Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang chia sẻ như vậy trong cuộc phỏng vấn với Báo Nông nghiệp Việt Nam về hiệu quả và chiến lược trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh Tuyên Quang.
Dựa vào dân để giữ rừng
Thưa ông, hiện nay tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Tuyên Quang đạt 65% đứng thứ 3 cả nước. Vậy bài học kinh nghiệm nào khiến Tuyên Quang đạt được thành công này?
Tuyên Quang là tỉnh miền núi có 448.680ha rừng và đất lâm nghiệp (gồm đất rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất). Tổng diện tích rừng hiện có là hơn 422.400ha, trong đó diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu là trên 140.700ha; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Tuyên Quang đạt hơn 65%, đứng thứ 3 cả nước.
Ngay từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, tỉnh đã thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng tự nhiên. Đồng thời thành lập các chốt bảo vệ rừng, nằm sâu trong các khu rừng tự nhiên phòng hộ, đặc dụng, các khu rừng còn nhiều lâm sản quý hiếm tại các huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, theo phương châm bảo vệ rừng tận gốc, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Để đạt được kết quả như hiện nay, tỉnh cũng luôn xác định rõ quan điểm: Bảo vệ rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; bảo vệ rừng là phải dựa vào dân, nhân dân là nhân tố quan trọng, là tai mắt của cán bộ, lực lượng kiểm lâm là nòng cốt. Sở dĩ như vậy là vì diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của tỉnh Tuyên Quang khá lớn, trong khi đó lực lượng kiểm lâm lại mỏng, nếu không dựa vào dân thì việc bảo vệ rừng, giữ rừng sẽ rất khó.
Bên cạnh chú trọng công tác bảo vệ rừng, tỉnh Tuyên Quang cũng quan tâm chỉ đạo và triển khai có hiệu quả các chính sách về phát triển lâm nghiệp, như chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng và khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 75 và Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tạo điều kiện để các hộ dân chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế dưới tán rừng…
Ở Tuyên Quang rừng đã trở thành ngành kinh tế kỹ thuật góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Kinh tế rừng đang có vai trò như thế nào trong đời sống của người dân Tuyên Quang? Đi đôi với thu hút doanh nghiệp đầu tư là cơ chế thông thoáng, vậy cơ chế mở của Tuyên Quang là gì?
Với diện tích rừng trồng lấy gỗ nguyên liệu là trên 140.700ha rõ ràng kinh tế rừng đang có vị trí rất quan trọng trong đời sống của người dân Tuyên Quang. Hằng năm tỉnh thực hiện khai thác và trồng mới hơn 10.000ha rừng; tổng sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt trên 900.000m3. Đến nay tỉnh đã có trên 35.800ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC (cao nhất cả nước); giá trị sản phẩm thu được bình quân 1ha rừng khoảng trên 116 triệu đồng/chu kỳ 7 năm.
Sản xuất lâm nghiệp bền vững của tỉnh đã tạo và giải quyết hàng vạn việc làm cho người dân vùng nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển kinh tế lâm nghiệp đã tạo ra nguyên liệu, là đầu vào của rất nhiều ngành công nhiệp như: Chế biến gỗ, sản xuất giấy, sản xuất bột giấy, dăm gỗ, ván bóc, ván MDF, viên gỗ nén… Sản xuất lâm nghiệp cũng đã giúp cho hàng vạn hộ gia đình có cuộc sống ổn định, trong đó có hàng ngàn hộ có thu nhập từ 500 triệu đến vài tỷ đồng từ nguồn lợi mà rừng mang lại.
Người trồng rừng ở Tuyên Quang giờ đây tham gia ngày càng nhiều hơn. Diện tích đất trống đồi núi trọc gần như không còn nữa. Điều đó càng khẳng định kinh tế rừng có vị trí quan trọng như thế nào với người dân Tuyên Quang.
Để rừng phát huy được hiệu quả bảo vệ môi trường sống, bảo vệ nguồn nước, chống biến đổi khi hậu, đồng thời góp phần phát triển kinh tế rừng đảm bảo đủ nguyên liệu phục vụ chế biến. Tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuê mặt bằng, đất đai. Tỉnh đã trải “thảm đỏ”, đã có nhiều chính sách ưu đãi để tu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến lâm sản vào Tuyên Quang. Hiện đã có 8 công ty, tập đoàn lớn đầu tư vào Tuyên Quang nổi bật như Công ty cổ phần Giấy và bột giấy An Hòa, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang….
Tuyên Quang luôn xác định không thu hút bằng mọi giá, mà phải lựa chọn các nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến, đầu tư phải đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững và đảm bảo người dân có cuộc sống ổn định lâu dài.
Nhiều điều cần bàn tới
Bên cạnh thành tựu, ngành lâm nghiệp Tuyên Quang đang phải đối diện với những thách thức như thế nào?
Cơ chế thị trường là sự canh tranh khốc liệt, sự ổn định chưa hẳn đã là sự bền vững, muốn bền vững phải không ngừng vận động, đổi mới và phát triển.
Bên cạnh kết quả đạt được, ngành lâm nghiệp của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: Năng suất rừng trồng trên địa bàn tỉnh thấp, giá trị gỗ nguyên liệu chưa cao, diện tích trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nguyên liệu giấy sang kinh doanh gỗ lớn còn thấp; việc áp dụng cơ giới hóa, thâm canh trong trồng rừng sản xuất còn thấp; áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất chưa được nhiều; chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế về rừng, cảnh quan của rừng gắn với phát triển các loại hình du lịch sinh thái dựa trên nguyên tắc bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có.
Các chính sách về đầu tư phát triển rừng của Trung ương trong giai đoạn 2006-2020 chủ yếu là đảm bảo mục tiêu “phủ xanh đất trống đồi núi trọc” vì chỉ hỗ trợ trồng rừng trên đất trống đồi núi trọc, trồng lại rừng sau khai thác chưa được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Mục tiêu này không còn phù hợp với mục tiêu chính của ngành giai đoạn hiện nay là “nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng”. Quy định về điều kiện nhận hỗ trợ đầu tư đối với chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng quá chặt chẽ nên người trồng rừng và doanh nghiệp rất khó tiếp cận với chính sách.
Việc đầu tư đối với phát triển hạ tầng và dịch vụ trong lâm nghiệp chưa được quan tâm, mức đầu tư còn thấp. Một số chính sách có cơ chế sử dụng vốn ngân sách địa phương, do đó nhiều chính sách đầu tư lâm nghiệp không thực hiện được do không được ngân sách Trung ương hỗ trợ. Trong khi đó điều kiện kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn về nguồn thu, việc chi ngân sách địa phương chủ yếu là nguồn trợ cấp từ ngân sách Trung ương.
Cùng với đó, hiện nay nhiều diện tích rừng ở Tuyên Quang đang ở chu kỳ thứ 3, thứ 4 cho thu hoạch, vì thế một số diện tích xuất hiện tình trạng nấm bệnh trong lòng đất. Đã có nhiều địa phương có diện tích rừng trồng cây keo chết. Tuy nhiên so với tổng diện tích thì con số này không quá lớn.
Nhưng không vì thế mà tỉnh chủ quan, lơ là. Tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương theo dõi diễn tiến của hiện tượng keo chết; phối hợp với các nhà khoa học để tìm ra giải pháp, hướng dẫn người dân biện pháp phòng, chữa bệnh. Đồng thời với những diện tích rừng trồng thuần loài nhiều chu kỳ cần chuyển đổi loài cây trồng khác để hạn chế tình trạng nấm bệnh gây hại.
Động lực để bứt phá
Thủ tướng Chính phủ đã phát động chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, vậy tỉnh Tuyên Quang đã hưởng ứng chương trình này như thế nào? Thủ tướng cũng giao cho Tuyên Quang phải trở thành cứ điểm quan trọng của ngành gỗ Việt Nam, là hình mẫu về phát triển kinh tế lâm nghiệp, vậy tỉnh Tuyên Quang có những chính sách và chuẩn bị tiền đề như thế nào để hoàn thành kỳ vọng của Thủ tướng?
Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 phê duyệt Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025. Tỉnh sẽ ban hành kế hoạch cụ thể để giao chỉ tiêu cho các huyện, thành phố, giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương triển khai thực hiện. Từ tỉnh đến cơ sở coi đó là phong trào thi đua để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trước 1 năm. Hàng năm, lồng ghép các chương trình, dự án, đề án từ tất cả các nguồn lực để hoàn thành kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán.
Tỉnh đã xây dựng Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030 và Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2035. Mục tiêu xuyên suốt là: Bảo vệ đi đôi với phát triển, sử dụng rừng; nâng cao năng suất, chất lượng của từng loại rừng; khai thác bền vững các giá trị của rừng để phát triển kinh tế - xã hội - môi trường, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong chương trình làm việc hồi tháng 2 với tỉnh nêu rõ: Phát triển lâm nghiệp trở thành ngành mũi nhọn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Phấn đấu Tuyên Quang là điển hình về phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và du lịch sinh thái của cả nước, là cứ điểm quan trọng của ngành gỗ và lâm sản với tầm nhìn trở thành trung tâm chế biến gỗ, đồ gỗ nội thất, sản phẩm xuất khẩu, sản xuất giấy của Việt Nam và khu vực.
Tỉnh cũng xác định, đây chính là động lực để Tuyên Quang bứt phá và thực hiện thành công các nhiệm vụ mà Thủ tướng giao.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bên cạnh việc hoạch định, ban hành chính sách phù hợp với đặc thù, Tuyên Quang luôn quan tâm thực hiện chính sách thu hút đầu tư lĩnh vực lâm nghiệp, mời gọi doanh nghiệp, tạo mối liên kết giữa nhà khoa học, nhà nông để phát triển không chỉ sản phẩm từ gỗ mà tạo ra sản phẩm khác có giá trị kinh tế như dược liệu, du lịch sinh thái, lâm sản ngoài gỗ để cải thiện sinh kế, giúp người làm nghề rừng có thể giàu bền vững từ rừng. Qua đó tạo tiền đề vững chắc cho kinh tế lâm nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và kỳ vọng của Chính phủ đối với Tuyên Quang.