| Hotline: 0983.970.780

Không 'ngồi đợi' trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Thứ Hai 29/08/2022 , 18:10 (GMT+7)

VĨNH PHÚC Nhờ chủ động đầu tư cơ sở chẩn đoán, xét nghiệm cũng như triển khai sát các kế hoạch trong phòng chống dịch bệnh, đến nay, Vĩnh Phúc "sạch bóng" dịch tả lợn châu Phi.

Chủ động năng lực xét nghiệm giám sát dịch bệnh

Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang khiến hoạt động chăn nuôi lợn của nhiều địa phương trong cả nước gặp rất nhiều khó khăn. Số lợn chết không ngừng tăng lên, nhiều cơ sở chăn nuôi phải đóng cửa. 

Trước thực tế đó, tỉnh Vĩnh Phúc xác định công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi đóng vai trò hết sức quan trọng, không chỉ giúp đảm bảo sản lượng, chất lượng sản phẩm mà còn giúp người dân an tâm sản xuất, tạo điểm tựa vững chắc cho tỉnh tiến hành tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững.

z3671172346893_9f14ad176d84fa857392c2ad961c33d8

Việc phòng chống hiệu quả dịch tả lợn châu Phi giúp chăn nuôi của Vĩnh Phúc có những bước tiến vững chắc. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Nguyễn Hiệp Khôi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Phúc, ngay từ khi DTLCP xuất hiện trên địa bàn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, Cục Thú y nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trên diện rộng.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến từng hộ chăn nuôi về những nguyên tắc, biện pháp trong phòng, chống DTLCP như “5 không”, 10 cấm”..., Vĩnh Phúc đã thiết lập nhiều chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc và các sản phẩm gia súc. Nhờ đó, kịp thời ngăn chặn các nguy cơ lây nhiễm, lây lan DTLCP.

Đặc biệt, để giữ thế chủ động, không ngồi đợi trong công tác bảo vệ đàn vật nuôi, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Phúc đã thành lập Trạm Chẩn đoán, Xét nghiệm và Điều trị bệnh động vật nhằm nhanh chóng phát hiện sự lưu hành của các loại virus, từ đó triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch ngay từ ban đầu, không để dịch lây lan trên diện rộng.

Năm 2020, Văn phòng Công nhận năng lực đánh giá sự phù hợp về tiêu chuẩn chất lượng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đã ban hành quyết định công nhận Trạm Chẩn đoán Xét nghiệm và Điều trị bệnh động vật thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Phúc (Phòng thử nghiệm mang mã số VLAT-1.0190) có năng lực thử nghiệm đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 đối với 11 phép thử nghiệm, trong đó có phép thử phát hiện virus DTLCP.

“Việc được công nhận năng lực xét nghiệm đã giúp Vĩnh Phúc chủ động, rút ngắn thời gian xác định các ổ dịch. Từ đó, giúp các cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai các biện pháp quản lý nhà nước về chăn nuôi, thú y trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đưa ra phương án xử lý, dập dịch nhanh chóng, chính xác, hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi”, ông Nguyễn Hiệp Khôi đánh giá.

watermark_vp-1-1225_20201125_883-102230

Trạm Chẩn đoán, Xét nghiệm và Điều trị bệnh động vật (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Phúc) đã giúp ngành chăn nuôi tỉnh này chủ động, nhanh chóng phát hiện ổ dịch, triển khai các biện pháp dập dịch chính xác. Ảnh: HG.

Theo ông Khôi, nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, trong 7 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chỉ phát hiện 1 ổ dịch cúm gia cầm tại 1 hộ chăn nuôi, làm chết và tiêu hủy hơn 1.900 con gia cầm. Ngoài ra không phát hiện các ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như lở mồm long móng, DTLCP, tai xanh...

Riêng đàn lợn, hiện Vĩnh Phúc có hơn 473.000 con, sản lượng thịt đạt hơn 41.900 tấn. Công tác giám sát chủ động đã thu thập 540 mẫu máu, 540 mẫu swab tại 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, kết quả cho thấy không phát hiện virus DTLCP, lở mồm long móng.

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiến hành thu thập và xét nghiệm 1.110 mẫu đơn (223 mẫu gộp) bệnh DTLCP tại các cơ sở an toàn dịch bệnh; kết quả 223/223 mẫu gộp âm tính với virus DTLCP.

Tiên phong thử nghiệm vacxin

Khi vacxin phòng bệnh DTLCP NAVET-ASFVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco (Công ty Navetco) đã được cấp giấy chứng nhận lưu hành tại Việt Nam (số 538/QLT-SX-22 ngày 18/5/2022) theo quy định của Luật Thú y, được sự đồng ý của Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Phúc đã tiến hành thông tin tới các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh về việc tiêm thử nghiệm loại vacxin này trên đàn lợn. Qua thời gian triển khai, đã có 2 hộ đăng ký tham gia với số đầu con tiêm thử nghiệm là 268 con.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, thôn Hoàng Kỳ, xã Cao Minh, TP Phúc Yên (hộ đăng ký tham gia tiêm thử nghiệm vacxin DTLCP) cho biết: Hiện tại, đàn lợn của gia đình anh có 200 lợn nái và 700 lợn thịt. Để trang trại của anh có thể “đứng vững” trước sự đe dọa của DTLCP, toàn bộ quá trình chăn nuôi phải được kiểm soát nghiêm ngặt từ hệ thống chuồng nuôi, con người, dụng cụ, phương tiện, thức ăn, nguồn nước, vật chủ trung gian truyền bệnh...

Gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn, thôn Hoàng Kỳ, xã Cao Minh (TP Phúc Yên) tiến hành tiêm thử nghiệm vacxin dịch tả lợn châu Phi cho 220 con lợn. Ảnh: Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Phúc.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn, thôn Hoàng Kỳ, xã Cao Minh (TP Phúc Yên) tiến hành tiêm thử nghiệm vacxin dịch tả lợn châu Phi cho 220 con lợn. Ảnh: Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Phúc.

Tuy nhiên, theo anh Tuấn, đây chỉ là những biện pháp mang tính tình thế trước mắt, về lâu dài, muốn chăn nuôi bền vững bắt buộc phải có vacxin DTLCP.

Với tầm nhìn đó, khi được Chi cục Chăn nuôi và Thú y cung cấp các thông tin về chương trình tiêm thử nghiệm vacxin DTLCP NAVET-ASFVAC, anh đã mạnh dạn đăng ký tham gia.

“Mình biết việc thử nghiệm một loại vacxin hoàn toàn mới luôn có thể phát sinh những rủi ro, nhưng vẫn có niềm tin vì trước khi được phép lưu hành, các nhà khoa học, cơ quan quản lý các cấp đã thử nghiệm, đánh giá, rà soát rất kỹ”, anh Tuấn chia sẻ.  

Anh Tuấn thông tin thêm: Gia đình anh đăng ký tiêm thử nghiệm vacxin DTLCP trên 220 con lợn, đến hiện tại, đã qua 22 ngày, toàn bộ lợn được tiêm vacxin sinh trưởng và phát triển bình thường. Đến ngày 29/8, anh sẽ tiếp tục tiêm mũi 2 cho số lợn này. Tương tự, anh Phạm Hùng Diên, thôn Đan Thượng, xã Tân Phú (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) tham gia tiêm thử nghiệm vacxin DTLCP với số lượng 48 con lơn chia sẻ: Vợ chồng anh có trên 20 năm kinh nghiệm chăn nuôi lợn nhưng vẫn “bó tay” trong việc ngăn chặn sự tàn phá của DTLCP.

Năm 2019, toàn bộ đàn lợn nái gần 100 con của gia đình buộc phải tiêu hủy vì mắc DTLCP, ước tính thiệt hại 3 tỷ đồng. Bao nhiêu vốn liếng bỗng chốc bốc hơi khiến gia đình anh rơi vào cảnh lao đao. Nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của nhà nước, gia đình anh tiếp tục tái đàn, nuôi hi vọng gỡ gạc lại những gì đã mất.

Bằng sự nỗ lực, cố gắng và rút kinh nghiệm từ bài học xương máu, những lần tái đàn sau, anh Diên tuân thủ nghiêm ngặt những quy trình kỹ thuật và hướng dẫn phương pháp phòng chống DTLCP từ nhân viên thú y, nhờ đó gia đình anh từng bước khôi phục lại được đàn lợn.

IMG_3046

Anh Phạm Hùng Diên, thôn Đan Thượng, xã Tân Phú (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) tham gia tiêm thử nghiệm vacxin dịch tả lợn châu phi cho 48 lợn, đã qua 22 ngày không có biểu hiện bất thường nào. Ảnh: Trung Quân.

Anh Diên bộc bạch: Những giải pháp kiểm soát chặt chẽ các khâu trong chăn nuôi để hạn chế nguồn lây lan DTLCP rất quan trọng, tuy nhiên về lâu dài sẽ vẫn xuất hiện những kẽ hở để dịch xâm nhập. Do đó, chỉ khi nào có vacxin DTLCP thì người chăn nuôi mới thực sự an tâm tái đàn.

“Gia đình tôi đã từng trắng tay, nên khi biết có chương trình tiêm thử nghiệm vacxin DTLCP, chúng tôi không ngần ngại đăng ký luôn. Đến nay, toàn bộ 48 con lợn tiêm thử nghiệm mũi 1 vacxin DTLCP đã qua 22 ngày đều sinh trưởng và phát triển bình thường, không có biểu hiện ốm, sốt. Tới đây, gia đình sẽ tổ chức tiêm tiếp mũi 2”, anh Diên cho hay.

Ông Nguyễn Hiệp Khôi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Phúc cho biết: Để chủ động phòng, chống bệnh DTLCP, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch phòng chống DTLCP trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025 với những mục tiêu rất cụ thể:

Trên 90% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP trong 2 năm đầu thực hiện kế hoạch; trên 95% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP trong 2 năm tiếp theo và trên 99% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP trong 2 năm cuối thực hiện kế hoạch.

Xây dựng thành công ít nhất 10 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn bệnh DTLCP nhằm đáp ứng tiêu dùng trong tỉnh và hướng tới xuất khẩu lợn, sản phẩm thịt lợn.

Có 100% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, 90% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và 80% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ áp dụng các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học...

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất