Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, hướng tới thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế. Từ đó, hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí NTM.
Theo định hướng này, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hình thành một số mô hình HTX du lịch sinh thái cộng đồng, nông nghiệp trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Những HTX này đến nay cho thấy hiệu quả hoạt động tương đối ổn định, không chỉ giúp quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người Quảng Ngãi mà còn gia tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhiều hộ gia đình địa phương.
Theo đó, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Ngãi có 5 HTX nông nghiệp tham gia vào du lịch nông thôn, cụ thể: HTX Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành; HTX nông nghiệp và du lịch cộng đồng Mỹ Khê; HTX Du lịch cộng đồng Làng Gò cỏ; HTX Du lịch cộng đồng Làng Teng; HTX công nghệ cao Vạn tường xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.
Tháng 3/2023, HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê (xã Mỹ Khê, TP Quảng Ngãi) chính thức đi vào hoạt động. Với lợi thế từ 12ha diện tích rừng dừa nước ở địa phương, đơn vị này đã tận dụng để phát triển du lịch tham quan, nghỉ dưỡng. Hiện, HTX Mỹ Khê đang thiết kế 10 homestay ngay trên rừng dừa nước làm nơi lưu trú cho du khách, xây các tuyến đường nội bộ dẫn vào rừng dừa để khách tản bộ, ngắm cảnh.
Theo anh Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê, hiện nay, tại rừng dừa đang có khoảng 10 hộ dân tham gia chèo thuyền phục vụ du khách. 100% các thuyền chở khách tham quan đều được HTX trang bị áo phao, giá cả niêm yết công khai để tránh chèo kéo, tự ý nâng giá du lịch.
Du lịch nông thôn sẽ được phát triển theo hướng bền vững, bao trùm, đa giá trị, phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế tham gia.
“Vào cuối tuần, rừng dừa nước Tịnh Khê đón khoảng 200 khách/ngày; những dịp nghỉ lễ có thể lên đến hàng ngàn lượt khách tới tham quan, trải nghiệm. Nhờ đó, những người tham gia chèo thuyền có thêm nguồn thu nhập khoảng 120.000 đồng/chuyến. Việc phát triển du lịch này không chỉ nâng cao giá trị rừng dừa nước, tạo sinh kế cho các thành viên tham gia mà còn nâng cao ý thức của người dân trong quản lý, bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên”, Anh Dũng chia sẻ.
Còn tại HTX Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành (xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành) cũng đang liên kết hợp tác với 7 nhà vườn trồng cây ăn quả để cải tạo vườn thành điểm phục vụ khách tham quan, du lịch; kết hợp với 1 hộ dân trồng hoa, cây công trình để cung cấp cho thị trường. Trong năm 2022, HTX đã hỗ trợ người dân tiêu thụ 2.000kg trái cây các loại (Bưởi da xanh, chuối, chôm chôm, quýt, cam…).
Anh Đoàn Phú Việt Nam, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành cho biết: “HTX có 15 thành viên và liên kết với 200 hộ dân trong thôn làm du lịch cộng đồng. Với hình thức này, chúng tôi không chỉ hướng đến thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ và nhân dân địa phương về lợi ích, hiệu quả của mô hình du lịch cộng đồng mà còn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn xanh, sạch, đẹp”.
Theo ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, qua rà soát các địa phương trên địa bàn tỉnh, tiềm năng và nhu cầu về du lịch nông thôn, trang trại nông nghiệp làm dịch vụ du lịch là rất lớn, trong đó chủ yếu gồm: Du lịch cộng đồng, du lịch kết hợp trang trại, du lịch kết hợp hợp tác xã, du lịch phối hợp với các công ty lữ hành.
“Thời gian tới, Sở NN-PTNT tiếp tục phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ngành có liên quan triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh”.