| Hotline: 0983.970.780

Người đưa nội thất tre Việt Nam… xuất ngoại

Thứ Hai 12/08/2024 , 09:54 (GMT+7)

Hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan xuất ngoại là chuyện không lạ. Nhưng, hàng nội thất bằng tre xuất ngoại thì chỉ có ở Xuân Lai (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).

Kỹ nghệ hun khói cả cây tre trước khi chế tác: chỉ có Xuân Lai

Sinh năm 1975, Nguyễn Văn Kỷ là một trong số ít những người làm nghề ở làng nghề sản xuất nội thất bằng tre Xuân Lai (xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) được UBND tỉnh Bắc Ninh trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề làm tre hun khói” khi còn khá trẻ: năm 2014, khi đó anh vừa chạm tuổi 40.

Nghệ nhân làng nghề tre Xuân Lai Nguyễn Văn Kỷ giới thiệu với Bộ trưởng Lê Minh Hoan về làng nghề. 

Nghệ nhân làng nghề tre Xuân Lai Nguyễn Văn Kỷ giới thiệu với Bộ trưởng Lê Minh Hoan về làng nghề. 

Năm 1996, rời quân ngũ, anh Kỷ trở về quê hương. Xuân Lai là xã thuần nông, có nghề làm tre trải qua nhiều thế hệ đến nay đã được hơn 200 năm. Trở về, anh muốn tiếp nối nghề truyền thống, vừa mưu sinh, nhưng mong muốn của cậu thanh niên 21 tuổi khi đó, là phải làm tốt hơn những gì làng nghề đang làm, và sản phẩm nội thất từ tre của anh phải được xuất ngoại. Bởi trước đó, những sản phẩm của làng tre Xuân Lai chủ yếu tiêu thụ trong nước, thường bị người ta “gán” cho suy nghĩ: đó là sản phẩm thông thường, độ bền không cao, chỉ hợp với không gian nông thôn như bàn ghế tre, giường tre…, và chỉ dành cho không gian làng quê, không hợp với không gian sang trọng.

Kiên trì, mày mò sáng tạo, anh Kỷ sống được với cây tre, và đau đáu tìm hướng mới sang các loại cây khác như hóp đá, luồng, trúc, cây tầm vông… để cải thiện mẫu mã, chất liệu… từ đó sản xuất ra các sản phẩm tốt hơn, đẹp hơn, bền hơn.

 
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm làng nghề tre Xuân Lai (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm làng nghề tre Xuân Lai (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).

Để làm ra một sản phẩm bằng tre phải trải qua nhiều công đoạn: xử lý thô, ngâm tre tươi trong ao, bể nước… từ 4 – 5 tháng để tre dai, dẻo, không bị cong vênh, mối mọt, sau đó vớt lên, tiếp tục cạo vỏ, phơi khô, xử lý cho hết mùi khăn khẳn của giống tre ngâm nước. Tiếp đó, phân loại, pha tre, cắt thành các đầu mẩu, chi tiết… để ráp nối lại thành những chiếc giường tre, phản tre, bàn ghế tre…

Với ngần đó công đoạn, ngần đó thời gian, từ một cây tre trên rừng đưa về Xuân Lai trở thành một sản phẩm hoàn thiện, thời gian tính bằng nhiều tháng!

Giai đoạn đầu những năm 2010, anh Kỷ có đơn hàng xuất ngoại đầu tiên: đi Mỹ, 2 container sản phẩm nội thất làm từ tre, trúc bán cho cộng đồng Việt kiều. Bà con kiều bào ở Mỹ mở nhà hàng, nhiều gia đình muốn có những sản phẩm thân thuộc, gắn bó với những kỷ niệm tuổi thơ, gia đình nơi quê hương xứ sở, những thứ thuộc về bản sắc… cũng để vơi bớt nỗi nhớ quê hương.

Sản phẩm của anh bắt đầu có chỗ đứng ở thị trường ngoài nước. Tiếp đó là những đơn hàng từ Úc, Canada, Pháp… gửi về. Cây tre Việt Nam, qua bàn tay chế tác của nghệ nhân làng nghề tre Xuân Lai đã xuất ngoại dưới hình thức mới là những sản phẩm nội thất tre, trúc, hóp đá, luồng… - những loài cây có nguồn gốc ở các vùng miền núi của Việt Nam.

Nhưng vẫn chưa thể dừng lại!

Công đoạn cắt các chi tiết từ tre, trúc để ráp nối thành sản phẩm nội thất tre, trúc. 

Công đoạn cắt các chi tiết từ tre, trúc để ráp nối thành sản phẩm nội thất tre, trúc. 

Những sản phẩm theo lối truyền thống thường được sơn phủ, đánh bóng… lớp vỏ ngoài làm mất đi sự thân thuộc, gần gũi vốn có của những loài thuộc họ nhà tre. Nguyễn Văn Kỷ đã sáng tạo ra một kỹ thuật mới, mà anh quả quyết, “trên thế giới chưa nước nào có, ở Việt Nam cũng chưa có làng nghề nào khác, ngoài Xuân Lai”. Đó là bí quyết hun khói lên vỏ ngoài của tre, đặc biệt hơn, đó là hun khói cả cây.

Ở nông thôn, đặc biệt thế hệ các cụ về trước không lạ gì những chiếc xe điếu – vật dụng của những người có thói quen hút thuốc lào bát, hay những chiếc điếu cày làm từ tre, vầu…, trên lớp vỏ ngoài đều có những họa tiết, vân… được vẽ bằng… khói, mềm mại như những làn khói chạy theo chiều dọc. Chỉ những người trong nghề mới biết, những họa tiết, mây khói ấy… có được là nhờ hun khói chứ không phải dùng thanh sắt nung đỏ rồi khắc, chạm lên vỏ.

Bằng sự tinh ý, nghệ nhân Nguyễn Văn Kỷ đã sáng tạo lên một bước mới, đó là hun khói lên được cả cây tre, trúc có chiều dài vài mét, để cho khói ám vào toàn thân cây. Kỹ thuật này được gọi bằng cái tên “hun khói cả cây”.

“Chúng tôi sử dụng rơm, rạ, lá cây… để tạo khói. Nhưng vấn đề là không được để tạo thành ngọn lửa, vì nếu tạo thành lửa thì sẽ cháy ngay do tre, trúc… là những vật liệu dễ cháy. Khi đã tạo ra khói, sẽ cho cả cây tre vào hun để cho khói ám vào tạo nên một lớp “vỏ” mới cho cây tre. Bí quyết này giúp sản phẩm thêm tuổi thọ, vì nó sẽ là một lớp màng bảo vệ khỏi mối, mọt, mà sản phẩm đẹp đẽ, cổ kính hơn nhiều”, anh Kỷ chia sẻ.

Khu vực ngâm tre trước khi chế tác.

Khu vực ngâm tre trước khi chế tác.

Một công đoạn cạo vỏ bên ngoài của tre nguyên liệu.

Một công đoạn cạo vỏ bên ngoài của tre nguyên liệu.

Mới đây, cơ sở sản xuất của nghệ nhân Nguyễn Văn Kỷ vừa nhận thêm một đơn hàng từ Nhật Bản, thêm cơ hội cho cây tre Việt Nam xuất ngoại sang nhiều quốc gia khác, giúp làng nghề thêm phát đạt…

Làm một ngôi nhà cổ ba gian để đặt chiếc giường tre trăm tuổi

Năm 2007, một lần đi sang thị trấn Gia Bình cách Xuân Lai vài km, anh Kỷ bắt gặp một chiếc giường tre đang để ngoài trời, bên trên 4 – 5 ông thợ xây đang ngồi nghỉ trưa uống nước chè, hút thuốc lào...

Sinh ra từ làng nghề làm tre, sống bằng cây tre, anh Kỷ vội vàng tấp lại để ngắm chiếc giường làm bằng nguyên liệu đặc biệt này. Chủ nhà là một ông cụ 86 tuổi, thời gian này gia đình cụ đang xây nhà, vật dụng phải chuyển hết ra ngoài. Chiếc giường tre vì thế mà để ngoài trời, làm chỗ nước non cho thợ thuyền.

Chiếc giường tre trăm tuổi - báu vật mà nghệ nhân Nguyễn Văn Kỷ đang lưu giữ trong ngôi nhà ngói ba gian của gia đình.

Chiếc giường tre trăm tuổi - báu vật mà nghệ nhân Nguyễn Văn Kỷ đang lưu giữ trong ngôi nhà ngói ba gian của gia đình.

Ngôi nhà tre, vách đất được anh Kỷ tái dựng trong khuôn viên.

Ngôi nhà tre, vách đất được anh Kỷ tái dựng trong khuôn viên.

Theo lời của ông cụ: chiếc giường có từ thời ông nội của cụ, tính theo tuổi cũng tới cả trăm năm. Kinh ngạc vì một chiếc giường mỏng mảnh, giản dị, có tuổi đời lâu như vậy mà vẫn dẻo dai, bền bỉ, “cõng” được ngần ấy người ngồi trên, anh ngỏ lời xin cụ để lại cho mình chiếc giường tre. Nhưng cụ nhất mực từ chối, vì muốn giữ lại làm kỷ niệm.

Từ Xuân Lai sang thị trấn Gia Bình chỉ 15 phút. Nguyễn Xuân Kỷ cứ cách tuần lại mò sang ngắm chiếc giường. Thấy anh thanh niên đắm đuối, lúc này cũng đã thân quen, lại biết anh Kỷ làm nghề chế tác các sản phẩm gia dụng từ tre, ông cụ tặng cho anh chiếc giường cũ về trưng bày.

“Với ai tôi không biết, nhưng với tôi đó là một báu vật. Các cụ nhà mình thời trước, làm gì có tiền để mua giường gỗ, tủ gỗ, hầu hết các vật dụng thông thường trong các gia đình nông dân vùng nông thôn đều làm từ tre: chõng tre, phản tre, liếp tre, chạn bát, rổ rá, công cụ lao động sản xuất đều có một phần của cây tre góp mặt. Nhưng, cái giường tre như thế thì tôi chưa thấy bao giờ. Nếu đúng như tuổi đời mà cụ chủ nhà nói, thì từ 100 năm trước, các cụ đã có ý tưởng làm hẳn một chiếc giường bằng tre thì đúng là kỳ tích”, anh Kỷ say sưa kể lại.

Nghệ nhân làng nghề tre Xuân Lai Nguyễn Văn Kỷ đang chế tác tranh tre.

Nghệ nhân làng nghề tre Xuân Lai Nguyễn Văn Kỷ đang chế tác tranh tre.

Ngôi nhà tranh tre, cách đất - hình ảnh quen thuộc của các làng quê Bắc bộ những năm 90 của thế kỷ trước.

Ngôi nhà tranh tre, cách đất - hình ảnh quen thuộc của các làng quê Bắc bộ những năm 90 của thế kỷ trước.

Mang chiếc giường quý về Xuân Lai, anh gọi thợ thuyền đến dọn hết cây cối trên mảnh vườn, dành một khoảng không để dựng một ngôi nhà ba gian lợp ngói theo lối cổ, và trịnh trọng đặt chiếc giường tre vào bên trong như một “bảo tàng” để lưu giữ kỷ vật. Đến nay, chiếc giường tre trăm tuổi vẫn nguyên vẹn như ngày nào, bên trên trải chiếc chiếu đậu được chọn mua từ một làng nghề dệt chiếu cói nổi tiếng.

Cũng trong năm 2007, anh dựng một ngôi nhà ba gian tranh tre vách đất đối diện với ngôi nhà ngói, tạo nên một không gian quê kiểng của những năm trước thập niên 90 của thế kỷ trước. Ngôi nhà 100% lõi tường bằng khung tre, bên ngoài trát bùn trộn với rơm nhào cho thật quyện, rồi trát cho kỳ phẳng phiu mới thôi. Trải qua gần 20 năm, ngôi nhà tường đất, tranh tre vẫn vẹn nguyên, không suy suyển.

“Ngày đó gấp gáp nên tôi chưa thực hiện được như mong muốn. Theo kinh nghiệm của các cụ để lại, nếu có thời gian phải đi lấy bằng được một ít phân trâu, phân bò về phơi khô, giã nhuyễn trộn với bùn để làm phụ gia. Phân trâu quện bùn sẽ mịn hơn, và kỳ lạ nhất là mối không bao giờ dám xông. Dựng lại ngôi nhà đất, tôi muốn lưu giữ lại hình ảnh xưa cũ, nhưng cũng muốn khẳng định rằng, tre, trúc… - những vật dụng thân thuộc đã có từ rất lâu trong cuộc sống thường ngày của người Việt chúng ta, và ngày nay nó đang dần quay trở lại”, nghệ nhân Nguyễn Văn Kỷ cho biết.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan về thăm làng tre Xuân Lai

Ngày 9/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – PTNT Lê Minh Hoan đã đến thăm làng nghề tre Xuân Lai và thăm cơ sở sản xuất của nghệ nhân Nguyễn Văn Kỷ. Tại đây, nghệ nhân Nguyễn Văn Kỷ đã giới thiệu với Bộ trưởng các công đoạn, quy trình sản xuất của làng nghề tre, các sản phẩm nội thất làm từ tre, trúc…

“Lần đầu tiên tôi được đón Bộ trưởng tới thăm cơ sở sản xuất của gia đình, tôi rất cảm động, vinh dự và tự hào. Tôi hứa với Bộ trưởng sẽ cùng với làng nghề giữ nghề, đưa làng nghề phát triển hơn, đưa hình ảnh cây tre Việt Nam ra bên ngoài, không chỉ tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động mà đó còn là bản sắc văn hóa, bàn tay tài hoa, khéo léo của những người nông dân, những làng nghề như chúng tôi”, nghệ nhân Nguyễn Văn Kỷ.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Quy trình vận hành liên hồ chứa và lưu vực sông cần phải đồng bộ

Việc vận hành đơn lẻ các hồ chứa, lưu vực sông sẽ ảnh hưởng đến quy trình vận hành liên hồ, do vậy cần sớm đồng bộ quy trình vận hành toàn lưu vực.