| Hotline: 0983.970.780

Người có đàn dê nhiều nhất huyện Mỹ Đức

Thứ Hai 17/07/2023 , 08:32 (GMT+7)

Cửa chuồng vừa hé mở, bầy dê đã chen nhau để túa ra ngoài. Hàng trăm con dê lông đen, đốm trắng nổi bật lên trên cái nền xanh mướt mát của núi đồi.

Những điều kiện cần và đủ để nuôi dê

Đó chỉ là một trong hai đàn dê với tổng số hơn 400 con của anh Hồ Văn Lâm ở thôn Phú Yên, xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội). Thời gian anh gắn bó với vật nuôi này thấm thoắt đã gần 20 năm.

Xóm núi Phú Yên ngày xưa nghèo và heo hút lắm nhưng được cái đất đai rộng rãi, các thung lũng tiếp với những triền núi đá cứ trải dài tít tắp. Tận dụng lợi thế ấy, lúc đầu anh Lâm chăn 30 bò nhưng hiệu quả kinh tế chẳng được bao nhiêu, mà còn vất vả hơn cả cày ruộng khi phải gò lưng đi cắt cỏ, kéo cỏ 5-7 xe bò mới đủ thức ăn cho chúng mỗi ngày.

Gặp vài người nuôi dê trong vùng, thấy hay anh liền mua thử đôi tạ giống. Sau khi nuôi một thời gian, anh quyết định bán tất bò để chuyển sang đối tượng nuôi mới này bởi thấy nhiều cái thuận. Dê chỉ đi ăn có nửa buổi, từ quãng 2h chiều đến 6h chiều, không ăn cả sáng lẫn chiều như bò nên chăn nhàn hơn hẳn. Thêm vào đó thể hình tuy khiêm tốn nhưng lợi nhuận của một cặp dê nhỏ có thể bằng cả một con bò to bởi khả năng đẻ nhanh, đẻ nhiều của chúng.

Không có loại gia súc nào sinh sản được như dê, mỗi năm đều đặn cho hai lứa. Mẹ đẻ, con đẻ cùng một lúc cũng là chuyện thường, dù cho con mới chỉ được sinh ra vài tháng trước. Kỷ lục nhất là hồi anh Lâm giao 3 con dê mẹ cùng 1 con dê bố cho anh Sâm ở thị xã Duy Tiên tỉnh Hà Nam nuôi. Chỉ 3 năm sau anh quay lại, thấy kinh ngạc vì đàn dê đã phát triển lên tới 100 con nhờ vào điều kiện đất nhiều, cỏ lắm.

Chi phí thức ăn của dê gần như bằng không, chỉ tốn công chăn hoặc cắt cỏ, nhặt phụ phẩm nông nghiệp về. Dê chỉ trừ mỗi lá na, còn lá xoài, nhãn, vải, sung, mít, khoai… đều là những món khoái khẩu. Quả nào dê cũng ăn dù chua, đắng, chát đến mấy, đến vỏ quả sấu, vỏ quả chuối, vỏ quả dứa cũng không từ. Thậm chí vào mùa khô, dê còn không chê cả rơm, trấu, thân ngô mà vẫn tiêu hóa tốt, phát triển đều.

Anh Hồ Văn Lâm đang kiểm tra dê con. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Hồ Văn Lâm đang kiểm tra dê con. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thịt dê đã từ lâu thành một đặc sản, rất được thực khách ưa chuộng. Trong nhiều năm giá dê hơi luôn trên dưới 200.000đ/kg trong khi giá thành sản xuất chỉ khoảng 40-50.000đ/kg, giúp người chăn nuôi lãi lớn. Hiện giờ tuy giá dê đã xuống còn 120.000đ/kg nhưng nếu nuôi đúng kỹ thuật vẫn cho lãi khá bởi giá bán gấp đôi giá thành. Đầu ra của dê cũng thuận lợi hơn nhiều nếu so với trâu, bò, lợn.

Theo anh Lâm, điều kiện tiên quyết để nuôi dê là phải có đất rộng hoặc có ruộng để trồng cỏ voi, chủ động được thức ăn xanh chứ không thể nuôi kiểu công nghiệp như bò, gà, lợn được. Chuồng làm sàn phải cao, đảm bảo thoáng mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông dê sẽ bớt mắc bệnh.

Người mới nuôi nên tìm đến những cơ sở cung cấp giống uy tín, mua có bảo hành, không nên mua bán qua đường vì ham giá rẻ nhưng dê ủ bệnh cũng chẳng hay biết. Thất bại cũng từ những nguyên nhân đó mà ra cả.

Nuôi dê mà không nắm vững được kỹ thuật cũng khó có thể thành công. Chúng thường bị một số bệnh khó như thủy đậu, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, phổi dính sườn, trong đó nguy hiểm nhất phải kể đến thủy đậu và phổi dính sườn. Người chủ phải biết xem răng lợi, đọc bệnh của dê, quan sát tập tính sinh hoạt để biết con nào mắc nhanh chóng chữa trị.

Cả đàn đang ăn mà một con đứng nhìn là có thể nó đã chuẩn bị lên sốt. Nhìn kỹ hơn thể trạng của nó, mũi khô, lông dựng, không ăn, sưng mặt, sừng mồm là lở mồm long móng; lông đuôi ướt là tiêu chảy; xỉ mũi, ho gầy là viêm phổi dính sườn; Còn khi cả đàn ho sù sụ là viêm phổi cấp. Khi muốn gọi dê về sớm hơn thường lệ thì đập đập vào máng ăn, còn để chúng nhớ đường về chuồng thì thỉnh thoảng cho ăn thêm chút muối.

Trong điều kiện chăn dê ở vùng núi đá như Hương Sơn, đang đi ăn mà nghe tiếng be be thất thanh, một là sa xuống hố, hai là bị trăn bắt. Dê không có tay nhưng lắm khi còn khéo hơn cả người. Đã nhiều lần chăn trên núi, anh Lâm quan sát thấy những con dê đứng trên đất chỉ bằng hai chân sau, còn hai chân trước đạp trên cây, đè vào thân cho nó cong xuống rồi kẹp ngọn vào cổ của mình mà ghé miệng ăn dần lá non. Một cái cây cong cũng không làm khó dễ được chúng khi có thể leo ra ăn như những con khỉ.

Đàn dê 100 con của anh Hồ Văn Lâm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đàn dê 100 con của anh Hồ Văn Lâm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khi dê 1 tháng tuổi đã biết leo núi. Lúc đầu những bước chân của chúng còn run rẩy, vừa leo vừa nhảy lon chon nhưng chỉ một thời gian sau như có nam châm, cứ dính chặt vào đá. Dê không có đồng hồ nhưng quay về chuồng rất chính xác vào 5-6h chiều, trừ hôm nào chủ thả quá muộn, ăn chưa đủ no, chúng mới nán lại trên núi vài chục phút.  

Nếu muốn nuôi sinh sản thì phối dê Boer với dê Bách Thảo sẽ ra con lai F1 cho sữa dài, nuôi con khéo. Nếu muốn chuyên thịt thì nuôi Boer. Nếu muốn chất lượng thịt tốt thì nuôi Bách Thảo. Nhưng giống chỉ quyết định thể hình to hay nhỏ, còn giống nào mà nuôi kiểu chăn thả dân dã vẫn cứ là chất lượng thịt tốt.

Người bán nhà vì nuôi dê, người xây nhà nhờ nuôi dê

Không chỉ chăn dê giỏi, buôn dê tài, mà anh Lâm còn chế biến rất khéo. Chính bởi làm thêm dịch vụ này đã khép kín quy trình từ nuôi, tiêu thụ đến chế biến của anh giúp cho thu lợi nhuận một cách tối đa và  có những kinh nghiệm hay. Nhìn dê là biết chất lượng thịt. Thường thì những con dê 1 năm tuổi, bắt đầu thay răng sẽ cho thịt ngon nhất. Để quá thời gian này, con đực sẽ cho thịt mùi khét, còn con cái đẻ rồi sẽ cho thịt dai.

Chỉ cần nhìn vào bàn tay là biết ngay ai lọc thịt giỏi. Bàn tay không một vết sẹo thì đường dao sẽ mềm mại. Mắt có thể nhìn ra chỗ khác mà vẫn thoăn thoắt lọc thịt như thường. Còn người giỏi chế biến chỉ cần ngửi đã biết được độ mặn nhạt, không cần phải nếm.

Đàn dê của anh Hồ Văn Lâm đang đi ăn trong thung lũng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đàn dê của anh Hồ Văn Lâm đang đi ăn trong thung lũng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ngoài cung cấp giống dê trong xã, anh Lâm còn cung cấp giống dê và tư vấn kỹ thuật cho các dự án chăn nuôi ở những xã khác trong huyện như An Phú, An Tiến, Hợp Thanh hay cả các tỉnh, thành. Anh đúc kết, đa số người nuôi dê thất bại là khi mua phải giống không đảm bảo chất lượng hay mua giống nơi này chuyển đi nơi khác khiến dê chưa kịp thích ứng với môi trường. Dê rất dễ sốc nhiệt, nóng viêm phổi, lạnh cũng viêm phổi, ho sốt. Vì dê rất nhạy cảm nên anh phải có mũi tiêm chuyển vùng để chắc chắn việc chưa hết thời gian bảo hành sẽ chưa lấy tiền của mình.

Những chủ buôn, chủ trang trại dê lớn mà không có bí quyết riêng rất dễ phải bán đất, bán nhà. Còn anh Lâm thì từ hồi nuôi dê không chỉ nuôi được con ăn học lại còn mua thêm được 3 mảnh đất thổ cư, 10 mẫu đất nông nghiệp và xây được căn nhà 3 tầng nổi 1 tầng hầm rộng thênh thang. Tính ra trung bình mỗi năm anh xuất đi trên 100 con dê, thời điểm thị trường thuận thu lợi 500-600 triệu đồng, thời điểm thị trường khó khăn như hiện tại thu 300-400 triệu.

Dạo này dê Thái Lan tràn sang nhiều, con trung bình nặng 40-50 kg, con to nặng gần 1 tạ, giá bán dưới 100.000đ/kg nên cạnh tranh rất mạnh với dê Việt Nam. Nhưng trước tình hình đó, anh Lâm không thấy hoảng hốt vì tin rằng người tiêu dùng tinh ý sẽ chọn theo chất lượng chứ không phải là số lượng, giá rẻ.

Xã Hương Sơn có hàng trăm hộ nuôi dê, hộ đất hẹp nuôi 20-30 con kiểu tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp, mỗi năm có thể kiếm vài chục triệu, hộ đất rộng nuôi cả trăm con, mỗi năm có thể kiếm trên trăm triệu.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cảnh báo: Vùng núi Bắc bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Các chuyên gia cảnh báo, trong những ngày tới, mưa lớn có nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi Bắc bộ.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.