| Hotline: 0983.970.780

Người dân không đồng tình chuyển đổi 174 ha rừng thông thành khu thể thao

Thứ Sáu 18/12/2020 , 11:15 (GMT+7)

Rất nhiều ý kiến của người dân không đồng tình về việc Gia Lai xin chuyển đổi 174 ha đất rừng thông để xây dựng dự án khu thể thao.

Nguy cơ rừng thông cổ thụ bị phá bỏ để xây dựng khu thể thao.

Nguy cơ rừng thông cổ thụ bị phá bỏ để xây dựng khu thể thao.

Ngay sau khi Báo Nông Nghiệp Việt Nam thông tin về việc Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) đề nghị UBND tỉnh Gia Lai cân nhắc việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng để làm khu thể thao tại huyện Đăk Đoa, rất nhiều người dân đã không đồng tình với dự án này.

Theo nhiều người dân, khu vực làm sân golf thuộc rừng thông cổ thụ nhiều năm tuổi. Việc phá bỏ rừng thông cùng với đồi cỏ hồng tuyệt đẹp sẽ làm mất đi khu du lịch nổi tiếng ở Gia Lai. Quan trọng hơn, rừng thông đang tạo cảnh quan, giữ đất và được xem như lá phổi xanh của huyện Đăk Đoa.

Khi nghe thông tin chuyển đổi rừng thông để làm khu thể thao, ông Blin (thôn 4, xã Glar, huyện Đăk Đoa) cảm thấy tiếc nuối đồng thời không ủng hộ dự án này. Theo ông Blin, nơi đây đang có rừng thông bonsai cổ thụ và đồi cỏ hồng tuyệt đẹp, hàng năm thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan.

“Người dân chúng tôi đang được hưởng lợi rất nhiều nhiều từ khu du lịch rừng thông và đồi cỏ hồng. Còn giờ xây dựng khu thể thao chỉ phục vụ cho giới nhà giàu xem ra bất hợp lý”, ông Blin chia sẻ.

Nhà ở ngay cạnh rừng thông, ông Lê Anh Thư (thôn 4, xã Glar, huyện Đắk Đoa) cho biết chỉ ủng hộ khu thể thao nếu vẫn giữ nguyên rừng thông.

“Phá bỏ rừng thông là quá lãng phí. Nhà nước nên xem xét lại vì rừng thông không chỉ tạo cảnh quan mà còn là địa điểm du lịch khá lý tưởng. Xây dựng khu thể thao cần hài hòa giữa lợi ích địa phương và cảnh quan thiên nhiên”, ông Thư cho biết.

Ông Bluk, Trưởng thôn 4, xã Glar cho biết, khu vực rừng thông phần lớn là người đồng bào dân tộc Ba Na sinh sống, họ không biết xây dựng khu thể thao để làm gì.

“Chắc chắn việc xây dựng khu thể thao sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của người dân trong vùng”, ông Bluk nói và cho biết, huyện về lấy ý kiến nhiều lần nhưng người dân trong thôn không đồng tình.

Theo ông Bluk, rừng thông nơi đây quanh năm có không khí trong lành. Đây cũng như một điểm nhấn văn hoá khi nhiều người dân tụ tập về để biểu diễn cồng chiêng và các loại hình nghệ thuật khác.

Rừng thông và đồi cỏ hồng hàng năm đón hàng ngàn du khách đến tham quan.

Rừng thông và đồi cỏ hồng hàng năm đón hàng ngàn du khách đến tham quan.

Đánh giá về ý kiến của Tổng cục Lâm nghiệp, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, dự án khu thể thao mới chỉ có chủ trương đầu tư và chưa cấp phép xây dựng. Theo quy định, đất rừng phải được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thương mại - dịch vụ thì mới thực hiện được.

Vị lãnh đạo này cũng cho biết, dù quan điểm của tỉnh muốn doanh nghiệp tầm cỡ vào đầu tư để phát triển kinh tế địa phương nhưng phải theo quy định của pháp luật.

Như Báo Nông Nghiệp Việt Nam đưa tin, Tổng cục Lâm nghiệp đã có văn bản gửi UBND tỉnh Gia Lai về việc thẩm định hồ sơ xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đề thực hiện dự án khu thể thao tại huyện Đăk Đoa.

Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, dự án khu thể thao khi xây dựng và đi vào hoạt động sẽ phải chuyển mục đích sử dụng 174,01 ha đất rừng (trong đó có 155,93 ha rừng trồng thông từ năm 1976 với trữ lượng 15.000,9 m3) làm mất đi vĩnh viễn thảm thực vật rừng lớn đã ổn định gần 50 năm. Đồng thời, việc chuyển đổi dự án sẽ làm ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.

Hơn nữa, theo Tổng cục Lâm nghiệp, thời gian qua biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai diễn ra ngày càng phổ biến, gây ra lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng ở một số địa phương, cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân, nhưng các đại biểu đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, dư luận xã hội, các chuyên gia đặt vấn đề có ảnh hưởng của việc giảm diện tích rừng, đã làm thay đổi đặc tính tự nhiên, tính bền vững của tự nhiên, nhất là đối với các tỉnh miền núi và Tây Nguyên.

Trước đó vào cuối tháng 11/2020, UBND tỉnh Gia Lai có tờ trình số 2402 xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để xây dựng dự án khu thể thao.

Được biết, dự án khu thể thao sẽ được xây dựng trên trên khu đất 197,3 ha tại các xã Glar, Tân Bình và thị trấn Đắk Đoa của huyện Đắk Đoa. Tổng chi phí thực hiện dự án trên 1.300 tỷ đồng.

Dự án khu thể thao được xây dựng sẽ tạo ra một quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp và trở thành trung tâm du lịch của khu vực Bắc Tây Nguyên.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.