham quan những biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp hay những địa điểm săn mây, sống ảo. Ít người biết đến loại hình du lịch cộng đồng như Làng K’Ho Cil. Vì vậy, tôi rất muốn trong tương lai, Đà Lạt có thêm những điểm tham quan văn hóa cộng đồng như thế này”.
Tà Nung là xã vùng ven của TP Đà Lạt, nằm về phía Tây Nam, cách trung tâm thành phố này khoảng 15km. Đây là vùng đất tập trung đông đảo cộng đồng người K’Ho định cư. Hiện nay, Tà Nung nằm trên tuyến đường Đà Lạt - Nam Ban (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng). Trong vài năm trở lại đây, tuyến đường này đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tìm đến bởi nhiều khu điểm du lịch, trải nghiệm.
Bên cạnh đó, nơi đây cũng được xem là địa chỉ vàng dành cho những du khách có nhu cầu tìm hiểu, khám phá đời sống sinh hoạt, nét văn hóa bản địa truyền thống của người K’Ho. Chính điều đó đã mở ra cơ hội để người dân địa phương khai thác, phát triển loại hình du lịch cộng đồng.