| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi tằm 'ôm' dâu đợi giống

Thứ Ba 03/03/2020 , 07:01 (GMT+7)

Nghề trồng dâu nuôi tằm trở thành kế sinh nhai của nhiều gia đình ở Lâm Đồng, nhưng từ sau Tết Nguyên đán, nguồn giống trở nên khan hiếm khiến họ thêm khó khăn.

Nhập tằm giống từ Trung Quốc về mất nhiều thời gian nên người trồng dâu nuôi tằm ở Lâm Đồng gặp khó khăn. Ảnh: Minh Hậu.

Nhập tằm giống từ Trung Quốc về mất nhiều thời gian nên người trồng dâu nuôi tằm ở Lâm Đồng gặp khó khăn. Ảnh: Minh Hậu.

Tại huyện Lâm Hà, những ngày này, việc sản xuất tơ tằm đang chậm lại. Nhiều gia đình đã xuất bán lứa kén trước nhưng vẫn chưa thể bắt tay vào nuôi lứa mới do giống tằm về chậm.

Ông Nguyễn Văn Chiến, người dân làng nghề dâu tằm tơ Đông Anh 3 (thị trấn Nam Ban) cho biết, gia đình ông phải ngưng sản xuất đã lâu do chưa đặt được giống mới.

“Tôi đặt tằm con từ 20 ngày trước nhưng giờ này vẫn chưa có để nuôi. Đợt này giá kén đang cao, không có giống để nuôi nên tiếc mãi”, ông Chiến thổ lộ. 

Theo ông Chiến, gia đình ông có hơn 1ha dâu và làm nghề “ăn cơm đứng” đã nhiều năm. Suốt thời gian làm nghề, ông lấy giống của một cơ sở chuyên ươm tằm ở địa phương.

“Giống về không kịp làm việc sản xuất bị gián đoạn. Đáng tiếc hơn nữa là dâu trong vườn cứ già đi rồi sẽ phải cắt bỏ”, ông Chiến tâm sự và cho biết thêm, vườn dâu của gia đình được chăm sóc tốt nên mỗi năm, 1 sào có thể nuôi đảm bảo thức ăn để nuôi 6-7 hộp tằm.

Hiện nay, người nuôi tằm ở Lâm Đồng phải phụ thuộc vào nguồn giống Trung Quốc. Giống này đều được các cơ sở kinh doanh ở địa phương nhập về và phân phối.

Bà Nguyễn Thị Dung, chủ cơ sở chuyên cung cấp trứng – tằm giống tại huyện Lâm Hà cho biết, việc nhập giống vẫn được cơ sở duy trì, tuy nhiên, thời gian đưa hàng về địa phương chậm hơn so với trước.

Trước Tết Nguyên đán 2020, mỗi tuần, cơ sở của bà nhập trứng tằm về ươm với số lượng tương đương 500-600 hộp tằm để cung cấp cho người dân.

Tuy nhiên, đợt này phải hơn 10 ngày bà mới đưa được tằm về và số lượng chỉ ở vào khoảng 200 hộp.

Theo chủ cơ sở ươm giống, để có trứng tằm từ Trung Quốc, họ phải đặt hàng trước 10 ngày. Khi có trứng thì mất thêm 10 ngày để ươm nên từ khi giống về đến khi giao cho nông dân mất 20 ngày. Ảnh: Minh Hậu.

Theo chủ cơ sở ươm giống, để có trứng tằm từ Trung Quốc, họ phải đặt hàng trước 10 ngày. Khi có trứng thì mất thêm 10 ngày để ươm nên từ khi giống về đến khi giao cho nông dân mất 20 ngày. Ảnh: Minh Hậu.

“Nguồn giống phụ thuộc vào bên cung cấp ở Trung Quốc nên mình muốn nhanh cũng không thể. Trước tết thì hàng về nhanh và muốn lấy bao nhiêu cũng có. Bây giờ vào mùa khô và cũng hiếm trứng tằm nên mọi việc khó khăn hơn”, bà Nguyễn Thị Dung cho hay.

Giống tằm về chậm nhưng điều lo ngại hơn là chất lượng giống khó kiểm soát. Theo người dân, họ chấp nhận chậm, chấp nhận bỏ thêm tiền để mua giống nhưng luôn có tâm lý lo ngại vì không thể biết được giống đó có đảm bảo chất lượng. Nhiều gia đình bỏ 1 triệu đồng mua 1 hộp tằm nhưng khi đưa về chăm sóc được hơn tuần thì phát hiện tằm bị bệnh mủ chân, sưng đốt hoặc vôi thân…

Bà Nguyễn Thị Duyên, người nuôi tằm ở xã Đinh Lạc, huyện Di Linh cho biết: “Một khi tằm có bệnh thì phải chấp nhận thiệt hại vì không thể điều trị như những loại vật nuôi khác. Bởi vậy nên bỏ cả triệu đồng là thế nhưng chưa chắc đã ổn”.

Trứng tằm giống được một cơ sở ươm ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) nhập về từ Trung Quốc. Ảnh: Minh Hậu.

Trứng tằm giống được một cơ sở ươm ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) nhập về từ Trung Quốc. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y – Thủy sản Lâm Đồng cho biết, địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Tuy nhiên, việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn khi chưa thể chủ động được nguồn giống.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho hay, hiện nay các cơ sở sản xuất giống trong nước chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu giống trên cả nước.

Về phần Lâm Đồng, loại giống trứng kén trắng mà người dân áp dụng để sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, nguồn này nhập khẩu chủ yếu bằng con đượng tiểu ngạch. Về việc khan hiếm trứng giống như hiện nay là do phía Trung Quốc hạn chế xuất qua Việt Nam để tránh sự ảnh hưởng bởi dịch bệnh viêm phổi cấp Covid-19.

Nghề trồng dau nuôi tằm mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân ở Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Nghề trồng dau nuôi tằm mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân ở Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

“Mua được giống tằm chất lượng, một hộp có thể đạt từ 45-50kg kén. Giống kém chất lượng, tằm bị bệnh thì may lắm cũng chỉ thu được 30kg kén/hộp”, ông Nguyễn Văn Chiến chia sẻ.

Để đảm bảo sản xuất, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ tỉnh trong việc nhập khẩu giống gốc hoặc giống tằm cấp 1 (từ Trung Quốc, Nhật Bản), tổ chức khảo nghiệm, đánh giá để tỉnh sản xuất giống tằm cấp 2.

Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân chủ động hợp tác với các đơn vị sản xuất giống ở nước ngoài để chủ động sản xuất trứng giống cấp 2, chủ động phục vụ nhu cầu sản xuất.

Ở Lâm Đồng, nghề dâu tằm đang phát triển rộng ở 11 huyện, thành phố với tổng diện tích dâu khoảng 6.800ha (chiếm gần 67% diện tích dâu cả nước). Tỉnh đang đẩy mạnh ngành tơ tằm theo hướng sản xuất hiệu quả, tập trung sản xuất chuyên canh, hình thành vùng nguyên liệu dâu tằm ổn định với diện tích dự kiến 10.000ha vào năm 2023 với sản lượng kén khoảng từ 14.000 - 14.500 tấn.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kỷ niệm 10 năm thành lập Công ty cổ phần BIGRFEED Hưng Yên

Ngày 21/4, Công ty cổ phần BIGRFEED Hưng Yên (xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm