Tận dụng lợi thế diện tích mặt nước hồ thủy điện Sơn La rộng lớn ở địa phương, những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Chiềng Bằng và các xã dọc sông Đà ở huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đã đầu tư nuôi cá lồng mang lại hiệu quả cao. Điển hình trong số đó có hộ ông Lềm Văn Kiểm ở bản Bung Én, xã Chiềng Bằng.
Nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà từ năm 2012 từ 2 lồng cá, ông Kiểm đã đầu tư gần 50 triệu đồng để làm lồng, mua cá giống, thức ăn, xây dựng lồng bè. Ông cho biết, khởi đầu nuôi cá gặp rất nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, chưa được tham gia tập huấn và tiếp cận các quy trình nuôi nên cá sinh trưởng, phát triển chậm, thường xảy ra dịch bệnh.
Với quyết tâm và ý chí vươn lên làm giàu, ông Kiểm đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng trên các phương tiện thông tin đại chúng và tham quan các mô hình điểm trên địa bàn. Nắm được kinh nghiệm nuôi cá, ông mạnh dạn đầu tư mở rộng lồng bè, huy động các con cùng tham gia để phát triển kinh tế.
Năm 2014, ông tham gia vào HTX Thủy sản bản Bung (xã Chiềng Bằng). Đến nay, gia đinh ông Kiểm đã nhân rộng lên 12 lồng cá với đủ các loại cá như lăng, trắm cỏ... Ông cho biết, thức ăn cho cá cũng dễ kiếm, ngoài thức ăn hỗ hợp cho ăn lúc mới thả giống, các hộ gia đình có thể cho cá ăn bằng cỏ voi, thân chuối, rau xanh, tôm tép và cá tạp trên sông. Qua mỗi vụ xuất bán cá, gia đình có thu nhập khoảng 80 đến 100 triệu đồng.
Để nuôi cá lồng trên lòng hồ đạt hiệu quả cao, người dân bước đầu cũng đã biết chọn mua cá giống có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, không bị dị hình, sây xát, kích cỡ đồng đều, không bị mất nhớt, không bị dịch bệnh, tùy loại cá mà thả nuôi với mật độ khác nhau để đảm bảo đủ oxy, tránh ô nhiễm môi trường nước.
Hiện HTX Thủy sản bản Bung có 38 thành viên tham gia với 475 lồng cá. Nghề nuôi cá lồng đã giúp gia đình ông Kiểm và các thành viên từng bước làm giàu, tăng thu nhập. Một số hộ thành viên trước đây từng thuộc diện hộ nghèo đến nay đã thoát nghèo.
Ông Lường Văn Chaư, Giám đốc HTX thủy sản bản Bung cho biết: Trước đây, khi chưa di dân tái định cư, người dân ở đây chủ yếu làm ruộng, làm nương. Khi lòng hồ thủy điện Sơn La tích nước, bà con đã tìm hiểu, học hỏi các mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ để nuôi thử 1 - 2 lồng, sau đó tăng dần quy mô nuôi và thành lập nên HTX. "HTX mong tiếp tục được quan tâm tăng mức cho vay nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và giảm lãi suất để nông dân yên tâm đầu tư mở rộng quy mô nuôi cá lồng bởi tiềm năng còn rất lớn", ông Lường Văn Chaư mong muốn.
Nhằm tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn, từ các chương trình hỗ trợ di dân tái định cư thủy điện Sơn La, xã Chiềng Bằng đang tiếp tục khuyến khích nhân dân đầu tư nuôi trồng, khai thác thủy sản trên lòng hồ hiệu quả và bền vững. Xã Chiềng Bằng cũng tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể của huyện Quỳnh Nhai tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, trang bị kiến thức và công nghệ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cho bà con; gắn khai thác thủy sản với các quy ước bảo vệ nguồn nước, nguồn thủy sản…
Bà Điêu Quỳnh Nga, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng cho biết, hiện nhiều hộ trong xã đã vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Hộ ông Lềm Văn Kiểm là một trong những hộ tiêu biểu. Không chỉ tích cực học hỏi, tham gia các lớp tập huấn, nắm được kỹ thuật và có kinh nghiệm nuôi cá lồng, ông còn tận tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con. Từ những mô hình như ông Kiểm, nhiều hộ trong xã đã mạnh dạn nuôi cá lồng, đưa nghề nuôi cá lồng trở thành nghề chính của xã.
Để giúp người dân phát triển nuôi cá lồng theo hướng bền vững, thời gian tới, UBND xã Chiềng Bằng, Ban Giảm nghèo của xã sẽ tiếp tục tuyên tuyền, tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân tiếp tục tiếp cận, vay vốn ưu đãi. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện chú trọng chuyển giao kỹ thuật, trang bị kiến thức nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cho người dân; gắn khai thác thủy sản với bảo vệ nguồn nước, nguồn lợi thủy sản; xây dựng, quảng bá thương hiệu cá sông Đà Sơn La.
Xã Chiềng Bằng khuyến khích bà con nuôi và thả cá thành nhiều đợt, không tập trung nuôi, xuống giống cùng lúc để luôn đảm bảo có cá bán cho người tiêu dùng thường xuyên, nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp người dân tăng thu nhập, tạo sự đa dạng ngành nghề ở nông thôn miền núi.