| Hotline: 0983.970.780

Người đào tẩu Triều Tiên đau đáu ước muốn quay về nhà

Thứ Năm 01/03/2018 , 13:15 (GMT+7)

Trải qua vô vàn chông gai, khó khăn mới đến được Hàn Quốc nhưng Kwon Chol-nam lại không thể hòa nhập cuộc sống nên giờ đây ông muốn quay về quê hương Triều Tiên.

Ly hôn và không có tiền, ông Kwon Chol-nam năm 2014 rời Triều Tiên đến Trung Quốc bằng cách bơi qua một con sông biên giới trong đêm. Hành trình gian nan băng rừng, lội suối qua Lào và Thái Lan cuối cùng đưa ông lên một chuyến bay tới Hàn Quốc, nơi Kwon bắt đầu cuộc sống mới, theo New York Times.

11-52-34_9254930-3x2-700x467
Ông Kwon Chol-nam trong căn phòng thuê ở ngoại ô thủ đô Seoul, Hàn Quốc (Ảnh: ABC News)

Dù trải qua nhiều rắc rối và hiểm nguy, Kwon giờ đây lại muốn Hàn Quốc cho ông trở về quê hương Triều Tiên. “Bạn phải leo lên lưng ngựa thì mới biết nó có phù hợp hay không”, ông nói. “Tôi đã thử và Hàn Quốc không phải nơi dành cho tôi. Tôi muốn về Triều Tiên, đoàn tụ với vợ cũ và cậu con trai 16 tuổi”.

“Họ coi tôi như kẻ ngốc và không trả lương tôi như những người khác cũng làm công việc tương tự, chỉ bởi tôi đến từ Triều Tiên”, Kwon cho hay, giọng chất chứa giận dữ.

Nhằm thúc đẩy nguyện vọng của mình, Kwon tổ chức họp báo, đệ trình kiến nghị lên Liên hợp quốc và biểu tình trước các tòa nhà chính phủ ở Seoul. Giống với những người đào tẩu khác, Kwon đã trở thành công dân Hàn Quốc khi đặt chân đến đất nước này và Hàn Quốc nghiêm cấm việc công dân tới Triều Tiên mà không có sự cho phép của chính phủ, đồng nghĩa Kwon không có bất cứ cách thức hợp pháp nào để trở về quê hương.
 

Không thể hòa nhập

Ông Kwon, 44 tuổi, trước đây làm công việc hái lượm và buôn báo thảo mộc gần biên giới Triều Tiên - Trung Quốc. Cách đây 4 năm, trong lúc đi hái việt quất, ông gặp một người phụ nữ đang vượt biên trái phép. Kwon được bảo rằng ông có thể kiếm bộn tiền nếu tới Trung Quốc. Tuy nhiên, mọi chuyện không như ông tưởng tượng.

Người phụ nữ nọ biến mất. Kwon rơi vào tay một kẻ buôn người. Y hứa đưa ông tới Hàn Quốc với 2.500 USD. Sau hành trình gian khổ kéo dài một tháng, ông đến Hàn Quốc vào tháng 11/2014, định cư tại thành phố công nghiệp Ulsan.

Cuộc sống mới quá nhiều đổi khác khiến Kwon choáng ngợp. Ông không thể bắt kịp với nhịp sống xã hội Hàn Quốc. Kwon chuyển từ công việc đồng áng sang làm xây dựng. Ông thường xuyên bị chế giễu vì không hiểu những từ tiếng Anh vốn được mọi người xung quanh dùng rất phổ biến. Chỉ cao chừng 1,5m, ông khó lòng đảm đương các công việc chân tay nặng nhọc.

Càng vất vả bao nhiêu, Kwon càng nhớ nhà bấy nhiêu, đặc biệt là con trai. Ông tiết kiệm được khoảng 4.500 USD và gửi về cho vợ cũ thông qua những con đường phi chính thống. Người vợ nói muốn ông quay về.

Kwon cũng thấy có lỗi vì sau khi rời Triều Tiên không lâu, ông biết tin cha mình đã qua đời. Thêm vào đó, người đưa ông từ Trung Quốc sang Thái Lan còn kiện ông, cáo buộc ông không trả đủ chi phí.
 

Suy sụp

Tháng 5/2016, Kwon thú nhận ông đã “suy sụp”. Kwon kể ông được người ta thuê bốc gạch nhưng sau khi hoàn thành công việc, người chủ không chịu trả tiền cho ông. Kwon đã báo cảnh sát nhưng theo những gì ông nói, cảnh sát về phe với người chủ Hàn Quốc, bác bỏ mọi cáo buộc của ông.

“Tôi sẽ trở về Triều Tiên và tổ chức họp báo, kể hết sự thật liên quan tới cuộc sống ở Hàn Quốc”, Kwon hét lên lúc đứng trước tòa, theo tài liệu từ tòa án.

Nhớ nhà, ông thường xuyên xem các chương trình tuyên truyền của Triều Tiên trên Internet. Ông xin hộ chiếu Hàn Quốc và visa du lịch để tới Trung Quốc. Kwon dự định vượt biên trở về Triều Tiên. Ông đổi hết tiền tiết kiệm sang USD, gửi tin nhắn cho một thanh tra cảnh sát mà ông có dịp kết bạn, nói rằng sẽ “ra nước ngoài”.

“Tôi không muốn sống ở đây với trái tim đau khổ”, Kwon viết.

Ngày 22/6/2016, cảnh sát ập đến nhà Kwon và bắt ông vì tội lên kế hoạch trốn sang Triều Tiên. Kwon được trả tự do hồi tháng 9 năm ngoái sau khi một thẩm phán đình chỉ bản án tù một năm đối với ông.

Từ lúc ra tù, Kwon không có việc làm, những người đào tẩu khác tránh mặt ông. “Tôi sợ phải sống ở Hàn Quốc”, ông bộc bạch. Kwon chuyển tới Seoul, thuê một căn phòng với giá 267 USD/tháng. Ông tìm kiếm sự giúp đỡ từ các linh mục Thiên chúa giáo.

Trong những lần biểu tình trước các tòa nhà chính phủ, Kwon luôn mang theo tấm bảng ghi dòng chữ: “Tôi là công dân Triều Tiên. Tôi muốn về nhà”. Một số người nói ông liều lĩnh một cách dại dột, song ông cương quyết không thay đổi.

Kwon cho biết ông không sợ bị trừng phạt vì tội đào tẩu dù biết mình nhiều khả năng sẽ bị gửi tới trại giáo dục tập trung. Kwon khẳng định đây là hình phạt ông sẵn sàng chấp nhận. Ông thề “trung thành tới cùng” với chính quyền Triều Tiên.

Theo Kwon, cuộc sống ở Hàn Quốc tốt hơn Triều Tiên rất nhiều về mặt kinh tế nhưng ông thích một cuộc sống giản đơn tại quê nhà hơn. “Ở Triều Tiên, tôi có thể không giàu, nhưng tôi hiểu mọi người xung quanh tôi”, ông nói.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.