BS.CKI Nguyễn Đức Tới, Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Thống Nhất cho biết, bệnh nhân T. được các bác sĩ tại sân bay Tân Sơn Nhất đưa vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Thống Nhất lúc 12h42 ngày 8/12 trong tình trạng liệt nửa người phải, thất ngôn giờ thứ 2.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu não cấp bán cầu não trái do tắc động mạch não giữa giờ thứ 2. Trong khi đó, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2, đây là một trong những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.
"Êkip bác sĩ đã kích hoạt báo động đỏ dốc hết sức để cấp cứu, nhanh chóng cho bệnh nhân sử dụng tiêu sợi huyết bằng cách tiêm tĩnh mạch để giúp làm tan cục máu đông gây tắc mạch và tái tưới máu trở lại cho não ở người đột quỵ. Khi đánh giá kết quả việc sử dụng thuốc tiêu sợi huyết chưa đạt được kết quả như mong muốn, bệnh nhân được tiếp tục khởi động ê kíp can thiệp nội mạch cấp cứu lấy huyết khối bằng dụng cụ", BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Thống Nhất cho hay.
Từ lúc bệnh nhân vào cấp cứu cho đến khi điều trị thuốc tiêu huyết khối, các bác sĩ chỉ mất 33 phút, đạt tiêu chuẩn của một đơn vị đột quỵ trên thế giới. Tổng thời gian can thiệp tái thông mạch máu cho bệnh nhân mất 60 phút.
Sau can thiệp lấy cục máu đông khỏi mạch máu não bị tắc, bệnh nhân hiện đã tỉnh, tiếp xúc được, chỉ còn nói hơi lớ, phần liệt đã phục hồi khá tốt, sức cơ tay phải 3/5, sức cơ chân phải 4/5 có thể cầm, nắm.
Theo các bác sĩ, trong thời gian tới, bệnh nhân cần tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng và khảo sát thêm các yếu tố là nguy cơ gây đột quỵ khác như rối loạn lipid máu, bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, hút thuốc lá... để điều trị kiểm soát và phòng ngừa tái đột quỵ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Nga cũng cho biết, theo thống kê, trong quý 4/2019 và quý 1+2/2020, trung bình mỗi quý, Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận khoảng 200 ca bị đột quỵ, trong đó khoảng 73% bị nhồi máu não, còn lại là xuất huyết não.
Các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất cũng lưu ý những dấu hiệu cơ bản nhận biết người bị đột quỵ như nhận diện các dấu hiệu theo FAST: Face (mặt): mặt có cảm giác tê cứng, khi cười 1 bên mặt bị lệch, nụ cười không cân đối; Arms (tay): tay/chân tê mỏi một bên, người bệnh không nâng được tay/chân một bên hoặc bị rơi xuống, rất có thể họ đang bị đột quỵ; Speech (nói): nói bị líu lưỡi, không rõ chữ, khó diễn đạt; Time (thời gian): nếu thấy có những dấu hiệu trên, gọi cấp cứu ngay, cần ghi nhớ thời gian khởi phát bệnh và báo cho nhân viên y tế biết.
Ngoài ra, trong thời gian chờ xe cấp cứu cần phải giữ thông thoáng môi trường xung quanh cho bệnh nhân dễ thở. Đặt người bệnh nằm trên một mặt phẳng, bề mặt đủ cứng để giữ thăng bằng, tránh xê dịch để không làm trầm trọng tình trạng xuất huyết não. Bệnh nhân có dấu hiệu nôn mửa, cần đặt sang tư thế nằm nghiêng an toàn nhằm bảo vệ đường thở, móc hết đàm nhớt ở miệng (nếu có). Tuyệt đối không tự ý bấm huyệt, chấm cứu, đánh gió. Không cho bệnh nhân ăn, uống trong thời gian chờ xe cấp cứu. Không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác
“Việc nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ sẽ giúp nhận diện sớm bệnh nhân đột quỵ để được xử trí kịp thời theo đúng chiến lược điều trị tái tưới máu cấp cứu cho não tại cơ sở y tế chuyên khoa làm giảm được tử vong và tàn phế cho bệnh nhân đột quỵ”, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Nga cho hay.