| Hotline: 0983.970.780

Người đàn bà tật nguyền trên phá Tam Giang

Thứ Sáu 16/04/2010 , 11:03 (GMT+7)

Một hôm, câu nói của người hàng xóm làm thay đổi đời chị; từ đó đêm nào chị cũng bơi thuyền một mình đi đánh cá trên phá Tam Giang.

Chị Thuận hàng ngày một mình chèo thuyền đi đánh cá

Sinh ra không may mắn như người bình thường, cuộc đời chị trải qua những năm tháng buồn tủi, cô quạnh. Nhưng một hôm, câu nói của người hàng xóm làm thay đổi đời chị; từ đó đêm nào chị cũng bơi thuyền một mình đi đánh cá trên phá Tam Giang.

Thân cò giữa đêm vắng

Chiều tối mịt, chị Phạm Thị Thuận (46 tuổi), ở thôn tái định cư Thuỷ Diện, xã Phú An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) lê từng bước ra khỏi sân nhà rồi mệt nhọc leo lên chiếc xe lăn để ra chiếc thuyền nan bắt đầu một đêm đánh cá. Chúng tôi đánh liều xin theo để biết cái khổ của chị giữa màn đêm mịt mùng giăng kín.

Bến cá thôn tái định cư Thủy Diện nằm cách nhà chị cả cây số. Xuống khỏi xe lăn, chị dùng đôi dép nhựa đeo vào hai đầu gối rồi bò xuống thuyền. Nhìn hình dạng chị ai cũng nhói lòng. Chị sinh ra chân phải bị cụt, cổ chân trái bị teo tóp, tay trái chỉ có 3 ngón dính liền nhau, tay phải có đủ 5 ngón nhưng lại ngón ngắn ngón dài. Chị đi lại bằng đầu gối của đôi chân.

Chị chậm rãi leo lên chiếc thuyền đầy mệt nhọc. Chị vận hết sức mình vào cánh tay không lành lặn mới chèo được chiếc thuyền men theo dòng nước ra khỏi bến cá. Chèo khoảng vài nhịp thì chị dừng lại rồi cầm vợt quét một vòng dưới lòng nước để xúc cá, rồi lại chèo, rồi dừng lại để quét vợt... Công việc cứ lặp đi lặp lại trong sự chậm rãi đến nặng nề. Suốt đêm cứ chèo thuyền rồi lại quét vợt bắt cá như thế, chỉ có lúc mệt quá chị mới lấy tấm chăn ra đắp cố ngủ một giấc lấy sức.

Khi bình minh bắt đầu thì công việc chị Thuận mới kết thúc. Nhìn vào sọt chỉ có vài ba cân cá, đó là công sức của chị bỏ ra sau một đêm mệt nhoài. Chị Thuận cười trừ: “Chừng ni cá đủ hai mẹ con tui ăn cả ngày rồi. Cái nghề ni lúc có thì được vài ba chục ngàn, có lúc không được nổi một con mà ăn”. Nói rồi chị lê từng bước bước xuống mặt nước, lội qua những thứ bẩn thỉu ở bến cá rồi leo lên chiếc xe lăn để về nhà.

 Câu nói thay đổi cuộc đời

Căn nhà đơn sơ của một người hảo tâm ở ngoài Hà Nội xây cho mẹ con chị từ năm 2007 trông rất sạch sẽ, thoáng mát. Chị Thuận không giấu được niềm vui: “Nói thiệt chứ tui chưa từng dám mơ mình có được ngôi nhà như ri mô chú à. Tui cứ nghĩ cuộc đời mạ (mẹ) tui, đời tui sẽ sống và chết trong căn nhà rách nát, tạm bợ thôi”.

Bà Nguyễn Thị Chót năm nay đã 66 tuổi, cuộc sống của hai mẹ con, một già một tàn tật dựa vào nhau bằng nghề đánh cá của chị. “Từ hồi sinh ra đến khi 30 tuổi tui như một người an phận tật nguyền. Nhưng sau khi cha mất, mấy đứa em đi ở riêng, hai mẹ con sống khổ quá nên tui đánh liều xuống thuyền tập đi đánh cá. Lúc đầu mới bước xuống thuyền chân đau lắm, tay vụng về chèo mãi không được. Nhiều người khuyên đừng đi làm nghề cá vì giữa đêm ở dưới nước nếu lật thuyền là chết liền. Nhưng tui phải liều mà đi làm chứ ai nuôi mình, nuôi mẹ già?", chị Thuận tâm sự.

Trước cơn lũ lịch sử năm 1999, cả gia đình chị Thuận phải sống trên một con đò vì chưa có đất tái định cư. Chị gọi tuổi thơ của mình là những tháng ngày vô tích sự. Chị tâm sự: “Từ khi biết nghĩ cho đến năm 30 tuổi, lúc mô tui cũng nghĩ mình là người thừa, là gánh nặng cho gia đình. Tui đã mày mò học làm rất nhiều việc như chằm nón, đan lưới, học may… nhưng bàn tay không chịu nghe theo sự điều khiển của tui. Nhiều lần tui khóc ướt cả áo, nằm lì trên giường ai hỏi cũng không nói, chỉ biết chờ mạ tui đi kiếm tiền về nấu cơm rồi ăn”.

Cha qua đời sau một trận đau nặng, lần lượt những người em đi lấy chồng, cuộc sống của hai mẹ con chị ngày càng khó khăn hơn. Sau trận lũ năm 1999, hai mẹ con chị Thuận được chính quyền xã Phú An cho lên bờ định cư ở khu tái định cư Thuỷ Diện, nhờ đó chị mới bò đi chơi được ở những gia đình bà con, bạn bè, hàng xóm.

Nhớ lại những bận suýt chết giữa sóng nước, chị Thuận không khỏi rùng mình: “Biết là nguy hiểm nhưng phải đi làm chứ mẹ già, tui tàn tật biết lấy chi mà sống. Phải cố mà làm thôi chú à, rồi sau này cuộc sống răng thì nhờ rứa”.

Một hôm mẹ chị bị ốm nặng, không đi làm được, gạo trong thùng lại hết sạch, chị đánh liều bò qua nhà hàng xóm mượn gạo về nấu ăn. Sau khi cho chị Thuận mượn gạo, người hàng xóm nói với chị: Năm nay chị cũng 30 tuổi rồi, mạ chị đã hơn 50 tuổi, cũng có ngày mạ chị nhắm mắt xuôi tay, mấy đứa em chị cũng nghèo, không đủ ăn. Nếu chị cứ ngồi ở nhà đợi mạ chị làm chi ăn thì sau ni mạ chị chết chị mần răng? Chị tàn tật, nhưng vẫn chưa thành phế nhân, răng không đi làm việc chi đó mà cứ nằm nhà chờ ăn rứa?

Sau khi nghe người hàng xóm nói, chị Thuận vừa buồn vừa ngại nhưng cảm giác lúc đó như người vừa tỉnh sau cơn ngủ mê dài ngày. Chị quyết tâm làm một nghề kiếm sống. “Ngày mô tui cũng giấu mạ bò ra bến cá, leo lên chiếc thuyền đánh cá để tập chèo. Nhiều lần chiếc thuyền xoay như chong chóng, lật úp, may có bà con cứu chứ không tui mất mạng. Tui khóc nhiều lắm khi cứ nghĩ rằng mình không thể cầm nổi tay chèo chèo thuyền”, chị nhớ lại.

Chèo riết cũng quen, từ đó chị săm một bình ắc quy, vợt xúc cá, đèn pin… đêm đêm thay mẹ già đi đánh cá. Chị kể: “Trước đây chưa có xe lăn nên tui đi từ nhà ra bến cá phải lết bằng chân, vì rứa nên chân lúc mô cũng sưng tấy, bị ngứa, mẻ chai cắt chay máu. Cũng không biết mấy chục lần tui ngã nhào xuống nước, may mà toàn ở nước cạn chứ nước sâu thì chết mất xác”. Từ đó, chỉ trừ ngày lễ tết, mưa gió bão tố, còn đêm nào chị cũng một mình bơi thuyền đi đánh cá giữa vùng đầm phá Tam Giang. Chị Nguyễn Thị Thu, một người dân ở sát bến cá nói: “Lúc đầu nhìn chị Thuận mò mẫm đi đánh cá cả làng ai cũng xót xa, thương chị. Nhưng vì thôn xóm nghèo quá nên chẳng giúp được gì cho chị mà chỉ biết cầu mong cho chị khỏe mạnh, bình yên”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm