Tân Lạc (Hòa Bình) là "vựa" bưởi đỏ chất lượng ngon nổi tiếng trong nước và thế giới. Có được danh tiếng này là nhờ huyện có nhiều điều kiện tự nhiên thích hợp cho trồng sản xuất cây bưởi đỏ. Theo đó, địa bàn huyện có vùng đồi cao hơn mặt nước biển 150-200m, là nơi sinh sống tập trung của phần lớn các cư dân trong huyện, cũng là nơi thích hợp cho cấy lúa, trồng các cây rau màu và bưởi đỏ đặc sản.
Thời tiết, khí hậu ở Tân Lạc có 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô tháng 11 tới tháng 4 năm sau. Mùa mưa hay có mưa lớn, nắng nóng và nhiệt độ ngày đêm chênh lệch cao. Mùa khô, ngoài thời tiết khô lạnh, còn có nhiều ngày rét đậm. Đây là điều kiện thích hợp cho cây bưởi hoàn thành các chu kỳ sinh trưởng trong năm.
Khảo sát sơ bộ thấy, địa hình huyện không có sông nhưng có nhiều suối, đủ cung cấp nước bơm tưới cho gieo cấy lúa và các vườn đồi trồng bưởi. Đất canh tác ở đây thuộc loại Feralit vàng đỏ, giàu mùn, giàu dinh dưỡng.
Diện tích trồng bưởi chủ yếu được chuyển đổi từ một phần rừng sản xuất trồng keo, cây lâm nghiệp này, bộ rễ có nốt sần, có khả năng cố định đạm từ khí trời, giúp tăng thêm độ màu mỡ đất. Nhờ đó, sau khi chuyển sang trồng bưởi đã giảm thiểu được lượng phân chăm bón, nhất là các loại phân hoá học (đạm, lân, kali). Đồng thời, các khu vực quy hoạch trồng bưởi tập trung của huyện đều nằm gần quốc lộ 6 và 12B, rất thuận tiện cho việc sơ chế, bảo quản trái cây, đưa đi tiêu thụ trong nước và thế giới.
Nằm trong nhóm có cây múi, nhưng bưởi ít bị nhiễm các bệnh nguy hiểm, khó phòng trừ do vi khuẩn và virus gây ra như các bệnh vàng lá, thối rễ, greening trên cây cam, quýt. Mặt khác, hầu hết diện tích bưởi ở đây đều trồng trên những vùng đồi có độ dốc thấp, tầng canh tác dày, mực nước ngầm sâu, nên khi gặp mưa nước sẽ tự tiêu rút nhanh, triệt để, không gây úng ngập, kể cả úng cục bộ vườn, ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển của cây và quả.
Nhờ đó, nếu như các cây cam, quýt trồng cùng chân đất chỉ có thể khai thác kinh doanh khoảng 6-8 năm đã phải đốn bỏ, trồng giống cây khác họ, thì cây bưởi chăm sóc tốt sẽ cho phép lấy quả 20-30 năm hoặc lâu hơn. Đáng chú ý, bưởi càng nhiều năm tuổi càng cho năng suất, chất lượng và sản lượng quả cao hơn.
PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, thông tin: Ở thời kỳ phân hoá mầm hoa, cây bưởi đỏ Tân Lạc tuy không phụ thuộc chặt vào yếu tố nhiệt độ và ẩm độ không khí như cây nhãn, nhưng để cây sai hoa, nhiều quả, năng suất cao, vẫn cần có thời tiết khô, lạnh vào các tháng 11 và 12 (nhiệt độ không khí dao động từ 12-18 độ C). Các yếu tố này vốn là đặc điểm tự nhiên sẵn có ở các xã vùng thấp Tân Lạc.
Đây chính là nguyên nhân giải thích vì sao bưởi đỏ trồng ở Tân Lạc cho quả to đều, sai bện vào nhau, thơm ngon và ngọt hơn hẳn so với bưởi trồng ở các vùng sinh thái khác của nước ta. Qua đó, có thể nói, thiên nhiên đã ban tặng cho Tân Lạc một lợi thế tự nhiên quý hiếm, giúp "vựa" bưởi đỏ ở đây phát triển bền vững.
Ông Bùi Đình Hiển, Trưởng phòng NN-PTNT Tân Lạc, tâm sự, dân cư sống trên địa bàn cơ bản gồm hai dân tộc Mường và Kinh. Người Mường chiếm hơn 85% dân số. Còn lại là người Kinh lên đây xây dựng kinh tế mới từ những năm 60 của thế kỷ trước, cũng được coi là một lợi thế, giúp tạo ra sự giao thoa trình độ dân trí, nâng cao khả năng nhận thức chung trong cộng đồng, dễ dàng cho công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất, triển khai chính sách và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh việc thâm canh các loại cây trồng nói chung, cây bưởi nói riêng.
Đặc biệt, còn được Cấp ủy Đảng và Chính quyền tỉnh, huyện, cùng các ban ngành chuyên môn Trung ương quan tâm hỗ trợ kịp thời, nhằm tăng cường sản xuất những cây, con có tiềm năng, thế mạnh, phù hợp đặc điểm khí hậu, sinh thái địa phương, bao gồm có cây bưởi đỏ Tân Lạc.
Bưởi đỏ Tân Lạc có đặc điểm sinh trưởng, phát triển khoẻ, ít nhiễm sâu bệnh hại hơn một số giống bưởi khác như bưởi da xanh, bưởi Diễn. Và tỷ lệ đậu quả đạt rất cao, sau trồng 10-12 năm đã cho 300 quả/1 cây. Khi chín vỏ quả có màu vàng ánh hồng, trọng lượng trung bình nặng từ 0,8-1,2kg/quả. Tép bưởi màu hồng đỏ, vị ngọt dịu, không the đắng. Thu hoạch tập trung từ cuối tháng 10 đến tháng 12. Quả có thể bảo quản tự nhiên được trên 2 tháng. Giống bưởi này cũng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc.
Được trời phú cho nhiều tiềm năng lợi thế mở trộng trồng giống bưởi đỏ, nhưng huyện Tân Lạc vẫn chủ trương duy trì ổn định 1.250ha bưởi đang có, sản lượng quả đạt trên 20.000 tấn. Mục đích ưu tiên cho ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập tăng cao bền vững, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ bưởi trong nước và xuất khẩu, giữ vững uy tín nhãn hiệu "bưởi đỏ Tân Lạc". Từ đó tiến tới thay thế toàn bộ các cây bưởi thoái hóa, chất lượng kém; Phấn đấu đến năm 2025 có 500ha bưởi được công nhận đạt chuẩn GlobalGAP, hữu cơ, VietGAP và GAP hoặc đạt chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, nhằm đạt giá trị thu hoạch từ 450 triệu đồng/ha trồng bưởi trở lên.
Làm thế nào để tiêu thụ hết "vựa" bưởi đỏ? Mời các độc giả đón xem bài tiếp theo...