| Hotline: 0983.970.780

Người đàn ông có tầm nhìn xa 2 mét

Thứ Tư 04/01/2012 , 10:16 (GMT+7)

Từ trèo cây, lội cá, chăn trâu, cắt cỏ đến hàng xáo, nấu rượu, học tin, người đàn ông có tầm nhìn xa trên dưới 2m này đều tựa như có mắt thần.

Một người mù dám lặn lội sang Thái Lan 2 năm ròng làm thuê, học kinh nghiệm chăn nuôi, tiếng Thái thành thạo chẳng kém người bản xứ. Một người mù từ trèo cây, lội cá, chăn trâu, cắt cỏ đến hàng xáo, nấu rượu, học tin đều tựa như có mắt thần.

"Sa oặt đi khắp"

Giáp mặt anh, tôi chào bằng một câu tiếng Thái mới học mót “Sa oặt đi khắp” (xin chào) rồi ngồi ngẩn một hồi lâu nghe anh nói hoàn toàn bằng tiếng Thái. Hoàng Quốc Việt (xã Dị Chế, Tiên Lữ, Hưng Yên) sinh ra trong một gia đình 6 anh chị em thì có 4 người mù bẩm sinh. Mù, nhưng Việt vẫn ham học. Nằn nì xin một chỗ ở ngoài cửa lớp, Việt bắc một chiếc ghế con làm bàn, ngồi xệt dưới đất mà cặm cụi nghe rồi viết. Thế mà học bao giờ cũng đứng đầu lớp. Hết lớp bảy ở làng, lên cấp ba trường xa quá anh đành bỏ.

Anh Việt đang cho cá ăn

Ở nhà Việt đi cấy, đi nhổ mạ rồi chăn trâu. Trước khi đi, bố chỉ dặn ngắn gọn: “Đến đồng nào ít vướng lúa, nhiều cỏ tốt mà chăn kẻo người ta đuổi không biết đường mà chạy nghe con”. Hồi nhỏ Việt cưỡi trâu, lớn lên đâm ngượng quyết định tự đi. Trâu dẫn người đi mà gặp kẻ vác gầu sòng, gặp người lấy củi, Việt cũng đâm bổ vào, máu loang đầy mặt. Đi trên đường mà người ngồi chơi trong bóng mát Việt cũng vấp ngã chỏng, ngã chơ. Đến chuyện lấy vợ mới thực sự lạ. Vợ Việt là một người đàn bà góa lúc chưa kịp tân hôn bởi chú rể gặp tai nạn rồi mất trên đường đi mời cưới. Tiếc người chồng mới, cám phận hẩm hiu, cô dâu ngằn ngặt khóc ngày, khóc đêm. Bố Việt khi đó đi bốc thuốc thấy thế liền mai mối, gá nghĩa cho thằng con mù ở nhà.

Lấy nhau rồi ở riêng, bố mẹ đẻ cho 50 kg thóc, bố mẹ vợ cho đôi lợn giống cùng 100 kg thóc. “Nếu để ăn chẳng mấy sẽ hết thóc, chi bằng đem số thóc hồi môn ấy đi xát đem bán lấy tiền rồi lại đong thóc xát bán”. Việt thủ thỉ bàn với vợ. Họ thành hàng xáo chuyên nghiệp lúc nào chẳng hay. Vào nghề, Việt “nhìn” toàn bằng mắt vợ từ chuyện xem thóc tốt, thóc xấu, đường xá ổ gà, đi trái đi phải đến theo vợ thồ hàng ra chợ. Chị đong, anh đẩy, còng lưng hết làng nọ, làng kia, tối rải gạo ra nhà lọc ít tấm phần ăn, phần nuôi lợn còn gạo đem bán. Xưa gạo đong bằng bơ chứ không cân. 100 bơ gạo mà bỏ 5 bơ tấm vào đong vẫn là…100 bơ gạo do tấm chui vào giữa những kẽ hở của hạt. Vợ chồng Việt lần hồi qua ngày bằng chỗ tấm lọt khe ấy với những bữa cơm thường trực rau lang chấm muối hột hòa nước.

Mấy năm sau vợ sinh con ở nhà, mất người dẫn đường, Việt không theo nổi nghề hàng xáo nữa đành quay sang nghề nấu rượu. Nhờ đôi tai vàng trời phú, anh có thể nghe tiếng rượu chảy ra chai mà biết nó vơi hay đầy. Bàn tay tinh nhạy sờ vào bỗng rượu biết ngấu hay chưa. Lấy công làm lãi, lấy bã chăn nuôi, lần lần đàn lợn của nhà lên tới 3 nái cùng 30 thịt. Các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi anh hiếm khi vắng mặt. Lúc đầu thấy Việt lọc cọc dò dẫm vào lớp, trưởng thôn lạ lắm liền hỏi: “Tại anh vào đây”. "Em đi họp ạ?. “Ai bảo anh đi họp?” Trưởng thôn hỏi tiếp, Việt mới chìa ra cái giấy mời ghi rõ tên anh trong khi phần đa chỉ được mời họp bằng miệng.

Đi tập huấn, anh nghe rồi cố nhớ, cái gì không biết thì hỏi thật tỉ mỉ kiểu như tiêm cách tai, cách gáy bao nhiêu, sờ nóng lạnh thế nào là lợn bệnh. Về Việt áp dụng ngay, lắm bận tiêm chọc cả vào tay. Lợn thương hàn sờ vào thân thấy nóng rẫy, thò tay vào hậu môn thấy táo bón là đúng. Lợn viêm phổi thường ho, sốt nhưng không kèm táo bón. Lợn phù đầu thì khó hơn. Đổ cám vào máng nếu thấy thiếu một đầu lợn là biết có con bỏ ăn. Việt làm viên than đánh dấu lại rồi tất tả chạy đi gọi vợ hoặc nếu chị không có nhà thì gọi hàng xóm sang xem hộ con lợn đó mặt có phù, đầu có sưng, cổ có lệch không để tách ra mà chữa. Bệnh này không kịp thời điều trị từ sáng đến tối là con vật sẽ chết và có thể lây cho cả đàn.

Chăm sóc lợn nái

Có bà chị họ chuyên buôn ba ba từ Thái Lan về Việt Nam nhưng gặp khó khăn trong giao dịch vì không biết tiếng. Bí quá, chị ta nói hú họa với Việt học tiếng Thái thử xem. Không ngờ, anh miệt mài học qua đài thật. Có lưng vốn ngoại ngữ rồi hai vợ chồng gửi con cái cho ông bà nội, lò dò lên máy bay, thẳng tiến xứ sở Chùa Vàng.

Hai năm bên Thái, họ ở nhà ông chủ Thau Uy tại Ẳng Thoòng cách Bangkok 70 km, học kỹ thuật nuôi ba ba, cá sấu. Nhà chủ có 10 mẫu trang trại được canh phòng bằng 10 con chó giữ có tật xấu hay cắn người. Lợi dụng lối trong trại rất thẳng thớm, Việt nghĩ ra một mẹo là căng dây thép dọc đường rồi lồng xích chó vào sợi dây. Chó khi đi tuần tra chỉ chạy tiến lùi theo một đường thẳng, cấm léng phéng cắn bậy khiến chủ nhà phục lăn phục lóc. Việt còn chui vào thu trứng cá sấu, nghe những con vật nặng vài tạ thở phì phì sát bên tai mà chưa cất nổi hết sự hãi hùng. Anh học được cách ấp, nuôi cá sấu, ba ba từ đấy. Rảnh rỗi thời gian, Việt đi trèo dừa, hái me thuê kiếm thêm.

“Một chiếc xe bán tải chở vài người làm phóng vài trăm cây số rồi đổ quân xuống một trang trại. Khỉ chỉ trẩy được dừa, mình không chỉ hái quả còn làm cỏ dừa, phát cành già, bóc cành khô, gỡ dây leo nên đông khách hơn cả khỉ. Công trả cũng khá cao, 200 bạt cho hai giờ làm. Dưới trang trại họ nuôi rất nhiều bò sữa nên mình học được cả nghề nuôi bò từ đấy”, anh kể. Chẳng mấy chốc Việt thành phiên dịch cho bà chị họ, thành trợ thủ đắc lực của ông chủ Thau Uy đến nỗi khi anh về nước rồi vẫn còn gọi điện tơi tới sang mời làm tiếp.

Tay cầm gậy mà làm điều kính nể

Thôn phấn đấu đạt Làng Văn hóa nhưng không thành lập nổi CLB văn nghệ, thấy Việt có khiếu, thôn mới vời ra làm Chủ nhiệm. Ròng rã hai tháng trời dạy hát hết làn điệu chèo cổ đến nhạc mới ở sân nhà, khi CLB ẵm nhiều giải thưởng, mọi người bảo anh mắt kém đứng vào làm gì cho xấu đội hình. Tự ái, Việt bỏ. Tiêu chuẩn Làng Văn hóa có 4 CLB mà chỉ mỗi CLB văn nghệ do Việt gầy dựng là thành lập được.

Rời Thái Lan về nước, năm 2003 Hội người mù Tiên Lữ thành lập, Việt xin vào hội. Lúc đi khám mắt mới biết được tầm nhìn của mình không quá 2 mét.

Vào hội anh được dạy phục hồi chức năng, học chữ nổi, học cách đi lại bằng ba thế tay an toàn, 3 thế tay cầm gậy. Thế tay đầu biết tránh cành cây, dây phơi ngang tầm mặt. Thế tay ngực biết tránh người đi ngược chiều, cánh cửa sổ mở nửa chừng. Thế tay dưới biết đi lại chỗ chật hẹp. Ba thế cầm gậy để đi ngoài đường an toàn. Hội dạy mô hình chăn nuôi, Việt gây dựng đàn bò cả chục con để chăn. Khác với bò thông thường tất cả chúng đều được chỉ mặt, đặt tên. Những cái tên rất ngộ như: Nhỡ, Ỏe, Lau Chau, Bồm Bộp, Lúc Nhúc…

Đặt để phân biệt, để ghi sổ lấy giống, tiêm phòng. Lúc bò lạc, cầm nắm cỏ đi dọc đường gọi đúng tên là chúng chạy lại liếm tay chủ, đòi gãi tai, bắt ve, sờ rận. Nghe tiếng ợ cỏ nhai lại đều đều là anh biết bò no, bò khỏe. Tiếng móng khua bồn chồn, vừa đi vừa kêu “khù khù” là bò ốm, bò đói. Bò anh nuôi được tập cho đi hàng đôi, đều tăm tắp như duyệt binh trên đường làng. Con nào lạc hàng bị chủ quát lại răm rắp vào đội hình ngay tắp lự. Ao nuôi cá giống của Việt được theo dõi sát từ màu nước đến hiện tượng thiếu ô xi cũng bởi mắt người vợ. Hễ cá nổi ngáp, anh lại lội xuống, khua tay, bơi vài lượt quanh ao tự mình làm máy sục khí. Đến như vừa rồi, mấy tháng ròng Việt theo lớp tin học của người mù, để giờ này tự tin email công việc đường hoàng qua mạng…

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

1.000 người múa bát mở màn Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Kạn

Tối 27/4, tỉnh Bắc Kạn khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2024, điểm nhấn của chương trình là màn múa bát với sự tham gia của 1.000 diễn viên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm