| Hotline: 0983.970.780

Người dân bức xúc vì nhà máy bột cá gây ô nhiễm

Thứ Tư 06/10/2021 , 09:12 (GMT+7)

Dù người dân nhiều lần phản ánh tình trạng ô nhiễm mùi hôi từ nhà máy chế biến thủy sản với các ngành chức năng nhưng đến nay vẫn chưa thể khắc phục triệt để.

Nhiều người dân ở TP Quảng Ngãi rất bức xúc vì tình trạng ô nhiễm xuất phát từ nhà máy chế biến bột cá trên địa bàn. Ảnh: N.Đ.

Nhiều người dân ở TP Quảng Ngãi rất bức xúc vì tình trạng ô nhiễm xuất phát từ nhà máy chế biến bột cá trên địa bàn. Ảnh: N.Đ.

Những năm qua, người dân các xã Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) vô cùng bức xúc vì phải thường xuyên sống chung với mùi hôi thối bốc ra từ nhà máy chế biến thủy sản Sa Kỳ thuộc Công ty Cổ phần Bột cá Thanh Hoa. Đặc biệt, vào thời điểm trời nắng nóng, tình trạng này lại nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Ông Phạm Quốc Ánh (trú thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ) cho hay: “Mùi từ nhà máy chế biến thủy sản này bốc ra rất khó chịu, khét, nồng, hôi thối, đi đường bịt khẩu trang hai ba cái mà cũng như không. Nhà tôi cách đó có 100m, tới bữa cơm dọn lên mà nghe mùi này là chả ai muốn ăn, bà con chúng tôi chịu hết nổi”.

Theo ông Ánh, tình trạng ô nhiễm này kéo dài từ lâu rồi, nhất là thời điểm từ 17 giờ chiều trở về đêm, nhà máy xả khói bốc mùi hôi nồng nặc lan tỏa khắp địa bàn khu dân cư đã ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân nơi đây.

Đại diện nhà máy cho rằng, việc mùi hôi phát tán ra môi trường là do gặp sự cố trong sản xuất. Ảnh: N.Đ.

Đại diện nhà máy cho rằng, việc mùi hôi phát tán ra môi trường là do gặp sự cố trong sản xuất. Ảnh: N.Đ.

Còn ông Phạm Thành Phương (61 tuổi, ngụ xã Tịnh Kỳ) nhà cách đó không xa, nên mỗi khi có gió thổi thì hầu như “ẳm trọn” mùi đặc trưng này. Ông Phương cho biết, những năm qua, gia đình ông luôn trong tình cảnh bị tra tấn bởi mùi hôi thối của nhà máy. Vào những ngày nắng nóng, có gió nổi lên thì mùi hôi từ nhà máy phát ra càng nồng nặc.

“Chúng tôi không thể ngủ được. Ăn miếng ăn cũng không thấy ngon nữa. Sức khỏe của người dân càng ngày càng ảnh hưởng. Nếu như tình trạng này kéo dài thì cuộc sống của người dân chúng tôi bị đảo lộn. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền và cơ quan chức năng có biện pháp nào đó, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường này nhằm đảm bảo cuộc sống cho người dân”, ông Phương kiến nghị.

Không chỉ ở khu vực xã Tịnh Kỳ mà người dân ở các xã Tịnh Hòa, Tịnh Khê cách xa nhà máy hơn 1km cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi mùi hôi thối này của nhà máy. Một người dân bức xúc: “Cả ngày đi làm mệt mỏi, tối đến người dân chúng tôi muốn có giây phút nghỉ ngơi, muốn mở cửa sổ để hưởng chút gió thì mùi hôi lại ập vào. Chúng tôi rất bức xúc về việc này nhưng đến nay chưa hề có dấu hiệu thay đổi”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Nhà máy Chế biến Thủy sản Sa Kỳ, thuộc Công ty Cổ phần Bột cá Thanh Hoa được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp phép hoạt động từ năm 2014 ở cảng Sa Kỳ (xã Tịnh Kỳ), với công suất 3.000 tấn/năm. Tuy nhiên, qua nhiều năm hoạt động đã xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Thanh, Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ cho biết, tình trạng ô nhiễm không khí từ nhà máy bột cá của Công ty Thanh Hoa đã diễn ra nhiều năm nay. Nhiều đoàn kiểm tra của huyện, tỉnh đã đến làm việc với doanh nghiệp, nhưng đến nay vẫn chưa thể khắc phục dứt điểm mùi hôi thối.

“Địa phương cũng đã mời đại diện Công ty Thanh Hoa làm việc và có cam kết là sẽ khắc phục. Khi địa phương làm việc thì có khắc phục nhưng mà được một thời gian thì sự việc lại quay lại. Đây cũng là một trong những bức xúc của chính quyền địa phương và nhân dân. Xã đã báo cáo vấn đề này với thành phố, với tỉnh nhưng đến nay vấn đề giải quyết chưa được triệt để”, ông Thanh cho biết thêm.

Hình ảnh bên trong nhà máy chế biến bột cá của Công ty Thanh Hoa. Ảnh: L.K.

Hình ảnh bên trong nhà máy chế biến bột cá của Công ty Thanh Hoa. Ảnh: L.K.

Theo ông Trịnh Khắc Kim, Phó Giám đốc Nhà máy chế biến thủy sản Sa Kỳ thừa nhận, phản ánh của người dân về mùi hôi của nhà máy phát tán ra môi trường là đúng. Tuy nhiên, ông Kim cho rằng đây là sự cố khách quan, do trong quá trình sản xuất, hệ thống gặp sự cố về điện. Tình trạng bốc mùi hôi xảy ra chủ yếu ở thời điểm tháng 6 năm 2021. Đây là thời điểm nhà máy vận hành máy để sản xuất bột cá thì xảy ra sự cố bị vỡ đường ống bơm nước thải xử lý khí thải, phát tán mùi ra môi trường.

Cũng theo ông Kim, khi người dân phản ánh, nhà máy chủ động khắc phục song không thể  triệt để vì sự cố máy móc xảy ra ngoài ý muốn. Hiện, nhà máy đã tính đến phương án kiến nghị lên Tổng công ty để được đầu tư thêm ống xử lý mùi hôi, nâng cấp hệ thống máy móc, thiết bị công nghệ nhằm hạn chế xảy ra các sự cố, khắc phục mùi hôi thải ra môi trường bên ngoài.

Ông Hà Hoàng Việt Phương, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi cho biết, thực tế, việc Nhà máy chế biến bột cá đặt tại cảng Sa Kỳ đã góp một phần không nhỏ vào phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, phát triển kinh tế nhưng phải đi kèm với bảo vệ môi trường, đảm bảo lợi ích cho nhân dân.

“Quan điểm của địa phương là tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp hoạt động, nhưng tiên quyết là phải đảm bảo môi trường và không ảnh hưởng đến người dân. UBND TP Quảng Ngãi cũng đã gửi báo cáo về tình hình này lên Sở NN-PTNT để có hướng giải quyết”, ông Phương nói.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.