| Hotline: 0983.970.780

Người được phong "thành hoàng làng" khi còn sống

Thứ Sáu 20/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

Nhắc đến dân tộc Mường, người ta nghĩ họ cư trú ở các tỉnh phía Bắc, thế nhưng ở phía Đông dãy Trường Sơn, thuộc xã Trà Giang (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) lại có một làng Mường sinh sống. 

Câu chuyện về họ rất nhiều thú vị.

7.000 đồng và 1 bao lúa giống

Từ thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My chúng tôi vượt qua những cây cầu treo bắc qua suối, nhiều dốc núi cao chót vót để về thôn 5, 6 của xã Trà Giang, nơi đồng bào dân tộc Mường sinh sống.

Đến thôn, đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà sàn nằm chênh vênh dưới chân núi Bà. Đấy là những ngôi nhà sàn khác lạ so với người dân bản địa như dân tộc Cor, M'Nông…Hỏi về lịch sử làng Mường, ông Bùi Văn Tuấn, một người dân trong làng bảo, tìm về nhà vợ chồng ông Bùi Văn Mướp (58 tuổi), họ là người khai sinh ra vùng đất này, và được làng phong làm "thành hoàng làng" khi còn sống.

Trong căn nhà sàn, rót nước mời khách, uống chén trà nóng, ông Mướp kể chuyện lập làng. Quê ông ở xã Miền Đồi, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Năm 1987, ông vào Quảng Nam thăm một người em ở rể tại thị trấn Trà My. Mấy ngày ở đây, ông theo chân người em đi rừng săn thú, ra sông Tranh đánh bắt cá. Rồi ông bắt gặp vùng đất của làng bây giờ, có một thung lũng rộng lớn, nằm bên sông Tranh, con suối trong núi chảy ra không bao giờ thiếu nước.

“Đẹp lắm, một vùng đất không tưởng tượng nổi, nếu bỏ công khai phá thì ăn đứt so với ở ngoài quê. Chứ ở ngoài đó, đất bạc màu, độ dốc cao, trong khi đất chật người đông, con cái nhiều lấy gì mà ăn. Ở đây rừng có, đất trồng lúa quá dễ thì sẽ không thiếu đói được”, ông Mướp nhớ lại.

Giữa núi rừng, không có một bóng người qua lại, ông dựng nhà để ở. Những đám ruộng được ông khai phá. Sau hơn 1 năm, thấy cơ ngơi tạm ổn, ông bắt xe về lại miền Bắc, nơi có vợ con ông. Ông kể cho mọi người trong gia đình về vùng đất mới và vợ ông đồng ý theo chồng Nam tiến.

Ai ngờ, khi nghe tin anh, em và làng xóm chửi mắng. Có người bảo ông bị điên, bị ma ám… Người bảo, ông trúng phải bùa mê thuốc lú nên ra sức ngăn cản. Mặc kệ, ông đưa gia đình đi vào miền Trung “đánh cược” cuộc sống của mình.

Bà Bùi Thị Vũ, vợ ông Mướp, tiếp lời: Hai vợ chồng có 5 người con, trong đó 2 đứa đã lập gia đình. Do đó, chỉ có 3 người con đi cùng. Ngày đi, con cái, anh em không cho. Để “bỏ quê”, cả nhà phải trốn đi trong đêm, chồng mang 2 đứa con đi cùng, bà mang 1 đứa. Mỗi người một đường chạy trốn ra khỏi làng, sau đó hẹn gặp ở bến xe, thế nhưng cũng bị anh em tìm được rồi đưa về. Nhưng sau nhiều lần chạy trốn, cả gia đình đã có mặt tại Quảng Nam.

“Tài sản gia đình chỉ có mấy cái xoong nồi, chén, bát, một bao lúa giống và 7.000 đồng. Thức ăn chủ yếu rau rừng, cá bắt dưới sông suối, thịt săn bắt trong rừng. Ốm đau lấy cây rừng sắc uống. Sống chẳng có ai thân quen, một mình, một khu vực rộng lớn, vậy mà trong 3 năm, gia đình chinh phục được vùng đất này”, bà Vũ tâm sự.

Ông Lê Tài, Chủ tịch UBND xã Trà Giang, cho biết: “Việc có mặt của bà con dân tộc Mường đã khai sáng cho xã Trà Giang nhiều điều. Họ biết trồng lúa nước, đào ao nuôi cá, làm ăn chăm chỉ, đặc biệt con cái học hành rất giỏi. Do đó, người dân bản địa như M' Nông, Cor học hỏi người Mường làm thay đổi cuộc sống. Có mặt ở Trà Giang hơn 20 năm, nhưng bà con chấp hành nghiêm túc pháp luật, sống đoàn kết với các dân tộc khác”.

Trong vòng 3 năm, với sự chăm chỉ, đất không phụ lòng người, ông bà có 1 ha ruộng, chỗ trồng lúa nước, chỗ trồng khoai sắn. Cái ăn đã no đủ, ông bà lên rừng chặt cây làm nhà. Thấy vợ chồng ông làm ruộng giỏi, những người bản địa đến học hỏi trồng lúa, ông bà không ngại chỉ dạy. Cũng vì thế, từ lúa nương, bà con nơi đây bắt chước trồng lúa nước cho năng suất cao.

Vào đầu năm 1993, cuộc sống ổn định, ông bà về lại quê cũ mời anh em và làng xóm vào chơi. Khi đến nơi họ cũng không tin nổi, gia đình ông bà đã có được cơ ngơi này và nhiều người muốn vào đây lập nghiệp. Khi nghe vậy, ông bà ủng hộ, giúp đỡ. Và từ đó, người Mường ở xã Miền Đồi lần lượt kéo nhau vào đây. Thậm chí, những người anh em ngày xưa ngăn cản ông bà thì nay đã kéo cả gia đình vào đây. Sau hơn 20 năm, làng Mường có hơn 100 hộ.

Gieo gỗ quý ở đất mới

Đến làng Mường, người dân nơi đây khoe rằng, gia đình nào cũng có “của để dành”. Của đó càng để lâu thì tiền càng nhiều, đó là những cây gỗ lát hoa được đưa từ đất Hòa Bình vào trồng, sau mấy chục năm giờ cho một đống tiền. Họ còn thách rằng, dọc dãy rừng Trường Sơn, chỉ nơi đây có loài gỗ này.

Người có công đem gỗ lát hoa vào đây chẳng ai khác là "thành hoàng làng" Bùi Văn Mướp. Trong một lần về quê, ông mang được mấy chục cây đem vào trồng thử. Ai ngờ, cây gieo xuống thì thích hợp với vùng đất này.

Ôm cây lát hoa hơn 20 tuổi, ông Mướp cho biết, có mấy người đến mua nhưng không bán, nó là sản vật quê hương, cũng là cây “tổ” của lát hoa ở đây. Hiện lượng gỗ lát hoa của làng Mường khoảng 8 ha, được phân bổ cho các gia đình. Nhà ít vài chục cây, nhà nhiều vài trăm cây.


Cây lát hoa hơn 20 năm tuổi được ông Mướp mang từ Hòa Bình vào trồng

“Gỗ lát hoa bền chắc, không bị mối mọt, lại dẻo dai dễ cho thợ mộc uốn nắn. Gỗ có màu tươi, sáng, thớ mịn, nhiều vân đẹp. Vân gỗ lát hoa đẹp như mây khói, như hoa dong đỏ, chỗ nhặt chỗ thưa, mỗi loại vân có nét đẹp riêng. Bởi vậy nên mới gọi là lát hoa. Trong làng có ông Bùi Văn Tới (59 tuổi) là người trồng gỗ lát hoa nhiều nhất”, ông Mướp bộc bạch.

Ông Tới có khoảng 2.000 cây, cây to khoảng 1 người ôm. Nói về gỗ lát hoa, ông Tới chia sẻ: “Ở Hòa Bình, gỗ lát hoa được trồng nhiều, bán với giá rất đắt. Cây này sống khỏe, nhanh lớn nên bà con đem vào trồng thử, ai ngờ cây sống tốt, chất lượng gỗ đẹp. Hiện gỗ tự nhiên khan hiếm, nên lát hoa bán có giá. Mà gỗ để càng to càng quý, tương lai rừng lát hoa cho thu nhập cao lắm”.

Dẫn chúng tôi đến ngọn đồi trồng lát hoa, ông Tới cho biết, vườn lát hoa gần 20 năm tuổi, đường kính 30-50cm, từ gốc đến ngọn thẳng tắp, dài nên lượng gỗ sử dụng nhiều. Nếu thu hoạch có cây được 0,5 m3, tính ra mỗi cây giá cả chục triệu đồng, nhưng để càng lớn, giá bán càng cao. Hiện ông thường xuyên về quê mang giống vào gieo trồng thêm. Phần bán cho bà con trong làng, phần người dân địa phương đến mua về trồng lấn át cây keo lai. Do đó, diện tích lát hoa ngày càng được mở rộng.

“Trồng lát hoa phải kết hợp trồng xen kẽ cùng các loại cây ngắn ngày nhằm tiết kiệm nguồn nước, phân bón, lại đảm bảo được cuộc sống của người trồng. Một cây lát hoa được đánh giá cao phải là cây mọc thẳng, tán lá hẹp, không bị sâu bệnh. Phần lớn, gỗ lát hoa từ gốc cho đến ngọn đều được sử dụng mà không bỏ bộ phận nào”, ông Tới cho biết.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm