| Hotline: 0983.970.780

Nhà máy xử lý rác gây ô nhiễm vì... đốt rác lộ thiên

Thứ Năm 21/05/2020 , 11:20 (GMT+7)

Nhà máy xử lý rác nghìn tỷ tại TP. Kon Tum đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng cuộc sống của nhiều hộ dân xung quanh.

Bãi rá khổng lồ gây ô nhiễm môi trường vì không có lò đốt rác. Ảnh Tuấn Anh.

Bãi rá khổng lồ gây ô nhiễm môi trường vì không có lò đốt rác. Ảnh Tuấn Anh.

Thời gian qua rất nhiều người dân phản ánh, ngày nào nhà máy xử lý và tái chế rác thải của công ty TNHH Song Nguyên Kon Tum (phường Ngô Mây, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cũng đốt rác, khói đen phủ kín cả bầu trời.

Phóng viên đã có buổi ghi nhận thực tế tại bãi rác được xem là lớn nhất tỉnh Kon Tum. Bãi rác có diện tích khoảng  hơn 1ha, hàng ngày gần trăm tấn rác sinh hoạt được tập kết về đây. Từ cổng chính của nhà máy đến bãi rác, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Bãi rác được chất thành đống cao vượt đầu người. Sau đó, rác được đốt thủ công, khói bay mù mịt khắp nơi.

Là người biết rõ về tình trạng ô nhiễm nơi đây, ông Trần Anh Dũng (trú phường Ngô Mây) cho biết, mỗi khi nhà máy đốt rác, khói đen bốc lên nhìn giống như một quả bom vừa phát nổ. Kèm theo đó, mùi hôi từ những đám cháy bay về khu dân cư gây ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân.

“Nhà máy được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng cách xử lý rác lại quá thủ công. Với cách xư lý rác như thế này, chỉ cần 1 que diêm người dân bình thường như chúng tôi cũng có thể làm được” – ông Dũng cho biết.

Cũng phản ánh về tình trạng ô nhiễm, ông Trần Văn Bảy (thôn Thanh Trung, phường Ngô Mây) cho biết, mỗi khi đốt rác, những làn khói nồng nặc mùi hôi thối bay vào nhà những người dân khu vực xung quanh gây ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng.

“Không hiểu sao nhà máy lại không thu gom, xử lý theo quy trình mà lại đốt rác gây ô nhiễm môi trường đến như vậy” – ông Bảy than thở.

Mùi hôi thối của bãi rác gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân. Ảnh Tuấn Anh.

Mùi hôi thối của bãi rác gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân. Ảnh Tuấn Anh.

Để tìm hiểu quy trình xử lý rác, phóng viên đã liên hệ làm việc với công ty Song Nguyên Kon Tum, tuy nhiên lãnh đạo đã từ chối với lý do bận đi họp.

Theo tìm hiểu được biết, nhà máy xử lý và tái chế rác thải Song Nguyên Kon Tum được khởi công xây dựng tháng 12/2015. Dự án có nhiều hạng mục với tổng kinh phí đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Công suất xử lý rác thải của nhà máy đạt 200 tấn/ngày.

Được biết, công ty Song Nguyên Kon Tum thực hiện việc đốt rác lộ thiên gây ô nhiễm môi trường đã diễn ra từ cuối năm 2019. Sau khi nhận được phản ảnh của nhiều người dân, phòng TN&MT TP. Kon Tum cũng đã phối hợp với UBND phường Ngô Mây đã tiến hành kiểm tra thực tế tại nhà máy và xử lý.

Ông Nguyễn Quốc Vương, Trưởng phòng TN&MT TP.Kon Tum cho biết, sau khi làm việc, công ty Song Nguyên Kon Tum thừa nhận chưa đầu tư lò đốt rác. Chính vì vậy, khi lượng rác khổng lồ tập kết về không xử lý kịp nên công ty cho đốt trực tiếp.

Ông Vương cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu công ty Song Nguyên Kon Tum thực hiện đúng các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt. Ngoài ra, chúng tôi cũng  yêu cầu công ty không được phép đốt rác xung quanh khu vực nhà máy gây ô nhiễm môi trường. Nếu công ty vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

Ngày nào nhà máy cũng đốt rác, khói đen phủ kín cả bầu trời. Ảnh: Tuấn Anh.

Ngày nào nhà máy cũng đốt rác, khói đen phủ kín cả bầu trời. Ảnh: Tuấn Anh.

Trong khi đó, ông Huỳnh Thúc Viên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Kon Tum khẳng định, việc nhà máy Song Nguyên Kon Tum đốt rác thải là sai quy định. Rác sau khi thu gom về sẽ được phân loại, trải qua nhiều giai đoạn, quy trình xử lý. Đối với rác thải không thể tái chế sẽ phải đưa vào lò đốt theo đúng quy trình.

“Theo tôi được biết, công ty này đang khó khăn về tài chính nên vẫn chưa đầu tư lò đốt rác. Do vậy, những rác thải không thể tái chế thay vì phải được xử lý phù hợp hơn thì công ty lại đốt lộ thiên, như vậy rất độc hại” – ông Viên nói và cho biết sẽ đi kiểm tra và xử phạt theo quy định.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.