| Hotline: 0983.970.780

Người 'giữ lửa' làng nghề nón ngựa Phú Gia

Thứ Năm 24/02/2022 , 06:12 (GMT+7)

Đã 72 tuổi mà ông còn tinh tường lắm. Có vậy ông mới đảm nhiệm được vai trò 'người giữ lửa' cho làng nghề nón ngựa Phú Gia đã có gần 400 năm tuổi.

Những chiếc nón có cái tên rất… cao bồi

Theo các bậc cao niên ở làng Phú Gia, xã Cát Tường (huyện Phù Cát, Bình Định), làng nghề nón ngựa được hình thành đến nay đã gần 400 năm. Nón ngựa được xem là “kiệt tác” của nón lá. Nó không mang cái tên duyên dáng như “nón quai thao” của làng quê quan họ Bắc Ninh hay lãng mạn như “nón bài thơ” của xứ Huế, mà nó có tên là “nón ngựa”, cái tên nghe rất “cao bồi”.

Hỏi về nguồn gốc cái tên của nón ngựa, tôi được các bậc cao niên ở làng Phú Gia cho hay, ngày xưa, loại nón này chỉ được dành cho giới có chức sắc và những người thuộc giới thượng lưu, quyền quý. Những mẫu hoa văn “long, lân, quy, phụng” được thêu trên nón là biểu hiện quyền uy của người đội trong thời đại phong kiến. Mỗi mẫu hoa văn thể hiện thứ bậc của người đội trong xã hội thời ấy. Chỉ cần nhìn vào hoa văn trên chiếc nón ngựa là biết phẩm hàm của những vị quan trong triều đình phong kiến.

Ông Đỗ Văn Lan đội chiếc nón ngựa gia bảo của tổ tiên để lại. Ảnh: NVCC.

Ông Đỗ Văn Lan đội chiếc nón ngựa gia bảo của tổ tiên để lại. Ảnh: NVCC.

Ví như người có tước vị từ xã trưởng trở lên thì mới đội nón ngựa có chụp chóp bằng đồng hay bạc chạm trổ hình long, lân, quy, phụng theo phẩm trật, trên đỉnh là núm hình quả trám nhọn. Giới phong lưu, địa chủ thường chuộng mẫu hoa văn như “mai, lan, cúc, trúc” vì nó là biểu tượng của sự thanh tao, đài các, thể hiện được sự luân chuyển của thời tiết bốn mùa.

“Những chiếc nón được làm theo mẫu nói trên ngày xưa chỉ có giới chức trong thời phong kiến và những người thuộc giới địa chủ, phong lưu trong xã hội đội, mà những người này thường di chuyển bằng ngựa nên nó có cái tên là nón ngựa”, những bậc cao niên ở làng nón ngựa Phú Gia giải thích.

Cụ bà Trần Thị Kéo (84 tuổi) móm mém nụ cười, kể: “Hồi nhỏ, có lần tôi hỏi ông nội là vì sao chiếc nón ở làng mình có tên là nón ngựa, ông bảo cái tên nón ngựa xuất phát từ hình ảnh nó gắn với con ngựa, phương tiện di chuyển của những vị có chức sắc trong xã hội, những người quyền quý ngày xưa thường đội. Nón ngựa ngày xưa chỉ dành cho giới quan lại và cho những người thuộc tầng lớp địa chủ, dân thường không ai dám đội. Một phần là vì loại nón này có giá cao ngút ngàn, vượt quá khả năng túi tiền của thường dân nên chẳng ai dám mua đội. Sau này, ở làng Phú Gia chỉ có nhà giàu mới dám sắm nón ngựa cho cô dâu, chú rể đội mừng hỉ. Điểm đặc biệt của nón ngựa là bền, chắc, dẻo dai rất thích hợp cho những người cưỡi ngựa. Một chiếc nón ngựa có thời gian sử dụng đến cả trăm năm không hư”.

Ngày xưa người có tước vị từ xã trưởng trở lên thì mới đội nón ngựa có chụp chóp bằng đồng hay bạc chạm trổ hình long, lân, quy, phụng. Ảnh: NVCC.

Ngày xưa người có tước vị từ xã trưởng trở lên thì mới đội nón ngựa có chụp chóp bằng đồng hay bạc chạm trổ hình long, lân, quy, phụng. Ảnh: NVCC.

Để làm được 1 chiếc nón ngựa truyền thống thì phải cần đến những nguyên liệu đặc biệt, nhất là sự khéo léo, kiên nhẫn của người thợ. Ngày nay, nón ngựa truyền thống không được các nghệ nhân chế tác với số lượng nhiều, do tốn nhiều công sức mà đầu ra của sản phẩm chưa được thông thoáng lắm, dẫn đến tiền vào túi người thợ chỉ nhỏ giọt. Do vậy, dù nghề làm nón ngựa ở Phú Gia vẫn được duy trì, nhưng những chiếc nón đẹp và sắc sảo như cách đây vài chục năm ngày càng hiếm.

“Hiện ở xã Cát Tường có khoảng 330 hộ tham gia sản xuất nón ngựa. Trong đó, có khoảng 260 hộ dân ở các thôn Xuân Quang, Vĩnh Lạc, Kiều Đông và Tường Sơn chuyên làm những công đoạn ban đầu, sau đó bán thô cho khoảng 70 hộ chuyên làm khâu hoa văn ở làng Phú Gia để hoàn thiện chiếc nón.

Ở xã Cát Tường không chỉ có phụ nữ mới biết làm nón, các đấng mày râu ở đây cũng khéo tay lắm. Đặc biệt, ở làng Phú Gia hiện có ông Đỗ Văn Lan, người được xem là “cao thủ” trong nghề làm nón ngựa, chính ông là người đưa nón ngựa Phú Gia theo chân khách du lịch có mặt khắp mọi miền đất nước và sang đến trời Tây. Làng nghề nón ngựa Phú Gia là một trong những làng nghề truyền thống được UBND tỉnh Bình Định quy hoạch, gắn với phục vụ phát triển du lịch”, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tường (huyện Phù Cát, Bình Định), chia sẻ.

Nón ngựa Phú Gia do có giá trị cao nên chủ yếu phục vụ khách du lịch. Ảnh: NVCC.

Nón ngựa Phú Gia do có giá trị cao nên chủ yếu phục vụ khách du lịch. Ảnh: NVCC.

Cống hiến 3/4 cuộc đời cho những chiếc nón ngựa

Năm nay 72 tuổi, nhưng ông Đỗ Văn Lan, nhân vật mà ông Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tường giới thiệu là người “giữ lửa” cho làng nghề nón Phú Gia trông vẫn  tinh tường và năng động lắm.

Nói về sự gắn bó của mình với nghề làm nón ngựa, ông Lan bộc bạch: “Ông cao tôi là người An Nhơn lấy vợ ở làng Phú Gia rồi định cư ở quê vợ. Sau đó, cụ học nghề làm nón ngựa từ gia đình vợ và trở thành nghề gia truyền, cho đến đời tôi là đời thứ 4. Năm mới 12 tuổi tôi đã được ông nội và cha dạy làm nón. Hồi nhỏ, tôi đã được ông nội và cha khen là khéo tay. Lớn lên cưới vợ sinh con, vợ chồng tôi vẫn gắn bó với nghề làm nón và tiếp tục truyền nghề cho con cháu. Tính đến đời con tôi, đến nay gia đình tôi đã có 5 đời theo nghề làm nón ngựa. Hiện gia đình tôi còn giữ vật gia bảo là chiếc nón ngựa có niên đại 170 năm tuổi mà tổ tiên của tôi đã đội khi làm quan tri phủ”.

Cụ Trần Thị Kéo, một nghệ nhân cao niên ở làng Phú Gia vẫn đang miệt mài theo nghề chằm nón ngựa. Ảnh: NVCC.

Cụ Trần Thị Kéo, một nghệ nhân cao niên ở làng Phú Gia vẫn đang miệt mài theo nghề chằm nón ngựa. Ảnh: NVCC.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, nón ngựa Phú Gia giờ không còn là vật dụng để che mưa che nắng, mà đã trở thành món hàng thủ công mỹ nghệ có bề dày thời gian gắn với nét đẹp văn hóa độc đáo một thời.

Theo ông Lan, để làm được chiếc nón ngựa phải rất dày công với những nguyên vật liệu cũng khá độc đáo. Trước tiên là chọn lá kè, hay còn gọi là lá cọ. Lá không quá già cũng không quá non. Lá tươi phải được phơi nhiều nắng và sấy khô. Sau khi khô, lá còn được phơi trong sương đêm để lá bớt giòn cho dễ làm. Tiếp đến là chọn cây giang tươi chẻ ra từng miếng cật dày; cật giang được nạo sạch vỏ, phơi khô và chẻ ra thành cây tăm thật nhỏ, đều để làm sườn nón. Thứ đến là rễ dứa rừng chẻ thành thẻ, phơi khô và chuốt tròn dùng để làm sòi và làm vành nón. Trước đây, người ta dùng thân cây dứa tuốt lấy tơ phơi khô dùng làm chỉ để chằm nón, thế nhưng bây giờ chỉ tơ dứa đã được thay thế bằng các loại cước xanh và cước trắng. Để thêu hoa văn, thợ chằm nón ngựa còn chuẩn bị chỉ thêu đủ màu.

Mẫu nón ngựa mới ông Đỗ Văn Lan làm để dự thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ toàn quốc. Ảnh: NVCC.

Mẫu nón ngựa mới ông Đỗ Văn Lan làm để dự thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ toàn quốc. Ảnh: NVCC.

Cũng theo ông Lan, ngoài cước và chỉ thêu mua ở chợ, các loại lá kè, cây giang và rễ dứa mọc tự nhiên trên rừng, đồng bào dân tộc thiểu số khai thác rồi mang bán ở các phiên chợ quê hoặc mang đến tận Cát Tường bán đến nhà những hộ chằm nón.

“Để hoàn thành chiếc nón ngựa phải trải qua 10 công đoạn. Từ đan sườn mê, thắt sườn, hoàn thiện sườn mê đến làm vành, thêu hoa văn, sơ chế lá, lợp lá, chằm, nứt vành và cuối cùng là làm hoàn thiện. Nguyên vật liệu làm nón ngựa không phải mua nhiều tiền, nhưng giá trị của nó chính là sự dày công và kỹ thuật làm ra nó, nhất là về mỹ thuật. Một chiếc nón ngựa có thể sử dụng đến cả trăm năm mà không hư hỏng. Do nó có giá trị cao nên nón ngựa hiện nay chủ yếu khách du lịch mua để làm kỷ niệm chứ không ai mua để đội thường xuyên như nón lá”, ông Lan cho biết.

Ông Đỗ Văn Lan thử sản phẩm nón ngựa mới. Ảnh: NVCC.

Ông Đỗ Văn Lan thử sản phẩm nón ngựa mới. Ảnh: NVCC.

Riêng gia đình ông Lan với 6 thợ là người trong nhà và 14 lao động ông thuê làm thường xuyên mỗi năm sản xuất khoảng 500 chiếc nón ngựa có giá từ 300 ngàn đồng đến 3 triệu đồng mỗi chiếc. Nón của gia đình ông Lan làm ra chủ yếu cung ứng cho khách hàng trong nước đặt mua để phục vụ khách du lịch. Khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, khách du lịch về Bình Định thường tìm về làng Phú Gia mua nón ngựa như mua một tác phẩm nghệ thuật độc đáo để làm kỷ niệm.

“Còn nhớ cách đây 5 năm, 1 khách hàng ở Mỹ gọi về đặt hàng 1 chiếc nón ngựa có hoa văn thêu trên nón là 5 con ngựa chạy vòng tròn quanh chiếc nón. Theo thỏa thuận, sau khi làm mẫu xong tôi gửi cho khách hàng bên Mỹ qua thư điện tử, khi họ đồng ý bên này mình mới lợp lá, nếu không mình phải sửa lại. Lần ấy vừa xem mẫu khách hàng đồng ý cái rụp. Hoặc như cách đây 3 năm, 1 khách hàng ở Huế đặt tôi làm 1 chiếc nón thêu 2 cô gái tuổi đôi mươi ngồi trên búp sen. Khó vô cùng, nhưng tôi vẫn làm khách hài lòng. Hiện tôi đang làm 3 sản phẩm theo mẫu mới để đại diện Bình Định dự thi quốc gia về hàng thủ công mũ nghệ. Những mẫu mới cách điệu từ nón ngựa truyền thống nên khác xa những mẫu cũ”, ông Đỗ Văn Lan chia sẻ.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.