| Hotline: 0983.970.780

Người Dao đỏ hưởng thành quả từ việc giữ rừng

Thứ Sáu 17/03/2023 , 11:11 (GMT+7)

Giờ đây, bà con vùng cao bắt đầu được hưởng thụ thành quả từ việc giữ và bảo vệ rừng, có thu nhập, cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.

Khu rừng vầu 300 năm tuổi của người Dao đỏ thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát, Lào Cai). Ảnh: HĐ.

Khu rừng vầu 300 năm tuổi của người Dao đỏ thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát, Lào Cai). Ảnh: HĐ.

Sinh kế mới cho bà con vùng cao

Sinh sống ở Phìn Ngan (huyện Bát Xát, Lào Cai) chủ yếu là bà con dân tộc Dao đỏ. Cuộc sống ở đây còn nhiều khó khăn, nên bà con mạnh dạn thay đổi để phát triển kinh tế gia đình. Cùng với việc trồng giống có năng xuất cao, nhiều hộ không mở rộng diện tích cây sa nhân, và thay vào đó là cây quế.

Đặc biệt hơn, nhờ hàng chục năm giữ rừng, cộng với hệ động thực vật hoang dã vô cùng phong phú đã đem lại lợi thế thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Từ đó, bà con ở đây có thêm thu nhập, mở ra nguồn sinh kế mới cùng với phát triển lâm, nông nghiệp.

Thôn Sải Duần của xã Phìn Ngan là nơi đầu tiên triển khai mô hình ngâm tắm lá thuốc nam gắn với du lịch cộng đồng.

Ông Chảo A Phin thôn Sải Duần là một người đi đầu tham gia mô hình nêu trên cho biết, hiện trong thôn có 52 hộ cùng nhau bảo vệ 127ha rừng cộng đồng trong đó gồm rừng vầu, rừng chuối, rừng tự nhiên… rất phù hợp để phát triển du lịch cộng đồng gắn với việc giữ gìn, bảo vệ rừng.

Các khu rừng ở đây gần như còn nguyên vẹn bởi đã được các cụ, các ông bà gìn giữ từ hàng chục năm trước. Đặc biệt, trong rừng có nhiều cây thuốc nam quý hiếm, là nguồn lực cho bà con phát triển mô hình nói trên.

Khoảng năm 2014, huyện Bát Xát tiến hành đo đạc, khảo sát và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với rừng cộng đồng do nhóm hộ trong thôn quản lý. Từ việc thấy trong rừng có những cây thuốc nam có giá trị kinh tế cao nên mô hình tắm lá thuốc đã ra đời.

Cùng với sự hỗ trợ của các đơn vị, chính quyền địa phương và 12 thành viên tham gia đóng góp ý tưởng, mô hình này đã đi vào hoạt động và được các hộ trong thôn hết sức ủng hộ.

Qua giới thiệu trên mạng xã hội Zalo, Facebook, đã có những du khách từ những tỉnh lân cận, từ phía Nam và cả ở nước ngoài tìm đến để trải nghiệm, khám phá vùng đất Phìn Ngan.

Mô hình này cũng thu hút cả những người dân địa phương. Cuối tuần hoặc các ngày lễ, những gia đình ở TP. Lào Cai thường cho con em họ đến đây trải nghiệm, tắm lá thuốc và ăn những món ăn ẩm thực của người Dao đỏ.

"Chúng tôi có các chương trình trải trải nghiệm như khám phá rừng vầu 300 năm tuổi, hang đá cổ, thác nước, trải nghiệm làm nông dân… Từ nguồn lợi này, bà con tích cực trong việc giữ, bảo vệ rừng và cảnh quan thiên nhiên.

Trước đây, có lúc người ở nơi khác vào đây để hái, cây thuốc quý hiếm bị nhổ tận gốc. Chúng tôi lên kế hoạch bảo vệ, vừa trồng thêm vừa hái tỉa để cây dược liệu để có thể sử dụng lâu dài.

Về cây gỗ, chúng tôi cũng bảo vệ rất tốt không để người khác vào chặt phá. Cây măng, cây chuối cũng không tự ý chặt, khai thác bừa bãi, ông Chảo A Phin nói.

Du lịch khám phá mang lại sinh kế mới cho bà con vùng cao Sải Duần. Ảnh: HĐ.

Du lịch khám phá mang lại sinh kế mới cho bà con vùng cao Sải Duần. Ảnh: .

Cộng đồng cùng thụ hưởng thành quả

Hiện các thành viên tham gia mô hình ngâm tắm lá thuốc nam của bà con Dao đỏ ở Sải Duần làm việc theo tính chất tự nguyện, hưởng theo phần trăm cho người đi hái thuốc, cho người làm dịch vụ… Trong đó, bà Chảo Cói Mẩy là bà mế, người chữa bệnh cho bà con trong thôn cùng đồng hành tham gây dựng mô hình từ vùng nguyên liệu đến cơ sở tắm lá thuốc.

Theo bà Chảo Cói Mẩy, bà được các cụ truyền lại cho những bài thuốc nam để chữa bệnh trong đó có ngâm tắm lá thuốc nam của người Dao đỏ. Bài thuốc tắm không đơn thuần giúp phục hồi, chăm sóc sức khỏe mà còn mang đậm bản sắc văn hóa tri thức của người Dao đỏ.

Có được bài thuốc này là do được chắt lọc kinh nghiệm từ cổ xưa với sự kết hợp của các loại thảo dược tốt cho da, xương khớp và hệ tiêu hóa… như thanh táo, thổ lục linh, thiên niên kiện, đào rừng, bách quản, tam huyết, tân quy, lá lốt, quế, thủy xương bồ, màng tang, mạn khâu tử...

Cũng theo bà Chảo Cói Mẩy, khi xưa đường giao thông lên thôn khó khăn, chưa có đường đi xe máy. Khi người già, trẻ nhỏ ốm đau, phụ nữ sau sinh… bà con không biết đến bệnh viện. Chính vì vậy, những bệnh như xương khớp, tê bì chân tay, phục hồi sức khỏe đều dựa vào những bài thuốc nam mà những dược liệu quý làm nguyên liệu đều được lấy từ rừng già ra.

Khách du lịch thích thú với trải nghiệm gặt lúa ở vùng cao Sải Duần. Ảnh: HĐ.

Khách du lịch thích thú với trải nghiệm gặt lúa ở vùng cao Sải Duần. Ảnh: HĐ.

Chính vì vậy, năm 2019, được hỗ trợ đầu tư, mô hình ngâm tắm lá thuốc nam được triển khai với quy mô 4 phòng, 16 thùng tắm, gội. Ngoài ra, còn có các phòng nghỉ cho khách du lịch đến khám phá vùng đất mới và thưởng thực những đặc sản địa phương, trải nghiệm hoạt động cộng đồng với bà con người Dao đỏ.

Theo ông Chảo A Phin, các thôn xung quanh rất hứng thú với mô hình tắm lá thuốc này muốn nhân rộng nhưng không hiện chưa có kinh phí đầu tư, tái đầu tư cơ sở vật chất. Mặt khác về đào tạo, kỹ năng đun nấu thuốc, truyền đạt các bài thuốc chưa có hỗ trợ, tập huấn, khó khăn về quảng bá, giới thiệu những sản phẩm du lịch cho nhiều du khách biết đến… Tuy vậy, bà con ủng hộ bằng việc phối hợp tham gia các hoạt động trải nghiệm, hỗ trợ, kết nối để du khách tham quan các thôn bản…

Ông Vàng Láo Lở, Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát, Lào Cai) cho biết, bà con luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của rừng và có ý thức bảo vệ rừng. Cùng với việc khai thác du lịch khám phá nhờ rừng, bà con còn ký hương ước để rừng phát triển bền vững. Ai vi phạm quy định sẽ phải chịu hình phạt lao động công ích một ngày công, phát quang cây cối, nhổ cỏ dọn sạch lối đi trong bản…

Cuối cùng để bà con nhận thức rõ lợi ích từ rừng mang lại và nhận thấy được trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ, phát triển rừng. Hài hòa lợi ích, tạo sinh kế cho người dân phát triển kinh tế gia đình.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.